Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là hoạt động thiết thực góp phần triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cùng Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trao giải nhất cho thí sinh đoạt giải
Lễ tổng kết và trao giải cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019 đã diễn ra tối 14.12, tại Hà Nội.
Đây là lần thứ 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và một số đơn vị tổ chức.
Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tham dự và trao giải cho các thí sinh. Tham dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.
Phát biểu tại lễ trao giải, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được thực hiện sâu rộng trong toàn ngành giáo dục, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bộ đã hoàn thành việc biên soạn bộ tài liệu “Bác Hồ và những bài học về đạo đức lối sống dành cho học sinh” từ lớp 2 đến lớp 12, được đưa vào sử dụng từ năm học 2016-2017; hoàn thiện biên soạn, phát hành bộ tài liệu hướng dẫn tích hợp nội dung “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở các cấp học.
Đặc biệt, Bộ đã ban hành chương trình tổng thể và các chương trình môn học, hoạt động giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó nhấn mạnh tới việc giáo dục toàn diện cho học sinh, đặc biệt là giáo dục “làm người”.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chia sẻ cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” là hoạt động thiết thực góp phần triển khai Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị trong ngành giáo dục.
Nội dung cuộc thi năm nay tập trung vào các nội dung thiết thực như: 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; Những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ; Tư tưởng Hồ Chí Minh với biển, đảo Việt Nam... Việc tách làm 3 bảng riêng (bảng A cho học sinh, bảng B cho sinh viên, bảng C cho nhà giáo trẻ) đã bảo đảm đề thi phù hợp với trình độ, nhận thức của thí sinh hơn. Việc lựa chọn các thí sinh vào vòng bán kết, chung kết có đại diện của tất cả các tỉnh, thành phố, các trường đại học, giúp lan tỏa cuộc thi tốt hơn.
Bộ trưởng khẳng định cuộc thi là cơ hội để đoàn viên, thanh niên, học sinh, sinh viên Việt Nam đang sinh sống, học tập và làm việc ở trong nước và nước ngoài được học tập, nâng cao hiểu biết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, tìm hiểu những giá trị sâu sắc trong Di chúc của Người, ghi nhớ những lời dạy của Bác đối với thế hệ trẻ, góp phần quan trọng trong việc giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng, hoàn thiện nhân cách thế hệ trẻ. Đây cũng chính là đợt sinh hoạt chính trị có ý nghĩa quan trọng của ngành Giáo dục.
Trong năm tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức tổ chức; triển khai Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 4.12.2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05, để cuộc thi ngày càng thiết thực, hiệu quả và hấp dẫn hơn nữa.
Cuộc thi “Tuổi trẻ học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2019 đã thu hút gần 500.000 lượt thí sinh dự thi, trong đó có 400.000 học sinh phổ thông, 38.000 sinh viên và 38.500 giáo viên, cán bộ trẻ dưới 35 tuổi.
Không chỉ thu hút học sinh, sinh viên trong nước tham gia, năm nay là năm đầu tiên đã có thí sinh đang là lưu học sinh tại nước ngoài hưởng ứng dự thi, đạt giải cao vòng bán kết và được chọn vào tham dự vòng chung kết toàn quốc. Ban Tổ chức có kế hoạch hỗ trợ lưu học sinh tiền vé máy bay về tham dự vòng chung kết, tuy nhiên thí sinh này không bố trí được thời gian.
Số lượng giải thưởng năm nay cũng tăng hơn so với các lần tổ chức trước đây, gần 600 triệu đồng giải thưởng gồm hiện vật, tiền thưởng.
Trải qua vòng loại và vòng thi bán kết, Ban Tổ chức đã lựa chọn được 80 thí sinh từ 3 bảng tham dự vòng chung kết cá nhân xếp hạng toàn quốc. Ở mỗi bảng, Ban Tổ chức đã trao 1 giải nhất, 3 giải nhì và 6 giải ba; các thí sinh còn lại đạt giải tư của cuộc thi.
Giải nhất bảng A thuộc về em Đậu Huy Minh, lớp 12A2, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An; giải nhất bảng B thuộc về em Huỳnh Thanh Thân, sinh viên năm thứ ba, lớp 56E, Khoa Kinh tế đối ngoại, Trường Đại học Ngoại thương cơ sở 2; giải nhất bảng C thuộc về anh Phạm Văn Trường, xã Ea – Pô, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông.
Theo TTXVN