Làng tôi ở bên sông. Trước mặt làng là con đê cao to sừng sững chớm đến mái gianh nhà. Buổi sớm mặt trời đỏ ối mọc triền đê làng. Chiều về, mặt trời lặn chênh chếnh ở triền đê, phía bên sông. Khi tôi sinh ra thì đã có con đê rồi. Con đê gắn bó cuộc đời của mỗi người dân làng tôi từ lúc lọt lòng mẹ đến khi nhắm mắt xuôi tay. Cứ thế con đê làng chứng kiến niềm vui, nỗi buồn và những kỷ niệm theo tháng năm dày lên, cao lên theo sự vững chãi của con đê được bồi đắp thêm qua những mùa bão, lũ. Thuở nhỏ tôi theo mẹ qua sông về bên ngoại, những câu hát ví đã vút lên trên con đê làng:
"Ầu ơ... đứng bên ni đồng ngó bên tê đồng mênh mông bát ngát/ Đứng bên tê đồng ngó bên ni đồng cũng bát ngát mênh mông/ Thân em như chẽn lúa đòng đòng...".
Tuổi thơ của chúng tôi lớn lên theo mùa cày, theo những tháng năm. Hai bên triền đê nở đầy hoa dại và cỏ may xao xác bốn mùa. Triền đê phía bên làng dốc thoải chạy xuống sát chân tre, là nơi mọi người trong làng đổ ra mỗi sáng. Những con trâu đen bóng bụng căng tròn, những con bò hiền lành ngoan ngoãn chậm chạp leo lên dốc đê theo thợ cày ra đồng, xuống bãi. Các bà, các chị đi làm đồng hay gồng gánh xuống đò sang chợ huyện. Bác lái đò trạc tứ tuần, người săn chắc hồ hởi dạng chân chèo đẩy chiếc thuyền đi. Tiếng chào hỏi, tiếng gọi nhau rộn rã trên đê làng, trên cánh bãi, loang trên mặt sông. Âm thanh của dòng sông xoải theo triền đê xuống những ruộng đỗ, ruộng ngô xanh mướt mát nổi bật trong màu nâu mịn ngọt phù sa non.
Bây giờ đang độ giữa xuân. Mưa lay phay rắc bụi nước mù trời. Cây cỏ được mưa xuân nảy lộc đâm chồi non tơ. Trên triền đê làng trở thành thảm cỏ xanh. Hoa xuyến chi dịu nhẹ cánh trắng mỏng manh đẫm mưa xuân long lanh như những hạt cườm. Đâu đó vẳng lên tiếng trống hội làng. Đã thấy bóng dáng tà áo tứ thân của các bà, các chị bay phơ phất trên triền đê làng đi trẩy hội. Con sông quê nước cạn dòng. Vài cánh buồm nâu đủng đỉnh đi về, sóng vỗ vào mạn thuyền nhè nhẹ êm xuôi. Ngấn nước đọng phù sa trên triền đê làng như dấu khắc thời gian của mùa lũ qua đi để lại những hạt phù sa màu phấn hồng trên ngấn cỏ. Cảnh ấy gợi lòng tôi nhớ thương da diết cứ khắc khoải gọi - về với những kỷ niệm xưa. Những ngày đầu xuân, cứ giêng hai, làng bên sông mở hội, có chọi gà, chơi đu, kéo co, thi vật. Những đô vật, người lực lưỡng chắc khỏe, đầu thắt khăn đỏ, lưng đeo dải lụa xanh. Tiếng reo hò, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã hối thúc những keo vật đang vào lúc quyết liệt phân thắng thua. Rồi mùa hè đến, những tiếng sấm ì ầm ở phía xa. Trời đầy mây. Mưa. Mưa đầu mùa xối xả. Bọn trẻ chăn trâu ở hai bên triền đê thúc trâu băng qua mưa như những hiệp sĩ xung trận. Sau mưa, trời hửng nắng, bầu trời xanh cao hơn. Hai bên triền đê như vừa được rửa sạch, cỏ gà mọc lên ken dày bên những cây cỏ ấu xanh mềm mại, rễ bám sâu vào đất, chắc khỏe. Bọn trẻ chăn trâu, thả diều, tập trận giả, phục kích ẩn nấp đuổi bắt nhau trên hai triền đê, kéo theo những tiếng cười vui trở về làng khi ông mặt trời dần khuất sau dãy núi mờ xa để lại vệt nắng dài trên bến sông. Sau đó là mùa lũ về nước chảy phăng phăng cuốn theo những cây gỗ, củi mục, bè mảng từ mạn ngược về. Nước dâng lên mấp mé thân đê. Trên đê vài lỗ hà sủi tăm bọt nước nổi lên. Nét mặt người làng lo lắng, căng thẳng. Tiếng trống ngũ liên từng hồi thúc giục mọi người ra cứu đê. Người già, trẻ nhỏ trong làng mang vác tre gỗ ra cả mặt đê. Những người thợ lặn, đào mò của làng tăm tia tìm mạch sủi, mạch đùn, gia cố lại cơ đê. Qua mùa lũ, dòng sông lại hiền lành, triền đê làng lại mướt những ngọn cỏ xanh.
Rồi chiến tranh giặc Mỹ leo thang ra miền Bắc, trên con đê làng, cạnh bến sông, đắp ụ pháo, đào công sự. Em cùng tôi ngày ngày trực chiến. Dáng em đi về trên triền đê, gió thổi làm tung bay mái tóc bồng bềnh vừa mới gội nước lá chanh thơm quấn quít. Em mặc chiếc áo màu nâu non bó sát thân hình tròn lẳn, chắc khỏe đứng ngắm và điều chỉnh những tọa độ giả định nắm bắt mục tiêu của những thần sấm, con ma nếu chúng bổ nhào xuống bến sông này. Từ trên triền đê làng có ước mong và hò hẹn. Ngày lên đường, em tiễn tôi ra bến sông. Con đò rời bến, em giấu đi những giọt nước mắt nhớ thương, đi ngược lên triền đê làng trở về trận địa, như mũi tên lao về phía trước trong bầu trời chớp lửa của súng phòng không.
Tôi ra đi mang theo nỗi nhớ quê hương, nhớ em. Trên đường hành quân ra trận, mỗi khi gặp lại những con đê, những dòng sông, lòng tôi bồi hồi nhớ về triền đê làng, nơi in dấu những kỷ niệm có niềm vui, nỗi buồn. Ở nơi ấy thời gian không ngừng trôi. Và gió vẫn cứ thổi thao thiết giữa hai triền đê...
Tản văn củaVŨ HOÀNG LUYẾN