Triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Việt Cường: Dư âm của những sắc màu

25/09/2011 10:17


"Tĩnh vật" - Tranh sơn dầu của Đặng Việt Cường

Ngay sau triển lãm ký họa đen trắng với hơn 50 bức vẽ bằng than và bút sắt tại Hà Nội, những ngày tháng 9-2011, tại Hải Dương, họa sĩ Đặng Việt Cường có một phòng trưng bày với hơn 50 bức tranh sơn dầu, sơn mài và một số ký họa đen trắng.

Triển lãm ký họa hoàn toàn sử dụng màu đen với các sắc độ đậm nhạt; dấu ấn của các mảng, vệt than tịnh tiến chắc chắn, gọn và tơi xốp. Các bức ký họa bằng nét bút sắt cũng khá phóng khoáng. Các bức vẽ này đều được đơn giản đến tối giản mà vẫn tạo được cảm giác phong phú về người - đối tượng chính, duy nhất trong các bức ký họa. Tất cả đều toát lên cảm xúc trực quan  về đặc trưng dáng vẻ người miền núi mà tác giả đã có sự trở đi trở lại trong các tác phẩm của mình khoảng mười năm gần đây.

Triển lãm tranh hội họa của Đặng Việt Cường tràn đầy cảm xúc về sắc màu, một trong những yếu tố khẳng định tư chất hội họa của mỗi người cầm bút vẽ. Họa sĩ đã khẳng định sự khác biệt hoàn toàn giữa lối vẽ đen trắng và vẽ màu mà ở phạm vi nào cũng có giá trị riêng.  Phòng tranh hội họa, họa sĩ  dường như không dụng tâm về đề tài mà chủ yếu là thể hiện, tái hiện những hình ảnh thường ngày. Đó là những hòa sắc giữa người và cảnh vật, những lọ hoa, bậc thềm, điệu múa, xa hơn là bến sông. Trừ một vài bức sơn mài và một hai bức sơn dầu nhiều nhân vật, dường như anh không xem nặng về bố cục mà để cho cảm xúc về màu, về hình được no nê, tràn trề trên mặt toan. Mặc dù vậy cũng không có điều gì trái về nguyên tắc thông thường, cơ bản về bố cục trong tạo hình. Tranh hội họa của Đặng Việt Cường cũng nghiêng về vẽ dáng người. Có thể thấy điều đó qua sự đơn giản hóa có dụng ý trong cách vẽ. Đó là dáng hình người được dồn hết cho tả khối, mảng, bỏ qua chi tiết. Ngay cả bức chân dung như “Vợ I”, “Vợ II”, tác giả cũng không dùng nét để vẽ mắt, mũi, miệng, tai. Điều đó càng rõ hơn khi một loạt tranh diễn tả về những điệu múa của người miền núi trên cao nguyên đá (?). Họa sĩ “biến” những dáng người với điệu múa chỉ còn là nét mô phỏng. Điều quan trọng là ở những bức vẽ này, họa sĩ đã truyền cảm được cho người xem sự chuyển động và chuyển động có nhịp điệu. Yếu tố “động” trong sự “tĩnh” của tranh vẽ đòi hỏi mỗi họa sĩ phải tìm được cách biểu hiện riêng mới có thể thành. Cũng từ những bức vẽ này, có thể cảm nhận được đó là những điệu múa quanh đuốc lửa, một nét sinh hoạt phổ thông của người dân tộc miền núi. Đó là cái hiện thực trong cách biểu đạt có vẻ như trừu tượng của họa sĩ. Màu sắc ở những bức vẽ này thật hấp dẫn, gây cho người xem sự ấm áp của ngọn lửa qua cách chuyển màu rất kỹ thuật và bằng những nét bút chấm, vạch thoải mái. Một số bức vẽ khỏa thân về phụ nữ gần với những bài vẽ hình họa nghiên cứu  trong trường mỹ thuật. Ở những bức vẽ này, họa sĩ cũng nhất quán trong tả dáng người, tả khối là chính. Khối được đơn giản hóa bằng màu với  ba sắc độ cơ bản nhưng vẫn gây được cảm giác tả thực và sử dụng những điểm nhấn qua tiếp xúc sáng, tối và diễn tả không gian. Đây là những bức vẽ “nuy” nghiêm túc, toát lên cái đẹp trong dáng vẻ tạo hóa của phụ nữ. Đây cũng là nét mới trong việc trưng bày tác phẩm hội họa ở  Hải Dương, có thể coi là bước đầu tạo cho người xem ở tỉnh làm quen  với loại tranh này.

Trong phòng trưng bày, họa sĩ có giới thiệu một số bức phong cảnh sơn mài. Tuy vậy, tranh sơn mài của Đặng Việt Cường chưa gây ấn tượng nhiều bằng tranh sơn dầu, vốn là một sở trường của tác giả trong nhiều năm qua.

Điều đáng nói là giữa bộn bề công việc của một người làm quản lý, làm giám đốc sở với ba lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, vậy mà anh vẫn vẽ được. Đó là sự ghi nhận đáng trân trọng của anh chị em họa sĩ,  những người làm công tác văn hóa - văn nghệ  và của nhiều cán bộ, bạn bè đối với họa sĩ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Việt Cường.

HUY CHƯƠNG

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Triển lãm tranh của họa sĩ Đặng Việt Cường: Dư âm của những sắc màu