Trào lưu đọc tiểu thuyết đam mỹ: Giới trẻ đang bị đầu độc

21/08/2017 08:28

Sau “cơn sốt" đọc tiểu thuyết ngôn tình, nhiều bạn trẻ lại "bập" vào tiểu thuyết đam mỹ, một loại văn học phi chính thống.



Dù độc hại nhưng tiểu thuyết đam mỹ vẫn được bán trên thị trường


Cơn “dịch bệnh" văn hóa độc hại này ảnh hưởng đến giới trẻ nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Nhiều chi tiết “sốc”


Có mặt tại nhà một người bạn vào dịp cuối tuần, tôi thấy rất nhiều cuốn sách được in rất đẹp với hình minh họa bên ngoài là những chàng trai đang tay trong tay rất hạnh phúc. Tò mò, tôi đọc thử vài trang của cuốn sách và cảm thấy khá “sốc” với những gì đọc được. Cuốn sách có tên "Diệp Gia" của tác giả Triệt Dạ Lưu Hương viết về tình cảm của hai nhân vật chính là Diệp Gia và Tống Dịch Vĩ, những nam cảnh sát trong đội phòng chống ma tuý ở biên giới. Cuốn sách có những đoạn mô tả tường tận tình cảm luyến ái giữa nam với nam. Một đoạn viết: “Tôi cầm lòng không đặng ấn cậu xuống, vốn chỉ muốn hôn môi cậu chút thôi, nhưng vừa đụng vào phiến môi ấm mềm, tôi đã mất kiểm soát”. Nhiều cuốn sách khác tại đây cũng có nội dung miêu tả tình cảm đồng tính giữa những nhân vật nam chính. Bạn T.T.N. ở phường Bình Hàn (TP Hải Dương), chủ nhân của những cuốn sách cho biết: “Mình đọc tiểu thuyết đam mỹ trên mạng cách đây 2 năm trước. Lúc đầu chỉ vì tò mò rồi nghiện lúc nào không biết, cứ có sách nào mới là phải tìm đọc bằng được”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, bạn đọc của dòng tiểu thuyết này chủ yếu là nữ thanh thiếu niên. Chị P.T.D. ở phường Nhị Châu (TP Hải Dương) cho biết: “Tôi thích đọc thể loại này vì cốt truyện éo le, gay cấn, tình tiết hoang đường và khung cảnh lãng mạn. Các nhân vật đẹp trai, hào hoa và táo bạo, vượt ra khỏi mọi giới hạn thông thường". Chị D. đã tham gia vào nhiều diễn đàn dành cho người yêu thích tiểu thuyết đam mỹ để chia sẻ, đọc truyện mới, tìm địa chỉ để mua.

Ảnh hưởng xấu tới giới trẻ



Tiểu thuyết đam mỹ được trình bày rất hấp dẫn


Tìm hiểu sâu về dòng văn học này mới thấy mức độ phổ biến của nó tại Việt Nam. Chỉ cần gõ từ khóa “tiểu thuyết đam mỹ” tại các trang web tìm kiếm phổ biến sẽ cho cả triệu kết quả. Loại tiểu thuyết này có đầy trên mạng internet với hàng trăm đầu sách của nhiều tác giả, thể loại (cổ trang, hiện đại, tương lai, xuyên không…). Trong số đó có hàng chục quyển đã được xuất bản và lưu hành rộng rãi.

Không chỉ xuất hiện trên mạng internet, tiểu thuyết đam mỹ đã đường hoàng có mặt trên kệ một nhà sách lớn ở tỉnh ta. Chị Phạm Thị Thanh Thuỷ, nhân viên tại Nhà sách Tiền Phong (TP Hải Dương) cho biết ở đây có các quyển "Diệp Gia" (tác giả Triệt Dạ Lưu Hương), "Không gì đẹp bằng ráng lam chiều" và "Thế giới của hắn là một màu hồng" (tác giả Qifu A). Cả 3 quyển sách này đều là tiểu thuyết đam mỹ miêu tả tình cảm luyến ái nam-nam không phù hợp với thuần phong mỹ tục. “Cả 3 quyển sách này đều được bán rất chạy tại nhà sách chúng tôi. Quyển "Thế giới của hắn là một màu hồng" vừa mới đặt lên kệ đã được bán gần hết trong vài ngày, nếu có khách hàng muốn mua chúng tôi phải đặt thêm”, chị Thuỷ cho biết.

Trước sự lan tỏa thứ văn hóa phẩm độc hại này, năm 2015, Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin và Truyền thông) đã có công văn gửi đến tất cả các nhà xuất bản yêu cầu từ nay không đăng ký xuất bản các đề tài truyện ngôn tình, đam mỹ. Lý do bởi các dòng sách này có nội dung sáo mòn, vô bổ, thậm chí thô tục, phản cảm. Tuy nhiên do nhiều tiểu thuyết đam mỹ được xuất bản trước đó không bị thu hồi nên loại sách này vẫn lan tràn trên thị trường.

Về trào lưu đọc tiểu thuyết đam mỹ của nhiều người trẻ, anh Hoàng Trọng Hiển, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh đoàn Hải Dương nhận xét: "Vì tò mò nên nhiều người trẻ tìm đến thể loại tiểu thuyết đam mỹ. Do chưa có hiểu biết sâu sắc nên nhiều bạn bị mất phương hướng, từ đó dẫn tới nhận thức méo mó về tình yêu, cuộc sống, đánh tráo khái niệm nhân văn và trái với thuần phong mỹ tục Việt Nam".

Để giúp giới trẻ tránh xa các loại văn hóa phẩm độc hại, theo anh Hiển, các bạn trẻ cần được định hướng thông tin, định hướng văn hóa ngay từ gia đình. Nhà trường và các tổ chức đoàn thể cần thực hiện nhiều hình thức giáo dục chính trị tư tưởng, cung cấp thông tin đa chiều để các bạn trẻ có thể lựa chọn được những thông tin hữu ích, để họ có thể miễn nhiễm với các loại hình văn hóa xấu, độc hại.

VIỆT QUỲNH

Nguồn gốc của đam mỹ xuất phát từ trào lưu văn học yaoi Nhật Bản. Yaoi là loại truyện nói về tình yêu đồng tính nam và có những cảnh “người lớn” giữa các nhân vật nam với nhau. Khi đến với Trung Quốc, yaoi hóa thân thành đam mỹ. Tiểu thuyết đam mỹ phát triển nhanh ở Trung Quốc và biến hóa với nhiều trào lưu khác nhau. Trong những năm gần đây, tiểu thuyết đam mỹ đã vượt ra khỏi biên giới Trung Quốc tới nhiều nước trên thế giới.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trào lưu đọc tiểu thuyết đam mỹ: Giới trẻ đang bị đầu độc