Trẻ em ở nông thôn: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

21/07/2019 12:22

Thời gian qua, đa số các xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều được công nhận phù hợp với trẻ em. Nhưng ở không ít nơi, nguy cơ mất an toàn với trẻ vẫn còn hiện hữu.

Các trường học ở xã Nam Trung (Nam Sách) đều nằm cạnh đường tỉnh 390, không ít học sinh chở nhau bằng xe đạp điện đi học, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông

Phù hợp nhưng dễ bị tổn thương

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, tính đến hết năm 2018, Hải Dương có 256 trong tổng số 265 xã, phường, thị trấn đạt tiêu chuẩn phù hợp với trẻ em, chiếm 97,4%. 181 xã, phường, thị trấn 4 năm liền được công nhận phù hợp với trẻ em. Nhưng trên thực tế có nhiều địa phương được công nhận phù hợp với trẻ em nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn.

Đến nay, nhiều người dân thôn Tam Đa Ngoại, xã Minh Hòa (Kinh Môn) vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa trước cái chết do đuối nước của 3 cháu nhỏ (sinh các năm 2011, 2012 và 2013) vào chiều 8.7 vừa qua. Vụ đuối nước xảy ra khi các cháu đi chơi và tắm ở cống lấy nước nội đồng mà không có sự giám sát của người lớn. Khu vực các cháu gặp nạn cũng không có biển cảnh báo nguy hiểm với trẻ em. Trước đó, Minh Hòa đã được công nhận là xã phù hợp với trẻ em. 

Năm 2018, xã Nam Trung (Nam Sách) được công nhận phù hợp với trẻ em. Nhưng theo ông Trần Văn Mùi, Phó Chủ tịch UBND xã, ở đây vẫn còn 2 vấn đề có thể ảnh hưởng đến sự an toàn của trẻ. Thứ nhất, xã còn khá nhiều ao hồ trong khu dân cư và con sông nhỏ dẫn nước chảy qua địa bàn. Thời điểm được công nhận đạt chuẩn phù hợp với trẻ em, xã vẫn chưa có kinh phí để xây dựng ao bơi cho trẻ. Phải đến tháng 5.2019 mới có một hộ trong xã đứng ra xây bể bơi dịch vụ. Xã đã tạo điều kiện cho hộ này mượn không thu phí một khu đất tại sân vận động thôn Mạn Đê. Nhờ đó mới giải quyết được vấn đề dạy bơi cho trẻ em. Thứ hai, hiện cả 3 trường mầm non, tiểu học và THCS của xã đều nằm cạnh đường tỉnh 390. Nhiều gia đình cho con đi xe đạp điện đi học ngay cả khi còn nhỏ. Lúc học sinh tan học, lượng xe cộ nhiều, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao. Để khắc phục tình trạng này, xã đã chỉ đạo Đoàn Thanh niên cử người hướng dẫn giao thông cho các em. Nhưng đây chỉ là giải pháp tình thế. Ngoài ra, tỷ lệ ly hôn của các cặp vợ chồng trong xã ngày càng gia tăng cũng làm trẻ phải đối mặt với nhiều nguy cơ bị tổn thương hơn.

Khắc phục tính hình thức

Sau hơn 4 năm thực hiện, Quyết định số 34/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp trẻ em đã bộc lộ nhiều hạn chế như nhiều tiêu chuẩn thiếu thực tế, không khả thi; một số tiêu chuẩn quan trọng chưa được cập nhật hoặc đánh giá đúng mức tầm quan trọng... Việc đánh giá xã, phường, thị trấn theo quyết định này có nội dung còn mang tính hình thức. Để khắc phục các hạn chế, thiếu sót trên, ngày 3.1.2019 Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 06/QĐ-TTg về ban hành quy định tiêu chuẩn, trình tự đánh giá và công nhận xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ông Vũ Hồng Quân, Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết quyết định mới này giảm 2 tiêu chí đánh giá (từ 15 tiêu chí xuống còn13). Tuy số tiêu chí giảm đi nhưng sự thay đổi về cách đánh giá của Quyết định 06 cụ thể và phản ánh mức độ chính xác hơn trước. Điều này sẽ giúp việc đánh giá, công nhận các xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em đi vào thực chất hơn, khắc phục tính hình thức trước đây. Chắc chắn nếu xét theo quyết định mới thì số lượng xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em ở tỉnh ta sẽ giảm đi.

Hiện việc thực hiện công tác trẻ em nói chung, triển khai chương trình xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em nói riêng ở tỉnh ta vẫn gặp nhiều khó khăn về cả nhân lực và vật lực. Tháng 8.2018, trong cuộc họp trực tuyến về công tác trẻ em do Chính phủ tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo “mỗi địa phương, cơ sở phải bố trí một cán bộ phụ trách công tác trẻ em”. Nhưng đến nay ở Hải Dương, tất cả cán bộ phụ trách mảng trẻ em ở cơ sở vẫn là kiêm nhiệm. Thực tiễn đối với cấp cơ sở, thực hiện nguồn nhân lực về công tác trẻ em theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là rất khó, nhất là trong bối cảnh các địa phương đang phải tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy. Ông Quân cho rằng để giải quyết vấn đề này cần tăng nguồn phụ cấp để gắn trách nhiệm tốt hơn cho cán bộ làm công tác trẻ em ở cơ sở. Các địa phương phải có văn bản, quy chế làm việc rõ ràng cho cán bộ phụ trách về trẻ em, tránh tình trạng tư duy là kiêm nhiệm nên “dễ làm, khó bỏ” đối với những công việc cần thiết và có lợi cho trẻ. Đại diện các đơn vị, đoàn thể ở địa phương như Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Trạm y tế… cần tham mưu tốt về công tác trẻ em.

Cả cộng đồng cần coi việc chăm sóc, bảo vệ, tạo môi trường phù hợp cho trẻ em phát triển là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Các địa phương và cơ quan chức năng cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, huy động nhiều nguồn lực cho công tác này. Ngoài chi ngân sách, cần quan tâm đẩy mạnh xã hội hóa để có điều kiện bổ khuyết cho những tiêu chí, đặc điểm chưa phù hợp với trẻ em. 

THANH NGA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em ở nông thôn: Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn