Triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn hàng tỷ đồng

17/12/2016 05:56

Sau nhiều tháng xác minh, điều tra, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn giá trị gia tăng hàng tỷ đồng.



Đối tượng Bùi Thị Giang tại cơ quan điều tra

Công ty "ma"

Đầu năm 2016, trong quá trình kiểm tra, Chi cục Thuế quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) phát hiện Công ty TNHH một thành viên Vật tư tổng hợp Đức Phát (gọi tắt là Công ty Đức Phát) trụ sở tại xã Tân Trường (Cẩm Giàng) dù đã bỏ địa chỉ kinh doanh nhưng vẫn bán hàng hóa cho Công ty CP Xây dựng thương mại Sơn Giang, trụ sở tại phường Phương Liệt, quận Hoàng Mai với doanh số ghi trên hóa đơn trên 2,1 tỷ đồng. Nghi vấn việc mua bán giữa 2 doanh nghiệp trên là bất hợp pháp nên Chi cục Thuế quận Hoàng Mai đề nghị Công an tỉnh Hải Dương xác minh làm rõ hoạt động kinh doanh của Công ty Đức Phát. Trước đó, doanh nghiệp này cũng bị Chi cục Thuế huyện Cẩm Giàng nghi vấn hoạt động buôn bán hóa đơn giá trị gia tăng (GTGT) và đề nghị Công an huyện xác minh.

Quá trình xác minh, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC44) xác định Công ty Đức Phát do Lê Anh Tú (sinh năm 1989, trú tại phường Nhị Châu, TP Hải Dương) là giám đốc. Làm việc với cơ quan chức năng, Tú khai nhận được đối tượng tên là Nhất ở xã Đại Đức (Kim Thành) thuê thành lập Công ty Đức Phát với giá 5 triệu đồng. Sau khi công ty được thành lập, Tú giao toàn bộ con dấu, giấy đăng ký kinh doanh (ĐKKD) cho Nhất và không tham gia vào hoạt động của Công ty Đức Phát.

Bằng các biện pháp nghiệp vụ kết hợp với tài liệu do Công an huyện Cẩm Giàng cung cấp, PC44 đã dựng lên chân dung nhóm đối tượng chuyên thuê người thành lập các công ty để buôn bán hóa đơn, gồm: Nguyễn Văn Nhất (sinh năm 1981, trú tại xã Đại Đức) và Vũ Ngọc Giới (sinh năm 1960, trú tại xã Đại Bản), Phạm Văn Thoán (sinh năm 1972, trú tại xã An Hòa), Lưu Quang Vinh (sinh năm 1983, trú tại An Hòa, cùng ở huyện An Dương, Hải Phòng). Các đối tượng trên đã thuê thành lập 6 công ty "ma" đều có trụ sở đăng ký trên địa bàn huyện Cẩm Giàng, gồm các công ty TNHH một thành viên: Dịch vụ thương mại Việt Dũng, Xuất nhập khẩu Sungroup, Thương mại và xây dựng Việt Anh (gọi tắt là Công ty Việt Anh), Thương mại và dịch vụ Đông Phương, Dịch vụ  thương mại Nam Phong HD và TNHH Thương mại dịch vụ xây dựng Capital HD. Các công ty trên không hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ mà mục đích là bán hóa đơn cho các doanh nghiệp thu lời bất chính.

Mua bán khống

Sau một thời gian trinh sát, ngày 30-4 vừa qua khi phát hiện Phạm Văn Thoán có mặt tại nhà, cơ quan điều tra đã triệu tập Thoán đến làm việc. Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra phát hiện trong điện thoại của Thoán hình ảnh 11 tờ hóa đơn GTGT thể hiện Công ty Việt Anh bán hàng cho Công ty TNHH một thành viên Vận tải An Bình (gọi tắt là Công ty An Bình) trụ sở tại thị trấn Minh Tân (Kinh Môn) với tổng giá trị tiền thanh toán gần 11,4 tỷ đồng. Thoán khai nhận 11 tờ hóa đơn trên không có hàng hóa dịch vụ kèm theo.

Kết quả điều tra, Công ty An Bình do Nguyễn Thị Hường là giám đốc. Nhằm hợp pháp hóa chứng từ kê khai thuế, giảm chi phí nộp thuế, Hường đã liên hệ với Bùi Thị Giang (sinh năm 1971, trú tại thị trấn Minh Tân) tìm mua hóa đơn cho công ty với tổng số hàng hóa trên hóa đơn (bao gồm cả 10% thuế GTGT) trị giá hơn 11 tỷ đồng. Theo thỏa thuận, Hường sẽ phải trả cho Giang 2,3% giá trị tiền hàng hóa ghi trên hóa đơn (trước thuế). Giang đã liên hệ nhờ Đặng Thị Thanh (sinh năm 1986, trú tại xã Tân Dân, Kinh Môn) tìm mua hóa đơn giúp. Thanh tiếp tục liên hệ với Vũ Ngọc Giới để mua hóa đơn. Nhận được đề nghị của Thanh, Giới đặt vấn đề nhờ Thoán cung cấp 11 tờ hóa đơn ghi nội dung hàng hóa như Công ty An Bình cung cấp. Thoán đã yêu cầu Vinh viết 11 tờ hóa đơn GTGT nêu trên và chuyển cho Thanh để đưa cho Công ty An Bình. Trong việc mua bán hóa đơn trên, Thanh và Giang hưởng 0,1%,  nhóm của Thoán hưởng  2,2% tiền giá trị hóa đơn trước thuế.

Toàn bộ 11 tờ hóa đơn GTGT trên, Công ty An Bình đã kê khai thuế tháng 3-2016 và đã được Chi cục Thuế huyện Kinh Môn chấp nhận. Theo giám định tư pháp tài chính ngày 11-5-2016 của Sở Tài chính: Giá trị thiệt hại về tiền thuế phải nộp ngân sách của việc mua bán trái phép 11 tờ hóa đơn GTGT trên là hơn 1,8 tỷ đồng. Ngoài ra, thuế thu nhập doanh nghiệp của Công ty An Bình phải truy thu do bị xuất toán giá trị mua hàng, không được tính chi phí hợp lý là gần 2,1 tỷ đồng.

Mở rộng điều tra, PC44 còn xác định trong thời gian từ tháng 1-2015 đến tháng 1-2016, thông qua đối tượng Nguyễn Văn Cường (sinh năm 1977, trú tại xã An Hòa, An Dương, Hải Phòng), Công ty Đức Phát và Công ty Việt Anh do Vinh và Thoán điều hành đã bán 112 tờ hóa đơn GTGT cho Vũ Thanh Hải (sinh năm 1976, trú tại xã Tân Dương, Thủy Nguyên, Hải Phòng) là bếp trưởng của Công ty TNHH HILEX Việt Nam ở khu công nghiệp Nomura (huyện An Dương) với số tiền gần 2 tỷ đồng tiền hàng hóa khống.

Cuối tháng 11 vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Công an tỉnh) đã khởi tố bị can đối với 8 đối tượng: Lưu Quang Vinh, Phạm Văn Thoán, Vũ Ngọc Giới, Vũ Thanh Hải, Nguyễn Văn Cường, Nguyễn Thị Hường, Đặng Thị Thanh và Bùi Thị Giang về hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Chiều 12-12, đại diện PC44 cho biết đến nay quá trình điều tra vụ án mới kết thúc giai đoạn đầu. Hiện cơ quan chức năng đã xác định được hàng chục doanh nghiệp ở khắp các tỉnh, thành phía Bắc có giao dịch với các công ty "ma" của nhóm đối tượng trên. Vụ án sẽ tiếp được điều tra mở rộng để làm rõ và xử lý hành vi phạm tội của các đối tượng liên quan.

HOÀNG BIÊN


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triệt phá đường dây mua bán trái phép hóa đơn hàng tỷ đồng