Trao thưởng học sinh tiêu biểu là tờ A4: Căn bệnh hình thức trầm kha

25/05/2019 09:35

Câu chuyện hàng trăm học sinh tiêu biểu ở Hà Nội nhận phần thưởng bọc gói rất đẹp nhưng bên trong chỉ là một tờ giấy A4 màu xanh khiến dư luận bức xúc, học sinh hẫng hụt.

Câu chuyện hàng trăm học sinh tiêu biểu ở Hà Nội nhận phần thưởng bọc gói rất đẹp nhưng bên trong chỉ là một tờ giấy A4 màu xanh khiến dư luận bức xúc, học sinh hẫng hụt

Đó cũng là biểu hiện của bệnh hình thức vốn trầm kha của ngành giáo dục.

Suốt những ngày qua, một số phụ huynh có con học các trường tiểu học, THCS ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) và dư luận vô cùng bức xúc trước việc phần thưởng trong lễ tuyên dương, khen thưởng học sinh giỏi tiêu biểu năm học 2018-2019 được bọc gói rất đẹp với dòng chữ "Khen thưởng học sinh tiêu biểu" nhưng bên trong chỉ là tờ giấy A4 màu xanh.

Dù đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy cho biết đó chỉ là phần thưởng tượng trưng. Phòng đã mời đại diện các trường lên nhận phần thưởng (quy ra tiền mặt) để phát tại trường. Các nhà trường thông báo, phổ biến trước với phụ huynh và học sinh được nhận thưởng.

Nhưng, việc trao tặng tờ A4 màu xanh làm phần thưởng tượng trưng đã gây cho các em học sinh cảm giác hụt hẫng, tổn thương và không được tôn trọng, ảnh hưởng đến tinh thần học tập của các học sinh, tạo suy nghĩ không tốt đối với các em học sinh. Thậm chí, dư luận đánh giá nó là hành động phản cảm, làm mất hết giá trị, ý nghĩa của việc khen thưởng.

Khen thưởng học sinh giỏi, học sinh tiêu biểu nhằm mục đích ghi nhận, biểu dương những thành quả mà các em đạt được trong năm học, khuyến khích, động việc các em không ngừng nỗ lực, phấn đấu hơn nữa để gặt hái nhiều kết quả tốt hơn, có ý nghĩa lớn lao về mặt tinh thần cho học sinh.

Dù Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Cầu Giấy “tặng phần thưởng rỗng ruột không sai về mặt luật pháp khi các em vẫn được nhận phần thưởng của mình nhưng “của cho không bằng cách cho”, việc chỉ để tờ giấy A4 trong gói quà đẹp khiến các em học sinh mất niềm tin và có ngay cảm giác thất vọng, dù sau đó các em có nhận những món quá thật nhưng đã không còn giá trị của sự khen thưởng.

Như lời đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Phương khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, việc trao quà rỗng cho 300 học sinh tiêu biểu có thành tích xuất sắc là phản cảm, phản tác dụng và lừa dối trẻ nhỏ. Cách làm này không chỉ gây phản cảm mà còn làm mất hết ý nghĩa của việc khen thưởng, đó là điều rất nguy hiểm, gây bức xúc cho các bậc phụ huynh, làm tổn thương tâm hồn con trẻ.

Đáng chú ý, đại biểu Phương cho rằng: “Khen thưởng thì phải có chọn lọc những cá nhân điển hình. Số lượng người được khen thưởng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, như “cột cờ trong bó đũa. Tuy nhiên, ngành giáo dục vẫn còn tình trạng khen thưởng tràn lan. Có những lớp học 100% học sinh là học sinh giỏi. Đây là điều không bình thường và việc làm trên như một hình thức khen thưởng ảo”.

Lời đại biểu Phương đáng để ngẫm nghĩ khi thực tế cứ mỗi dịp kết thúc năm học, mạng xã hội lại ngập tràn giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiêu biểu và những bảng điểm tổng kết toàn con số 9, 10 như việc một lớp học ở Bà Rịa- Vũng Tàu có 43 học sinh thì 42 trong đó là học sinh giỏi, chiếm tỷ lệ đến 98% học sinh giỏi. Không ít lớp có tỷ lệ học sinh giỏi chiếm 3/4 sĩ số lớp học tại nhiều trường trên cả nước.

Việc nhiều học sinh giỏi thật đáng để biểu dương nếu đó là sức học thật của các em được đánh giá công bằng, khách quan, "học sinh xứng đáng thì được công nhận". Tuy nhiên, nếu số học sinh giỏi tăng đột biến do tác động của bệnh thành tích thì đó là điều thật nguy hiểm, dẫn đến việc các em ảo tưởng năng lực mà sao nhãng việc học hành. Bởi thực tế, không ít học sinh giỏi nhưng không biết yêu thương, tôn trọng người khác và chưa bao giờ nói được một câu rõ nghĩa và chuẩn mực.

Một con số khác được đại biểu Phạm Văn Hòa đề cập khi nói về kỳ thi “2 trong 1” tốt nghiệp THPT có địa phương đạt đến 99% bởi thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết học sinh.

Trên thực tế, những phát biểu của đại biểu Phạm Văn Hòa rất đáng để suy ngẫm khi học thế nào cũng được lên lớp, rèn luyện thế nào cũng được tốt nghiệp thì các em học sinh sẽ ảo tưởng về năng lực của mình và rồi tương lai xã hội sẽ ra sao? Suy nghĩ về vấn đề này, Đại biểu Bùi Văn Phương đã đặt hàng loạt câu hỏi: “Chúng ta có thể thấy những mặt xấu của xã hội, của con em chúng ta, liệu chúng ta có đổ lỗi mãi cho mặt trái của cơ chế thị trường được không, có đổ lỗi mãi cho vấn đề của mạng xã hội không, mà chúng ta lại không thấy phương pháp, nhận thức về giáo dục của chúng ta…Tại sao bây giờ cái gì cũng sợ, sợ đánh giá bằng điểm, các cháu điểm thấp thì các cháu buồn, rồi đổi mới bằng việc là đánh giá không cần dùng điểm, cho các cháu lưu ban thì sợ các cháu tổn thương, cho các cháu không tốt nghiệp được thì cũng sợ các cháu tổn thương. Thầy cô bây giờ không dám động gì, không nghiêm khắc với học sinh, sợ xã hội và bây giờ buộc phải lên lớp hết, phải đỗ hết, liệu tỷ lệ 100% khá giỏi có đáng mừng hay không?”

Câu chuyện cả lớp cùng là học sinh giỏi, cả trường tốt nghiệp THPT 100% đặt ra cho dư luận nhiều hoài nghị về căn bệnh hình thức, thành tích vốn trầm kha trong ngành giáo dục, nó cũng giống như việc trao phần thưởng tượng trưng, hình thức khiến ngay cả bản thân học sinh đoạt giải, đoạt học sinh giỏi mà thực chất không vui và không tự hào về những gì đã đạt được.

Đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) khi thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi sáng 21.5 tại Quốc hội đã nói rằng, ông rất tiếc cuộc vận động "hai 0" một thời chúng ta làm, nói không với bệnh thành tích, nói không với tiêu cực lại không thực hiện nữa. Khi chúng ta làm thật thì tỉ lệ tốt nghiệp không cao như chúng ta vẫn thường mong. Một, hai năm liền tỉ lệ tốt nghiệp không cao, bị áp lực, bị sức ép.

HẢI NINH (Kiến thức)

(0) Bình luận
Trao thưởng học sinh tiêu biểu là tờ A4: Căn bệnh hình thức trầm kha