Giới chuyên môn nhận định khó ngăn chặn việc tranh Việt giả lên sàn đấu giá, cho rằng người mua nên tìm hiểu kỹ trước khi xuống tiền.
Trong phiên đấu giá của Christie's Hong Kong hồi cuối tháng 5, tác phẩm Portrait of a Girl (Chân dung một cô gái) của Nguyễn Sáng được gõ búa 176.400 HKD (574 triệu đồng). Cũng tại sự kiện, tranh Ancient Dance (Điệu múa cổ) của Nguyễn Tư Nghiêm đạt mức giá hơn một triệu HKD (khoảng 3,2 tỷ đồng). Tuy nhiên, hai sản phẩm bị những người có chuyên môn nghi ngờ tính xác thực.
Cụ thể ở bức sơn dầu Portrait of a Girl, nhà sưu tầm Lý Đợi nhận định tranh được sao chép từ tác phẩm lụa của Nguyễn Sáng, khắc họa chân dung bà Ngọc Hà, vợ ông Nguyễn Kim Sơn. Ngoài nét vẽ khác nhau, thông tin trên web của nhà đấu giá ghi thời gian sáng tác là năm 1971, trong khi bức họa gốc hoàn thành ngày 30/4/1978.
Ở tác phẩm Ancient Dance, ông Lý Đợi nhận thấy kỹ thuật sơn mài trên bức vẽ có phần khác biệt với phong cách Nguyễn Tư Nghiêm. Ngoài ra, danh họa là nhân vật thuộc bộ tứ họa sĩ huyền thoại Việt Nam cùng Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên. ''Mức giá của tranh có thể cao hơn bởi tính quý hiếm cũng như danh tiếng của ông'', ông Lý Đợi nói.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cho rằng những người mua tranh thường theo dõi sát sao thị trường, không rõ vì sao họ lại chi tiền cho hai tác phẩm có ý kiến trái chiều về nguồn gốc. Về phía Christie's, hãng cho biết đã nhận thông tin và phản hồi trong thời gian tới.
Những trường hợp tranh Việt bị nghi ngờ không phải bản gốc đã xuất hiện trên sàn quốc tế nhiều năm nay. Hồi 2019, Sotheby's Hong Kong chào bán tác phẩm của loạt danh họa Việt như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, gây chấn động giới mộ điệu. Tuy nhiên, các họa sĩ trong nước nhanh chóng phản đối, cho rằng đây là bản sao chép, buộc nhà đấu giá phải rút tranh. Cuối năm 2021, đơn vị này cũng phải gỡ bức họaL'image traditionnelle d'une maison de paysan(Hình ảnh một nhà tranh truyền thống) đề tên danh họa Nguyễn Văn Tỵ vì lý do tương tự.
Thị trường trong nước không tránh khỏi tình trạng trên. Năm 2016, 15 trong số 17 bức tại triển lãm Những bức tranh từ châu Âu trở vềcủaông Vũ Xuân Chung tại TP HCM được kết luận là giả. Ở hai tranh còn lại, bức đề tên Tạ Tỵ thực chất là của Thành Chương vẽ vào khoảng năm 1970-1971, khiến họa sĩ bức xúc.
Giới chuyên gia cho rằng tranh Việt giả xuất hiện nhiều do thiếu đội ngũ kiểm tra tính xác thực của tác phẩm, chế tài trong nước còn yếu. Ông Lê Quang - đại diện nhà đấu giá Le Auction House - cho biết hiện nay thị trường mỹ thuật tồn tại vấn đề hàng giả nhiều hơn bản thật. Theo ông Quang, từ xưa đã có tình trạng chép tranh của những họa sĩ nổi tiếng, khiến việc xác định nguồn gốc các bức họa gặp khó khăn.
Họa sĩ Vũ Đình Tuấn từng cho biết tranh giả phát triển hơn sau năm 1986, khi đất nước ở thời kỳ Đổi mới. Lúc này, nghệ thuật trở thành mặt hàng ngày càng có giá trị. Còn theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Phạm Long, thời điểm Lê Phổ trở thành họa sĩ Việt đầu tiên đạt triệu USD, tranh giả trên thị trường ngày càng tăng. Trong đó chủ yếu là tác phẩm Đông Dương do giá cao, các danh họa phần lớn đã mất và không có nhiều giấy tờ chứng thực.
Theo luật sư Dương Ánh Nga - thuộc đoàn Luật sư TP HCM, Việt Nam có chế tài xử lý tùy từng mức độ sai phạm đối với hành vi sao chép tranh giả, tuy nhiên, đang thiếu cơ quan chuyên môn thẩm định về tính xác thực của tranh. Hiện các đơn vị giám định thường kiêm việc kiểm tra nhiều sản phẩm, không chuyên về hội họa. Vì vậy, họ chỉ nhận định mức độ sao chép là bao nhiêu phần trăm, không thể khẳng định đó là sản phẩm giả.
Đại diện nhà đấu giá Le Auction House cho rằng không phải đơn vị nào cũng có đội giám tuyển thẩm định được hết các bức vẽ của danh họa Đông Dương. Nhiều chuyên gia không biết tiếng hoặc thiếu hiểu biết về văn hóa Việt, dẫn tới sai sót khi đánh giá. Đôi lúc, họ bị lừa bởi người làm hồ sơ gửi tranh.
Còn ông Lý Đợi nhận định một nhà đấu giá lớn sẽ không thể bất chấp đánh đổi uy tín vì một tác phẩm giả, thậm chí không có mức bán quá cao. Họ sẵn sàng gỡ tranh trong trường hợp phía Việt Nam có đủ bằng chứng, chế tài quy định chặt chẽ về các sai phạm. ''Tuy nhiên đây là điều mà nước ta còn thiếu'', ông nói. Thậm chí ông băn khoăn trường hợp người mua có quốc tịch Việt, mang một sản phẩm được xác định là giả về nước sẽ có khung phạt như thế nào.
Khi không thể ngăn chặn tranh Việt giả xuất hiện tràn lan ở cả trong nước và quốc tế, người mua cần trở thành cá nhân thông thái. Từng có nhiều năm sưu tập tranh, Lê Quang khuyên người đấu giá tìm hiểu kỹ về bức họa định mua. Ông cho rằng mỗi người phải tự bảo vệ mình bằng việc trang bị đủ chuyên môn, sự tỉnh táo để tránh mất tiền oan. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi cũng nhấn mạnh các nhà sưu tập luôn phải trau dồi kiến thức, đồng thời cần đến sự tư vấn của chuyên gia.