Trị bệnh cứu... thầy thuốc

26/02/2017 11:42

Từ xưa đến nay, cùng với nghề giáo thì nghề thầy thuốc được xã hội coi trọng, tôn vinh là nghề cao quý nhất.


Vì thế, nhân dân mới gọi những người làm 2 nghề này là thầy. Vinh dự đi liền với trách nhiệm. Thầy thuốc có thiên chức nặng nề là trị bệnh cứu người. Nhiều thầy thuốc thực sự tài năng, tâm huyết, hết lòng phục vụ nhân dân, xứng đáng với câu nói "Lương y như từ mẫu". Tuy nhiên, thực tế cũng còn một bộ phận thầy thuốc đang bị nhiễm một số "căn bệnh" nguy hiểm, cần được "chữa trị" kịp thời. Đó là "bệnh" làm khổ bệnh nhân. Gia đình bệnh nhân cứ phải có phong bì "bôi trơn" thì việc khám chữa bệnh mới thuận lợi, không có thì người bệnh còn chịu thái độ đối xử lạnh nhạt, thờ ơ.

Mặt trái của kinh tế thị trường, tình trạng "thương mại hóa" đang tác động xấu tới y đức của nhiều cán bộ, nhân viên ngành y. Còn những biểu hiện khác của "bệnh" làm khổ bệnh nhân như: vô cảm với nỗi đau, tính mạng của bệnh nhân; giao tiếp với người bệnh thì trịch thượng, thô lỗ; viết chữ không rõ ràng đến mức đọc mãi mà không biết chữ gì...

Ngoài ra còn có "bệnh gà mờ", nghĩa là trình độ, năng lực trong chẩn đoán và chữa bệnh kém. "Bệnh" này cực kỳ nguy hiểm, tác động trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Dư luận thời gian qua rất bức xúc trước "căn bệnh" này. "Bệnh gà mờ" xảy ra ở nhiều nơi, song bệnh viện ở tuyến càng thấp thì biểu hiện "bệnh" càng nhiều, càng nặng. Đó là tình trạng bệnh nhân bị bệnh nào đó nhưng qua chẩn đoán với sự hỗ trợ của nhiều máy móc, thiết bị mà các bác sĩ vẫn không "đọc" đúng bệnh. Nguy hiểm hơn là tình trạng chẩn đoán sai, dẫn tới hướng điều trị sai. Nhiều trường hợp làm sai nhưng lại không dám nhận trách nhiệm mà cố tình bao biện. Một đồng nghiệp của tôi từng phải vào một bệnh viện trong tỉnh để phẫu thuật sau khi bị tai nạn giao thông. Sau khi hoàn thành ca phẫu thuật thì vết thương lâu lành. Khi kiểm tra lại mọi người mới ngã ngửa ra rằng vẫn còn dị vật chưa lấy ra hết khi phẫu thuật. Năm 2016, dư luận rất bức xúc trước việc một số bác sĩ ở Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) mổ nhầm chân cho một người bệnh. Nhiều người đặt câu hỏi một bệnh viện nổi tiếng đầu ngành như Bệnh viện Việt Đức mà vẫn để xảy ra sai sót đó thì ở bệnh viện khác sẽ thế nào?

Trước áp lực từ xã hội và yêu cầu nhiệm vụ, thời gian qua, ngành y tế đã có một số đổi mới, "kê" một số "đơn thuốc" để chữa trị những "căn bệnh" nêu trên. Nhiều bệnh viện đã ban hành quy tắc ứng xử; bố trí nhân lực để tiếp đón, hướng dẫn bệnh nhân; đầu tư cơ sở vật chất; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên... với mong muốn phục vụ bệnh nhân tốt hơn. Một số bệnh viện còn lắp đặt hệ thống camera để phòng chống việc nhận phong bì, vòi vĩnh. Số điện thoại đường dây nóng của lãnh đạo bệnh viện, người có thẩm quyền ngành y được công khai để người dân có thể kịp thời phản ánh những vấn đề liên quan. Nhiều vụ việc sai sót, vi phạm trong ngành đã bị xử lý nghiêm. Vì vậy, một số "căn bệnh" của thầy thuốc ở nhiều nơi đã thuyên giảm. Tuy nhiên để chữa khỏi những "căn bệnh" đó thì vẫn cần những "phương thuốc đặc trị" hữu hiệu hơn.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27-2, hy vọng rằng ngành y tế Hải Dương nói chung, các thầy thuốc trong tỉnh nói riêng sẽ tìm ra những "phương thuốc đặc trị" cho "căn bệnh" của chính mình; không ngừng tu dưỡng, rèn luyện để "sáng y đức, giỏi y thuật", xứng đáng là hậu duệ của vị Thánh thuốc Nam - Đại danh y Tuệ Tĩnh.

TÍCH LỊCH HỎA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trị bệnh cứu... thầy thuốc