Hơn 12.000 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) vào giữa tháng 4 năm nay.
Trong báo cáo mới nhất OCHA cho biết: “Dự án dữ liệu sự kiện và điểm xung đột vũ trang (ACLED) ước tính khoảng 12.190 người đã thiệt mạng kể từ khi giao tranh nổ ra vào tháng 4”.
So với 4 tuần trước đó, ACLED ghi nhận số trận giao tranh giảm 10% và số vụ nổ cũng như bạo lực từ xa ở Sudan giảm 38%.
OCHA cho biết thêm, khoảng 5,3 triệu người đã phải di dời ở Sudan, trong đó khoảng 1,3 triệu người đã vượt biên sang các nước láng giềng, bao gồm Cộng hòa (CH) Trung Phi, CH Chad, Ai Cập, Ethiopia và Nam Sudan.
Cũng theo OCHA, số ca nghi mắc bệnh tả ở Sudan đã tăng hơn gấp đôi trong tháng qua. Trong một báo cáo nhân đạo, OCHA trích dẫn số liệu từ Bộ Y tế Sudan và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ: “Tính đến ngày 3/12, số ca nghi mắc bệnh tả đã tăng hơn gấp đôi trong tháng qua và lên tới 5.414 trường hợp, trong đó có 170 trường hợp tử vong”.
Cơ quan nhân đạo này cho biết thêm rằng 2,2 triệu người ở Sudan đã được tiêm vaccine phòng bệnh tả do Bộ Y tế Sudan và WHO đồng phát động vào tuần trước.
Sudan đang phải đối mặt với tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi kể từ khi các cuộc đụng độ chết người nổ ra giữa Lực lượng vũ trang Sudan (SAF) và Lực lượng Hỗ trợ nhanh bán quân sự (RSF) ở thủ đô Khartoum và các khu vực khác vào ngày 15/4. Hồi đầu tháng 5, Saudi Arabia và Mỹ đã tài trợ cho đàm phán giữa các bên tham chiến ở Sudan tại thành phố cảng Jeddah của Saudi Arabia. Một số thỏa thuận ngừng bắn đã đạt được kể từ đó, nhưng cả hai bên đều cáo buộc nhau vi phạm các thỏa thuận này.
Hồi tháng 11, OCHA ước tính khoảng 2/3 dân số Sudan không được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe và hơn 70% cơ sở y tế ở các khu vực xung đột không còn hoạt động.
Theo báo Tin tức