Trẻ em đang đọc gì?

17/07/2021 11:26

Dịch Covid-19 ở Hải Dương mặc dù đã được kiểm soát nhưng nhiều hoạt động vui chơi ngoài trời vẫn bị hạn chế. Vì thế, sách dành cho thiếu nhi được quan tâm hơn so với những mùa hè trước.


Thiếu nhi đến đọc sách tại Thư viện tỉnh

Sách ngoại lấn sân

Nhà sách Tiền Phong trên đường Nguyễn Lương Bằng (TP Hải Dương) vào dịp cuối tuần có không ít thiếu nhi và phụ huynh đến mua sách. Loay hoay giữa quầy sách dành cho thiếu nhi, chị Đỗ Cẩm Tú ở phường Tứ Minh (TP Hải Dương) chưa biết chọn loại sách nào phù hợp với con. “Lướt qua một lượt, tôi thấy sách dành cho thiếu nhi hiện nay phong phú, trình bày đẹp, ấn tượng nhưng nhiều sách có nội dung na ná nhau. Mảng truyện tranh thì phần lớn là sách dịch của các tác giả nước ngoài, còn truyện do các tác giả Việt viết rất ít. Con tôi hay chọn các loại truyện dịch từ tiếng nước ngoài như Doraemon, Dr Slump, Ô Long Viện…”. 

Những năm gần đây, trước sự cạnh tranh của nhiều loại hình giải trí dành cho trẻ nhỏ, các nhà xuất bản đã quan tâm nhiều hơn đến thị trường sách cho thiếu nhi. Nhiều ấn phẩm mới được ra đời. Mảng truyện tranh đã có một số tác giả trẻ trong nước viết nhưng chưa thu hút được nhiều bạn đọc nhỏ tuổi. Vì vậy, "đất sống" cho những truyện tranh dịch từ tiếng nước ngoài khá rộng. “Truyện do tác giả trong nước viết ngoài những truyện nổi tiếng em hay đọc như “Thần đồng đất Việt”, “Tý Quậy” thì mới đây có thêm một số truyện của những tác giả mới nhưng em vẫn thích đọc những truyện nước ngoài được dịch sang tiếng Việt hơn”, em Nguyễn Thế Thịnh ở phố Đức Minh (TP Hải Dương) nói. 

Lượng bạn đọc là trẻ em khá lớn nhưng độ phủ sóng của các cuốn sách dành cho độ tuổi này của các tác giả trong nước chưa đáp ứng kịp yêu cầu. Điều này lý giải vì sao các nhà xuất bản gần đây đưa ra thị trường nhiều sách dịch của nước ngoài hơn. 

Tăng sức hấp dẫn

Bà Trương Thị Thương Huyền, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cho rằng các tác giả Việt Nam viết truyện cho thiếu nhi không hiếm. Ngay tại Hải Dương, không ít cây bút viết văn xuôi đã từng viết sách dành cho thiếu nhi. Tiêu biểu như các tác giả Nguyễn Thị Việt Nga, Nguyễn Thị Thu Hằng, Bùi Thu Hằng, Vũ Thị Thanh Hòa, Đinh Ngọc Hùng... Theo bà Huyền, thực tế sách dành cho thiếu nhi của các tác giả trong tỉnh chưa được quan tâm thích đáng. Các tác phẩm của họ cũng chưa tạo được sức hút lớn. Hiện Thư viện tỉnh chưa có một phòng đọc hay gian trưng bày riêng cho sách thiếu nhi của các tác giả trong tỉnh. Các trường học trong tỉnh đang xây dựng chương trình giáo dục văn nghệ địa phương nhưng cũng chưa có sự phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để liên kết thực hiện. 

Làm gì để tăng sức hấp dẫn cho sách thiếu nhi trong nước, trước tiên mỗi tác giả phải xác định sách viết cho thiếu nhi phải là ngôn ngữ, hình ảnh, cách suy nghĩ dành riêng cho trẻ. Các tác giả hay nhà xuất bản không chỉ cần quan tâm đến nội dung mà cách thể hiện cũng phải bắt nhịp với xu hướng hiện đại. Sách hay nhưng phải đẹp, nhiều tiện ích, đó là xu hướng đọc của thiếu nhi hiện nay.

Nắm bắt xu hướng đó, mùa hè này các nhà xuất bản đã đưa ra thị trường những cuốn sách mới lạ cả về nội dung và cách thể hiện. Cuối tháng 4 vừa qua, Nhà xuất bản Kim Ðồng đã ra mắt bộ sách “Hà Nội ngàn năm ký ức”, có cả phiên bản tiếng Anh với tên gọi “Hà Nội reminiscences of thousand years”. Ðiều đặc biệt ở bộ sách này là được thể hiện hình thức sách dựng hình 3D (pop-up). 11 danh lam thắng cảnh của Thăng Long - Hà Nội được thể hiện độc đáo. Khi mở từng trang sách, hình ảnh về Hồ Gươm, Lăng Bác, Cột cờ Hà Nội... được nổi rõ với cấu trúc 3D.

Gần đây, thiếu nhi khá thích thú với những cuốn sách chiếu bóng do Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ văn hóa Đinh Tị phát hành. Những câu chuyện cổ tích của Việt Nam được trình bày sáng tạo nhờ công nghệ. Chỉ cần dùng đèn chiếu qua, các hình ảnh với màu sắc sống động sẽ được phóng đại trên "màn chiếu" (có thể là tường, trần nhà, cánh cửa), tạo nên những bức tranh sinh động. Không những thế, các câu chuyện trong sách còn được kể lại bằng thơ dưới dạng song ngữ, giúp các em vừa dễ nhớ vừa có thể trau dồi thêm tiếng Anh. 

Để sách trở thành món ăn tinh thần của trẻ nhỏ thì ngoài đổi mới mạnh mẽ của những người viết còn cần sự hỗ trợ của Nhà nước. Việc liên kết “3 nhà” (nhà văn, nhà xuất bản, nhà trường) cũng cần được tăng cường để tạo sự tương tác, đem đến cho các em những cuốn sách hay và bổ ích. 

HẢI MINH

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em đang đọc gì?