Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh, các mô hình nông nghiệp đô thị (NNĐT) trong tỉnh cũng có những thay đổi để đáp ứng yêu cầu thực tế.
Hiện nhiều diện tích đất ven đô đang được người dân chuyển sang trồng hoa, cây cảnh
Nhiều lợi ích
Năm 2017, anh Lê Văn Chính ở xã Gia Xuyên (Gia Lộc) thuê hơn 20.000 m2 đất ở khu đồng Giỗ của thị trấn Gia Lộc để trồng hoa, cây cảnh. Khu trồng hoa này nằm cạnh đường nối lên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng nên nhiều người từ các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Bắc Ninh... đi qua đây đều ghé vào vườn tham quan và mua cây cảnh.
Phát huy thế mạnh vị trí cửa ngõ của TP Hải Dương, từ năm 2016, huyện Gia Lộc có chủ trương xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới sản xuất sạch, phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô. Huyện quan tâm sản xuất theo hướng VietGAP nhằm nâng cao chất lượng và giá bán sản phẩm, phục vụ nhu cầu nông sản cho người dân ở khu vực nội đô. Khuyến khích người dân ở các địa phương có đường tỉnh chạy qua như Toàn Thắng, Đoàn Thượng, Phương Hưng... mở rộng diện tích trồng hoa, cây cảnh. Với nhiều chính sách, cơ chế hỗ trợ, đến nay, huyện đã xây dựng 46 vùng sản xuất rau màu tập trung. Sản phẩm rau màu của huyện đã được cấp nhãn hiệu tập thể, tiêu thụ thuận lợi.
Thời gian qua, ngoài thực hiện các tiêu chí của đô thị loại I, TP Hải Dương còn quan tâm phát triển NNĐT để đẩy lùi những mặt trái của đô thị hóa, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên. Theo đại diện Phòng Kinh tế TP Hải Dương, hiện thành phố còn 360 ha đất nông nghiệp, gồm 100 ha gieo cấy lúa, 200 ha sản xuất rau màu và 60 ha trồng hoa. Đô thị hóa đã phá vỡ quy hoạch về giao thông, thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là gieo cấy lúa nên thành phố đang có hướng chuyển dịch toàn bộ diện tích cấy lúa còn lại sang chuyên canh rau màu, hoa, cây cảnh. Đây là một trong những yếu tố góp phần xây dựng một thành phố xanh, năng động và hiện đại.
Hải Dương là vựa nông sản của miền Bắc nên bên cạnh các mô hình NNĐT của các huyện, thành phố, tỉnh sẽ là vùng NNĐT hạt nhân phục vụ cho các đô thị lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh...
Hỗ trợ ứng dụng công nghệ vào sản xuất
NNĐT là hướng phát triển tất yếu, là điều kiện để các đô thị phát triển bền vững. Nhiều địa phương ven đô cũng đang dần chuyển dịch trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng nguồn vốn đầu tư cho NNĐT rất lớn, cần có sự hỗ trợ để khuyến khích, động viên nông dân vùng ngoại ô ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.
Theo ông Nguyễn Xuân Hạ, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kinh Môn, những năm qua, ngoài dồn sức thực hiện các mục tiêu của đô thị loại IV, huyện cũng nghiên cứu các yếu tố để xây dựng nền NNĐT. Với lợi thế phát triển công nghiệp, việc hình thành các mô hình NNĐT sẽ giúp cân bằng diện mạo đô thị của Kinh Môn. Hiện huyện đã hình thành các vùng sản xuất rau màu chuyên canh, vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện chủ trương của tỉnh, huyện cũng đang triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm. Đây là cơ sở giúp huyện có thể lựa chọn mô hình phát triển hợp lý, vừa khai thác tối đa giá trị sản xuất nông nghiệp, vừa tạo cảnh quan cho đô thị. Huyện cũng sẽ cân nhắc phương án hỗ trợ phù hợp để tiếp thêm động lực cho người dân xây dựng NNĐT theo đúng định hướng.
Bắt kịp xu hướng nông nghiệp hiện đại, phường Ái Quốc (TP Hải Dương) đang hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ông Đỗ Duy Do, Phó Chủ tịch UBND phường Ái Quốc khẳng định NNĐT không chỉ cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông sản phục vụ tiêu dùng mà còn giúp môi trường sống thêm trong lành và giảm áp lực về việc làm. Song để các mô hình này phát huy hiệu quả bền vững vẫn cần có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành.
Sự phát triển của công nghiệp là thách thức lớn đối với ngành nông nghiệp khi tập quán canh tác cũ không còn phù hợp với điều kiện sản xuất mới. Xây dựng nền NNĐT là hướng đi đầy triển vọng góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực của công nghiệp hóa, đô thị hóa.
DŨNG CƯỜNG