Trẻ em mưu sinh ở các khu di tích

25/02/2011 13:49

Ngoài giờ học, nhiều em ở gần các khu di tích lại phụ bố mẹ bán hàng hóa, thu nhặt những chiếc vỏ lon nước ngọt kiếm tiền thêm mua sách vở, quần áo...


Nhiều em bé phụ giúp mẹ bán khoai nướng ở khu di tích Kiếp Bạc


Ngay những ngày đầu năm mới tới thăm khu di tích đền Bia, thuộc xã Cẩm Văn (Cẩm Giàng) chúng tôi gặp em Nguyễn Văn Tài, 13 tuổi ở xã Cẩm Vũ đang đứng phụ mẹ  bán tiền vàng, hương hoa ngay tại cổng đền. Tài cho biết, từ mồng 2 Tết em đã phụ mẹ bán hàng. Năm nào cũng vậy, em chỉ được chơi ngày mùng 1 Tết, mùng 2 bắt đầu đông khách em phải ra phụ mẹ bán hàng. Đây là năm thứ 3 em phụ mẹ bán hàng. Tài kể: "Ngày mới ra phụ mẹ, em ngượng chẳng dám mời chào, ai hỏi gì thì đưa đó". Bây giờ quen việc, Tài chào khách chẳng kém gì các cô, các bác bán hàng bên cạnh. Chúng tôi hỏi: "Ngày Tết các bạn được đi chơi, em phải phụ mẹ bán hàng, em có buồn không?". Cậu bé hồn nhiên trả lời: “Em cũng quen rồi, nhà khó khăn nên em và mẹ phải tranh thủ bán hàng chứ. Nếu Tết bán được hàng thì ra Tết mẹ có tiền đóng học cho em và em sẽ có thêm bộ quần áo mới”. Đi sâu vào cổng đền,  chúng tôi gặp em Vũ Thị Hồng Nhung đang bày hàng giúp bố. Nhung 15 tuổi, nhà ở xã Cẩm Đoài, đây mới là năm thứ hai Nhung theo bố đi bán sách tại các khu di tích. Nhung cho biết: “Cứ làng nào, chùa nào có hội là bố con em tới bán hàng. Nhiều khi còn sang cả các huyện khác để bán”. Tranh thủ mấy ngày Tết, Nhung ra phụ bố bán hàng.

Ngày cuối tuần ở khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc, nhiều cô bé, cậu bé ngồi nướng khoai, bán sắn ven đường. Em Hoàng Thị Thu, 14 tuổi vừa quạt lò than hoa nướng khoai, sắn tại khu di tích Kiếp Bạc, vừa không ngừng mời chào khách. “Sáng sớm mẹ em đi mua khoai của những người bán buôn rồi về đây nướng bán luôn chị ạ. Hôm nào bán đắt hàng thì được về sớm, hôm nào ế thì cũng phải cố ngồi tới muộn mới về, có hôm phải mang khoai về nhờ cả nhà ăn mới hết chị ạ”, Thu tâm sự. Không chỉ Thu mà còn có nhiều bạn của em cũng đang phụ giúp gia đình bằng việc tranh thủ ra khu di tích bán hàng trong những ngày lễ hội đầu xuân. Tới khu di tích Côn Sơn, dọc đoạn đường từ dưới chùa chính lên Bàn Cờ Tiên, chúng tôi gặp không ít em nhỏ trên tay cầm túi ni- lông to hoặc một chiếc bao, vừa đi vừa nhặt những vỏ lon bia, nước ngọt do du khách vứt dọc đường để mang về bán. Em Phạm Thị Mai ở phường Cộng Hòa cho biết: “Bọn em đi nhặt lon bia ở đây cũng lâu rồi, không chỉ hội xuân mà hội mùa thu, vào ngày nghỉ chúng em cũng lên đây kiếm vỏ lon về bán”. Thấy tôi đang cầm trên tay lon nước ngọt, một cậu bé chạy lại và nhanh nhảu nói: “Khi nào uống hết chị cho em xin cái vỏ lon nhé”. Cậu bé đó là em Nguyễn Văn Hùng mới 12 tuổi nhưng đã có 4 năm trong “nghề” nhặt vỏ lon ở khu vực này. Em trai mới 9 tuổi của Hùng cũng đi theo để nhặt lon bia. Hùng cho biết: “Những ngày đầu mới nhặt chỉ có mấy đứa thôi, nên một ngày em nhặt được nhiều lắm, nhưng giờ đông người nên bọn em phải nhanh mắt, nhanh chân”. Mỗi ngày nếu kiếm được nhiều vỏ lon các em cũng bán được từ 10-20 nghìn đồng. Số tiền đó các em đưa bố mẹ để có thêm tiền mua sách, bút, quần áo...

Xuân về là lúc các khu di tích vào mùa lễ hội, đó cũng là lúc nhiều em nhỏ tranh thủ kiếm thêm tiền phụ giúp bố mẹ, dành dụm để học hành.

THANH HOA

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em mưu sinh ở các khu di tích