Triển vọng cây cam Canh trên đất Ninh Giang

27/11/2019 17:41

Phát triển tốt trên những vùng đất chua trũng, cây cam Canh (hay cam đường Canh) được kỳ vọng sẽ là một trong những loại cây làm giàu cho người dân ở một số xã của huyện Ninh Giang.

Cây cam Canh trồng trên đất đồng cho quả ngon, ngọt và mẫu mã đẹp hơn so với trồng trên đất bãi

Lãi lớn từ đồng chua

Chỉ còn ít ngày nữa vườn cam của gia đình anh Nguyễn Anh Tới ở thôn Đồng Hội (Hồng Phong) sẽ được thu hoạch. Bắt đầu trồng từ cuối năm 2015 với gần 1.000 gốc, đến nay, vườn cam của gia đình anh có trên 5.000 gốc trên diện tích hơn 2 ha.

Anh Tới chia sẻ: "Khó khăn nhất là giai đoạn đầu, thiếu vốn, yếu kỹ thuật và kinh nghiệm nên khâu chăm sóc gặp nhiều khó khăn. Thời điểm mưa lớn cuối năm 2016, gần 500 gốc cam bị chết vì úng".

Khu đồng nhà anh Tới bị nhiễm chua phèn nặng, đến nỗi người dân ở đây gọi là đồng chua. Người dân địa phương quanh năm gắn bó với cây lúa nhưng không đem lại hiệu quả nên bỏ ruộng. Sau khi huyện Ninh Giang dồn điền, đổi thửa cuối năm 2015, anh Tới đã có ý định trồng cam. Anh vận động người dân nhượng lại ruộng rồi mua phân gà, vôi bột để cải tạo đất.

Vừa làm vừa học hỏi, đến nay, gia đình anh đã sở hữu vườn cam Canh sai trĩu quả. Với giá bán buôn tại vườn khoảng 50.000 đồng/kg, hơn 1.000 gốc cam sắp được thu hoạch, năng suất ước đạt 20-30 kg/gốc sẽ mang lại doanh thu từ 1-1,5 tỷ đồng cho gia đình anh.

Ở xã Hồng Phong cũng có một số hộ học hỏi, mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang cam Canh. Gia đình chị Phạm Thị Hoa ở thôn Bồ Dương trồng 1 ha cam Canh. Chị Hoa sang tận các vùng trồng cam ở Phù Cừ (Hưng Yên) để học hỏi kinh nghiệm. Trồng từ cuối năm 2017, cuối năm nay là kỳ thu hoạch đầu tiên của gia đình chị.

Chia sẻ về kinh nghiệm trồng cam, chị Hoa cho biết: "Đây là loại cây tương đối khó tính, đòi hỏi kỹ thuật trồng và chăm sóc đặc biệt hơn so với các loại cây ăn quả khác nên không chỉ dựa vào kinh nghiệm đơn thuần mà cần áp dụng các kỹ thuật tiến bộ. Người trồng cần thực hiện nghiêm ngặt quy trình làm đất, thời gian bón phân, phòng trừ sâu bệnh...".

Theo nhận định của nhiều nông dân Ninh Giang, nếu mỗi sào lúa 1 năm chỉ thu vài triệu đồng thì một sào cam Canh có thể thu lãi hàng chục triệu đồng. Giá trị kinh tế của loại cam này thậm chí còn cao hơn nhiều lần so với một số loại cam khác. 

Hướng làm giàu mới

Huyện Ninh Giang hiện có trên 10 ha trồng cam Canh, tập trung tại xã Hồng Phong và một phần nhỏ ở các xã Vĩnh Hòa, Kiến Quốc. Ông Bùi Minh Chương, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: "Vài năm trước, do trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp nên huyện đã chủ động hướng dẫn người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vận động và khuyến khích người dân đưa cây, con mới có giá trị kinh tế cao về nuôi trồng tại địa phương. Cây cam Canh bắt đầu được trồng ở đây khoảng cuối năm 2015". 

Anh Tới là người đi đầu đưa cam Canh về trồng ở Ninh Giang. Gia đình anh có khu chuyển đổi được đầu tư quy mô, bài bản nhất huyện. Nhờ bạn bè là chủ các trang trại trồng cây ăn quả hướng dẫn và tư vấn, anh đã mạnh dạn đưa giống cam Canh từ huyện Văn Lâm (Hưng Yên) về trồng tại Hồng Phong. Nhiều hộ dân khác trong vùng đã học tập cách làm của anh Tới. 

Trồng cam Canh trên đất đồng chậm phát triển và năng suất thấp hơn so với trồng trên đất bãi nhưng quả ngon, ngọt và đẹp mã hơn rất nhiều. "Thời gian tới, trên cơ sở những địa phương đã trồng thành công cây cam Canh, huyện sẽ định hướng tiếp tục mở rộng diện tích trồng loại cây này", ông Chương cho biết thêm.

Là loại cây có thể cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa lại phù hợp với đặc điểm đất đai ở địa phương, cam Canh Ninh Giang ngày càng có chỗ đứng trên thị trường, được tiêu thụ tại các tỉnh, thành phố lân cận như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh hay thậm chí vào tận TP Hồ Chí Minh. Hy vọng với sự lựa chọn loại cây mới này để canh tác, nông dân Ninh Giang sẽ thu được nhiều mùa "quả ngọt".

HÀ KIÊN

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển vọng cây cam Canh trên đất Ninh Giang