Ngày 28.9, Triều Tiên phóng một tên lửa tầm ngắn ra biển khoảng một giờ trước khi đại sứ của họ tại Liên hợp quốc tuyên bố không ai có thể bác bỏ quyền được thử vũ khí của Triều Tiên.
Người dân theo dõi tin tức Triều Tiên phóng tên lửa qua truyền hình tại một nhà ga ở Seoul (Hàn Quốc) ngày 28.9. Ảnh: AFP
Tôi tin một viễn cảnh tốt đẹp sẽ mở ra cho quan hệ Mỹ - Triều và quan hệ liên Triều nếu Mỹ không đe dọa Triều Tiên và từ bỏ thái độ thù địch.
Ông Kim Song, đại diện thường trực của Triều Tiên tại Liên hợp quốc
Ngày 28.9, Hàn Quốc cho biết một tên lửa tầm ngắn đã được phóng từ tỉnh Jagang ở vùng núi phía bắc Triều Tiên vào khoảng 6 giờ 40 sáng 28.9 (giờ địa phương). Sự việc diễn ra theo Seoul là "vào thời điểm sự ổn định chính trị trên bán đảo Triều Tiên là rất quan trọng". Các chi tiết về vụ việc đang được phía Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục phân tích.
Tại sao là ngày 28.9?
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho rằng có lẽ Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo và Tokyo sẽ tăng cường cảnh giác, giám sát. Bộ Ngoại giao Mỹ lên án vụ phóng này "vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc (LHQ) và gây đe dọa cho các nước láng giềng của Triều Tiên", đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tham gia đối thoại.
Đây là vụ phóng tên lửa thứ ba của Triều Tiên trong tháng 9, sau khi Bình Nhưỡng thử nghiệm một tên lửa hành trình chiến lược (ngày 11 và 12.9) và hai tên lửa đạn đạo phóng từ tàu hỏa (ngày 15.9). Tương tự các cuộc trước, vụ phóng lần này tiếp tục thu hút sự chú ý của quốc tế.
Tuy nhiên, thời điểm phóng lần này được giới quan sát chú ý. Nó diễn ra chưa đầy một giờ trước khi ông Kim Song, đại sứ của Triều Tiên tại LHQ phát biểu trong ngày cuối cùng tuần lễ cấp cao kỳ họp Đại hội đồng LHQ ở New York (Mỹ) - ngày 27.9 (tức 28.9 theo giờ Triều Tiên). Phát biểu tại LHQ, ông Kim nói Bình Nhưỡng có "quyền tự vệ chính đáng", theo đó sẽ "phát triển, thử nghiệm, chế tạo và sở hữu các hệ thống vũ khí".
Do đó, vụ phóng mới nhất và sự xuất hiện cùng ngày của ông Kim Song tại LHQ để nói về "quyền tự vệ chính đáng" dường như đã nằm trong tính toán của Triều Tiên.
Đặc biệt, ông Kim cho biết Triều Tiên "sẽ không bao giờ vi phạm hoặc gây đe dọa cho an ninh của Mỹ, Hàn Quốc và các nước láng giềng". Đại sứ Triều Tiên nói thêm nếu Mỹ từ bỏ chính sách thù địch, Triều Tiên sẽ "sẵn sàng đáp lại bất cứ lúc nào". Ông Kim nói việc cho rằng "Mỹ trở nên thù địch với Triều Tiên vì vấn đề hạt nhân" là quan niệm sai lầm, vì theo ông, Mỹ đã "thù địch với Triều Tiên hơn 70 năm rồi".
Như vậy, có thể thấy một mặt Triều Tiên muốn duy trì kho vũ khí hạt nhân của họ song mặt khác cũng muốn cải thiện quan hệ với Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, ở thời điểm này, Washington khó chấp nhận điều đó bởi Nhà Trắng dưới thời ông Joe Biden đã khẳng định "mục tiêu của chúng tôi vẫn là phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên".
Kỳ vọng nối lại đàm phán
Những ngày qua, Bình Nhưỡng đã phát tín hiệu sẵn sàng nối lại quan hệ với Seoul sau khi Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In kêu gọi ra tuyên bố chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) trong bài phát biểu tại LHQ hồi tuần trước.
Hôm 25.9, bà Kim Yo Jong, em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un, cho biết Bình Nhưỡng sẵn sàng xem xét tham gia một hội nghị thượng đỉnh liên Triều trên cơ sở "tôn trọng" và "công bằng".
Một ngày trước đó, bà Yo Jong nói Triều Tiên sẽ nối lại đàm phán với Hàn Quốc nếu Seoul từ bỏ chính sách thù địch với Bình Nhưỡng và bỏ luôn cái gọi là "các tiêu chuẩn kép" về chương trình vũ khí.
Về vụ phóng tên lửa mới nhất của Bình Nhưỡng, một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên đang muốn đo lường mức độ thiện chí của Seoul ra sao trong việc cải thiện quan hệ giữa hai nước.
"Có vẻ Triều Tiên muốn xem Seoul thành thật mức nào trong chuyện sẵn sàng cải thiện quan hệ liên Triều và chính thức kết thúc chiến tranh Triều Tiên" - giáo sư Yang Moo Jin đến từ Đại học Nghiên cứu Triều Tiên (Hàn Quốc) bình luận.
Ông Yang phân tích: "Bình Nhưỡng sẽ theo dõi và nghiên cứu phản ứng của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In sau vụ phóng ngày 28.9 và quyết định sẽ làm gì trong các vấn đề kiểu như khôi phục đường dây nóng liên Triều".
Về phía Mỹ, Nhà Trắng từng cho biết Tổng thống Biden sẵn sàng tổ chức đàm phán với Triều Tiên ở bất kỳ nơi đâu và bất cứ lúc nào nhưng "chính sách của chúng tôi sẽ không tập trung vào việc đạt được một thỏa thuận lớn".
Liên Triều chạy đua năng lực phòng thủ
Ngày 15.9, cùng ngày Triều Tiên phóng thử tên lửa từ tàu hỏa, Hàn Quốc cũng thử thành công tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm đầu tiên và trở thành quốc gia thứ 7 trên thế giới thực hiện được việc này.
Ngày 28.9, cùng ngày Triều Tiên thực hiện vụ phóng tên lửa thứ ba, Hàn Quốc cũng hạ thủy tàu ngầm thứ ba có khả năng phóng tên lửa đạn đạo, theo Hãng tin Yonhap. Con tàu nặng 3.000 tấn này có thể mang theo 50 thủy thủ và hoạt động liên tục dưới nước trong 20 ngày. Hàn Quốc dường như cũng đang tăng cường xây dựng năng lực quân sự trước các động thái quân sự của Triều Tiên.
Theo Tuổi trẻ