Trẻ cậy cha, già cậy ai?

16/03/2022 07:56

Khi về già, ai chẳng muốn vui vầy bên con cháu, thế nhưng, có không ít bậc cha mẹ sống với con cái mà chẳng khác nào người dưng. Phải làm gì trong hoàn cảnh này đây?

Với tâm trạng buồn bã, cụ ông viết thư gửi chương trình để tâm sự về hoàn cảnh éo le của mình: Vợ mất đã được mấy năm, giờ cụ sống với vợ chồng người con trai trưởng, nhưng thái độ đá thúng đụng nia, cạnh khóe, móc máy của con dâu dành cho mình làm cho cụ không thể chịu nổi, sống trong nhà mình mà như ăn nhờ ở đậu. Thính giả của chương trình đã dành cho cụ nhiều lời khuyên và biên tập viên của chương trình cũng đã chia sẻ với cụ: 

Thú thực, nghe câu chuyện của bác tôi thấy rất buồn. Tôi cứ băn khoăn tự hỏi anh con trai cả của bác ở đâu khi vợ có lời nói và thái độ hỗn xược với bố mình như vậy? Những người con khác của bác thì sao? Họ có biết bác bị đối xử như vậy không? Thái độ của họ thế nào khi biết chuyện? Nếu những người con biết được cuộc sống của bác như vậy mà họ vẫn làm ngơ thì họ thật vô tình.

Ảnh minh họa.

Lẽ thường: Bố mẹ nào cũng vậy, sinh con ra, nuôi con lớn khôn, dựng vợ gả chồng, lo lắng, chăm bẵm cho con cháu, chỉ mong lúc yếu đau có chỗ mà nương tựa, trước hết là về tinh thần, sau đó mới là vật chất. “Trẻ cậy cha, già cậy con”, các cụ ta xưa đã răn dạy như vậy đó thôi. Đông con, nhiều cháu là nhà có phúc. Thế nhưng, sinh tới 4 người con, mà giờ cuộc sống của bác lại thật cô đơn, bơ vơ. Tôi đã tự đặt mình là một người con ở trong gia đình bác để thử suy xét mình sẽ làm gì khi sống trong gia đình ấy? Nếu suy nghĩ một cách tích cực thì có thể nói: mâu thuẫn giữa bác và con dâu là mâu thuẫn của 2 thế hệ. Các cụ ngày xưa vẫn luôn sống ý nhị, kín đáo và khiêm nhường, còn lớp trẻ bây giờ thì có phần thực tế hơn rất nhiều: từ cách ăn nói, tới lối sống, cư xử cũng thoải mái, bỗ bã hơn. Nếu không tiết chế thì sẽ bị va đập dẫn tới xung đột. Chính vì thế, tôi rất muốn nói với các con bác, đặc biệt là chị con dâu cả đang sống cùng bác rằng: có một điều không thể khác, đó là: phận làm con thì chắc chắn phải hiếu đễ với cha mẹ. Ở vào lứa tuổi của các cụ gần đất xa trời, thời gian sống với con cháu cũng chẳng còn bao nhiêu, chính bởi vậy “lời chào cao hơn mâm cỗ”, các cụ cũng chỉ cần có thế. Vả lại, chúng ta sống, đối đãi với cha mẹ thế nào thì cũng chính là tấm gương để con cái chúng ta noi theo sau này.

Với người già bây giờ thì: Tinh thần thoải mái, sảng khoái là yếu tố tiên quyết tạo nên chất lượng cuộc sống, bởi vậy, theo tôi, bác không nên âm thầm chịu đựng nỗi khó chịu trong người. Phải công khai chuyện này để con cái trong gia đình đều hiểu và bàn bạc tìm ra cách giải quyết. Bác có 4 người con, trong đó có 3 người con trai, không sống với con này thì bác có thể sống với người con khác. Ngôi nhà là của bác, bác có quyền cho hoặc không cho con cháu ở cùng. Bác đã cố gắng sống nhún nhường để bảo vệ thanh danh của gia đình, của con cháu nhưng bác thử nghĩ mà xem: hàng xóm láng giềng họ còn khuyên bác nên ở riêng ra, vậy thì chuyện của nhà bác họ không thể không biết. Họ khuyên bác như vậy, cũng vì họ thương bác mà thôi. Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt của nó: sống 1 mình được tự do thật đấy, nhưng khi đau yếu mệt mỏi thì khó khăn vất vả lắm, có con cháu bên cạnh sẽ vui vẻ ấm cúng hơn nhiều. Chúc bác sáng suốt để lựa chọn một phương án tối ưu cho cuộc sống của mình những ngày cuối đời.

Theo VOV

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trẻ cậy cha, già cậy ai?