Trẻ em có cần mũi tiêm vaccine Covid-19 tăng cường?

11/12/2021 11:14

Với dữ liệu về hiệu quả của vaccine trước Omicron, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ ngày 9.12 cho phép mở rộng diện tiêm mũi tăng cường của Pfizer-BioNTech bao gồm trẻ em trong độ tuổi 16-17.

Trong bối cảnh biến thể Delta của virus SARS-CoV-2 tiếp tục khiến số ca nhiễm tăng mạnh tại những quốc gia như Mỹ, nỗi lo gia tăng liên quan đến biến thể Omicron càng cho thấy tầm quan trọng của mũi tiêm tăng cường.

Tin tốt lẫn tin xấu

Công ty Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức) hôm 8.12 tuyên bố các thử nghiệm trong phòng thí nghiệm cho thấy liều tiêm bổ trợ của họ có thể vô hiệu hóa được Omicron. Dù vậy, kết quả thử nghiệm cũng khẳng định 2 mũi Pfizer-BioNTech dường như không đủ hiệu quả để ngăn Omicron lây nhiễm dù vẫn có thể phòng ngừa nguy cơ mắc Covid-19 nặng.

Chuyên gia y tế công Leana Wen của Trường Đại học George Washington (Mỹ) khẳng định dữ liệu này không khiến bà bất ngờ. Cũng theo bà Wen, thông báo của Pfizer-BioNTech mang đến tin xấu lẫn tin tốt.

"Tin xấu là Omicron có khả năng thoát miễn dịch ở một mức độ nào đó, nghĩa là 2 mũi tiêm có thể không còn hiệu quả cao như ở những biến thể trước. Tin tốt là mũi tiêm bổ trợ dường như giúp tăng đáng kể kháng thể ngừa Omicron", bà Wen khẳng định.

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến nghị tiêm liều 3 cho mọi công dân trưởng thành đã được tiêm mũi 2 Moderna hoặc Pfizer-BioNTech trước đó ít nhất 6 tháng, cũng như những người đã được tiêm 1 liều Johnson & Johnson trước đó ít nhất 2 tháng.

Một cụ ông được tiêm liều bổ trợ tại TP Karachi - Pakistan hồi đầu tháng này

Các nhà phát triển vắc-xin từ lâu đã biết mức độ hiệu quả của vắc-xin Covid-19 có thể suy giảm theo thời gian và đây là một trong những lý do cần tiêm liều bổ trợ. Mũi tiêm tăng cường dường như có thể giúp khôi phục miễn dịch trở lại mức ban đầu.

Hai nghiên cứu riêng biệt về mức độ hiệu quả của vắc-xin Pfizer-BioNTech ở Israel, được công bố trên Tạp chí y học New England hôm 8.12, khẳng định rủi ro tử vong ở những người được tiêm liều bổ trợ là thấp hơn 90% so với những người chỉ được tiêm 2 mũi.

Theo đài CNN, ngày càng nhiều dữ liệu cho thấy mũi tiêm tăng cường không những giúp khôi phục miễn dịch suy giảm mà còn củng cố khả năng bảo vệ trước những biến thể mới như Omicron. Cũng trong ngày 8.12, Giám đốc điều hành (CEO) Uğur Şahin của BioNTech khẳng định những dữ liệu này cho thấy khái niệm "tiêm phòng đầy đủ" cần được thay đổi để ám chỉ những người đã tiêm liều tăng cường.

Câu hỏi quan trọng nhất

Trong lúc giới khoa học chạy đua với thời gian để trả lời những câu hỏi liên quan đến mức độ nguy hiểm của Omicron, nhiều bậc phụ huynh thắc mắc liệu trẻ em có cần tiêm mũi tăng cường hay không.

Giới chuyên gia y tế và vắc-xin khẳng định với đài NBC News rằng hiện vẫn còn quá sớm để trả lời câu hỏi này. Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) hồi tháng 10 phê chuẩn vắc-xin Pfizer-BioNTech liều thấp hơn cho trẻ em 5-10 tuổi.

Trước những dữ liệu đáng chú ý về mức độ hiệu quả của vắc-xin trước Omicron, FDA ngày 9.12 cho phép mở rộng diện tiêm mũi tăng cường của Pfizer-BioNTech để bao gồm trẻ em trong độ tuổi 16-17.

Trong buổi phỏng vấn với đài CNN vào tháng rồi, cố vấn y tế Nhà Trắng Anthony Fauci khẳng định trẻ em 12-15 tuổi nhiều khả năng cũng cần được tiêm liều tăng cường. Dù vậy, TS Anthony Fauci nhấn mạnh đây chỉ là dự đoán ban đầu, bởi trẻ em trong độ tuổi này có phản ứng miễn dịch tốt và mạnh hơn nhiều so với người lớn tuổi.

Chuyên gia Simon Li của Trường Đại học Rutgers (Mỹ) khẳng định kết quả thử nghiệm vắc-xin đến giờ vẫn trùng khớp với đánh giá của ông Fauci. "Đó là điều chúng tôi đang nhìn thấy. Nhu cầu tiêm liều bổ trợ để tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh ở trẻ em là thấp hơn nhiều so với người lớn tuổi", ông Li cho biết.

Trong khi đó, chuyên gia Peter Hotez của Bệnh viện Nhi đồng Texas (Mỹ) khẳng định câu hỏi quan trọng nhất liên quan đến mũi vắc-xin tăng cường là miễn dịch hình thành từ mũi tiêm ban đầu kéo dài trong bao lâu và bền bỉ như thế nào.

Cũng theo ông Hotez, rút ngắn thời gian chờ giữa mũi tiêm tăng cường và mũi tiêm ban đầu chưa chắc đã là ý hay, bởi việc tiêm mũi tăng cường quá sớm có thể dẫn đến kết quả không như ý. "Nói cách khác, nếu bạn chờ 6 tháng rồi mới tiêm liều bổ trợ, kháng thể trung hòa virus có thể cao hơn so với việc tiêm liều bổ trợ chỉ sau 4 tháng" - ông Hotez giải thích.

Theo Người lao động

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ em có cần mũi tiêm vaccine Covid-19 tăng cường?