Trào lưu chọn nghề “hot” của giới trẻ

22/06/2012 13:57

Nhiều bậc phụ huynh đã cố gò ép con vào những ngành "thời thượng", cho dù không phù hợp với khả năng của con em mình...



Học sinh cần sớm được định hướng nghề nghiệp


Chọn các ngành nghề cho tương lai của các bạn trẻ bây giờ không phụ thuộc vào sự yêu thích mà lại căn cứ vào mức độ “hot” của nghề và dễ tìm việc làm khi ra trường và đặc biệt là mức lương hấp dẫn. Nhiều bậc phụ huynh đã cố gò ép con vào những ngành "thời thượng", cho dù không phù hợp với khả năng của con em mình. Chị Trần Thị Hằng ở khu 7, phường Ngọc Châu (TP Hải Dương) định hướng cho con học ngành tài chính ngân hàng với hy vọng sau này sẽ dễ tìm việc làm hơn, công việc nhàn hạ, thu nhập cao. Tuy nhiên, thực tế con gái chị, em Nguyễn Thị Thu Hồng lại ước mơ trở thành cô giáo. Chị Hằng chia sẻ: “Không thể chiều theo ý con được, học sư phạm sau này khó xin việc, lương ba cọc ba đồng, bao giờ mới khá được”. Suy nghĩ của chị Hằng cũng là suy nghĩ chung của rất nhiều bậc cha mẹ có con đang đứng trước ngưỡng cửa của cuộc đời. Không chỉ định hướng nghề nghiệp cho con, nhiều bậc cha mẹ còn chọn cả khối thi cho con trái ngược hẳn với khả năng của chúng. Em Hoàng Thị Vân Hải ở khu 2, phường Tân Bình (TP Hải Dương) cho biết: “Em rất thích học các môn xã hội, các ngành thuộc môn này có ít, không có nhiều lựa chọn nghề nghiệp, sau ra trường khó xin việc nên phải chuyển sang học khối D”.

Trong một chương trình “Khi tôi 18” do Đoàn trường Hồng Quang tổ chức vào dịp tháng 5-2011 có hơn 500 học sinh khối 12 tham gia viết ước mơ của mình. Điều làm chúng tôi ngạc nhiên, phần lớn ước mơ của các em là trở thành giám đốc kinh doanh, chủ tịch hội đồng quản trị của một doanh nghiệp lớn, hay làm ở ngân hàng lớn... Những ước mơ trở thành cô giáo, cán bộ đoàn hay người thợ giỏi hầu như không được các em nhắc đến... Em Phạm Ngọc Huyền, lớp 12A1 được cha mẹ định hướng theo học khối D từ năm học lớp 10 nên mong muốn của Huyền là thi đỗ vào Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. Huyền cho biết: "Thi khối D, chúng em có nhiều lợi thế chọn ngành nghề, lại là những ngành có triển vọng như kinh tế quốc tế, kinh doanh quốc tế... Khi ra trường, em sẽ có nhiều cơ hội tốt hơn để tìm việc làm". Theo thầy giáo Nguyễn Xuân Vàng, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Ngũ Hùng (Thanh Miện) cho biết: “Một thực tế hiện nay cho thấy, học sinh thường lựa chọn các ngành, nghề có thu nhập cao, khả năng tìm việc dễ. Ở thời điểm này, có thể các ngành, nghề đó đang cần nhiều nhân lực, nhưng tới khi các em ra trường, đi làm có lẽ sẽ dư thừa lao động”. Theo bác Nguyễn Thị Mai, nhà giáo nghỉ hưu tại khu 5, phường Trần Hưng Đạo (TP Hải Dương) cho biết: “Một số trường trước đây chỉ làm nhiệm vụ đào tạo một nghề, nhưng do tác động của xã hội, nhu cầu người học ngày càng cao nên rất nhiều trường đại học, cao đẳng mở thêm những ngành đang được các thí sinh ưa chuộng như kế toán, tài chính, ngân hàng… để thu hút học sinh đăng ký theo học. Điều này ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng đào tạo và khả năng làm việc sau này của học sinh”.

Theo Tiến sĩ tâm lý Phạm Trung Thanh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới sự lệch lạc trong định hướng nghề nghiệp cho giới trẻ, vì vậy dẫn tới hiện tượng các em đổ xô vào tìm các ngành, nghề “hot”, còn những ngành xã hội thì ít được học sinh lựa chọn. Trước hết, do bản thân các em học sinh tự nhận thấy được khả năng, điều kiện kinh tế của gia đình có thể theo học các ngành “hot”. Mặt khác trong toàn quốc hiện có 416 trường, thì có 218 trường đào tạo các chuyên ngành kế toán, tài chính, ngân hàng. Chính vì vậy, việc lựa chọn theo học các ngành này đã trở thành xu thế chung của giới trẻ hiện nay. Cũng có thể các em học sinh lựa chọn ngành nghề khi chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin về ngành nghề mình lựa chọn, chủ yếu tìm hiểu qua bạn bè, hoặc trên mạng nên dễ dẫn tới tình trạng các thí sinh đăng ký ngành học cho tương lai của mình là đua đòi theo bạn bè mà không biết năng lực của mình. Hơn nữa, xã hội phát triển, nhu cầu nguồn nhân lực các ngành kinh tế, ngân hàng ngày càng tăng. Cũng theo Tiến sĩ Thanh, để khắc phục được tình trạng này, cần phải có sự định hướng nghề nghiệp cho các em từ khi học xong THCS, giúp các em nhận thức đúng không chỉ có con đường vào đại học, cao đẳng mới dẫn tới một tương lai tốt đẹp hơn. Bên cạnh đó, ngành giáo dục cần nâng cao chất lượng giáo dục các môn xã hội, thay đổi cách nhìn của học sinh và phụ huynh về các môn này để tránh có cái nhìn lệch lạc khi lựa chọn nghề nghiệp. Điều quan trọng hơn là bản thân các em học sinh phải tự nhìn nhận đúng khả năng của mình, lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, không chạy theo trào lưu xã hội.

TÂM PHÚC

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trào lưu chọn nghề “hot” của giới trẻ