Tránh tái đàn ồ ạt

10/10/2014 02:54

Người dân cần thận trọng khi tái đàn, tránh tình trạng cung vượt cầu, dẫn đến giá cả lại sụt giảm...


Giá các sản phẩm từ gia súc, gia cầm tăng nên người chăn nuôi đã bắt đầu có lãi. Trong ảnh: Chăm sóc
 gà thịt ở trang trại của ông Nguyễn Xuân Chuyển ở xã Cẩm Hoàng (Cẩm Giàng)


Thời gian gần đây, sau nhiều tháng sụt giảm, giá các loại thịt gia súc, gia cầm đã tăng trở lại, giúp người chăn nuôi có lãi. Nhiều hộ đầu tư mở rộng quy mô, nuôi tái đàn.

Sự kiên trì đã được bù đắp

Gia đình bà Phạm Thị Oanh ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) nuôi 50 con lợn nái. Bà Oanh cho biết 2 quý đầu năm 2014, giá lợn thịt luôn ở mức thấp, bán không có lãi nhưng gia đình bà vẫn tiếp tục chăn nuôi. Bởi lẽ, chuồng trại đã đầu tư rồi, nếu không nuôi nữa thì sẽ nhanh bị xuống cấp. Bên cạnh đó, việc gây được 1 con lợn nái mất nhiều thời gian, công sức và tiền của. Để hạn chế bị lỗ, bà Oanh chủ động bán lợn "xách tai", chỉ để 1 phần nuôi thành lợn thịt. Thời gian gần đây, giá bán đã nhích lên chút ít. Đầu tháng 9 vừa qua, gia đình bà Oanh bán lợn siêu nạc giá 52 nghìn đồng/kg, lần gần đây nhất bán giá 50 nghìn đồng/kg, đều tăng so với thời điểm tháng 4 từ 8-10 nghìn đồng/kg. Cũng theo bà Oanh, mặc dù đã có lãi, song số tiền này cũng chỉ đủ bù vào thời điểm thua lỗ trước đây. Nếu giá thịt lợn cứ duy trì ở mức này thì người chăn nuôi còn muốn tiếp tục đầu tư, ngược lại nhiều người bỏ không chuồng trại...

Thời gian gần đây, việc chăn nuôi của anh Nguyễn Thiên Thủy ở xã Tứ Xuyên (Tứ Kỳ) cũng thuận lợi hơn trước. Anh Thủy cho biết, cách đây 1 tháng, gia đình anh xuất bán 4 tấn lợn thịt với giá 53 nghìn đồng/kg, trừ chi phí lãi hơn 20 triệu đồng. Không chỉ giá lợn mà giá trứng vịt cũng tăng, hiện anh Thủy bán từ 28-30 nghìn đồng/chục trứng (tùy từng loại), tăng từ 8-10 nghìn/chục so với đầu năm. Và với giá bán này, gia đình anh nuôi vịt đẻ đã có lãi. Anh Thủy vừa đầu tư tái đàn, mua 100 con lợn con để nuôi thành lợn thịt, bán dịp Tết.

Bà Nguyễn Thị Chinh ở xã Cẩm Đông (Cẩm Giàng) vừa xuất bán 2.500 con gà trắng với giá 33 nghìn đồng/kg, 4.000 con gà lông màu với giá 46 nghìn đồng/kg. So với đầu năm, giá gà đã tăng từ 7-8 nghìn đồng/kg. Hiện nay, gia đình bà đang chuẩn bị vào lứa gà mới để bán dịp Tết. Bà Chinh cho biết: "Với người chăn nuôi bao giờ cũng mong muốn giá bán ở mức cao, nhưng giá cả phụ thuộc nhiều vào thị trường, người chăn nuôi không thể chủ động được. Từ đầu năm đến nay, tôi xuất bán mấy lứa nhưng cứ đến lúc gần bán thì giá lại xuống thấp, chỉ lần vừa rồi là có lãi. Tôi hy vọng, từ giờ trở đi giá gà cứ ổn định như thế này để tôi có thể bù lỗ cho những đợt bán trước".

Giá sẽ ổn định và tăng thêm

Đầu năm nay, tỉnh ta xuất hiện dịch cúm gia cầm; một số loại dịch bệnh khác trên đàn lợn cũng có nguy cơ xuất hiện, tạo ra tâm lý người dân không muốn sử dụng các sản phẩm từ lợn, gà. Từ đó dẫn đến giá sản phẩm gia súc, gia cầm xuống thấp, nhiều người chăn nuôi đã thu hẹp quy mô đàn hoặc không chăn nuôi. Sau đó, tình hình dịch bệnh nhanh chóng được khống chế, không lây lan ra diện rộng nên người tiêu dùng cũng yên tâm sử dụng các sản phẩm thịt gia súc, gia cầm.

Theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngoài những lý do về thời tiết, dịch bệnh làm cho giá thịt gia súc, gia cầm tăng, thời gian gần đây các nhà máy, xí nghiệp, công ty trên địa bàn tỉnh đã vượt qua khó khăn, tiếp tục bước vào thời kỳ phát triển, nhu cầu tuyển dụng công nhân, lao động tăng đáng kể. Hầu hết các đơn vị này đều tổ chức cho công nhân ăn ca nên nhu cầu thực phẩm tăng. Bên cạnh đó, người lao động có nhiều việc làm, thu nhập tăng nên nhu cầu mua sắm, ăn uống cũng tăng. Cuối năm cũng là thời điểm bước vào mùa cưới, tổng kết, thời tiết cũng mát mẻ nên đã tác động đến nhu cầu tiêu dùng của người dân

Dự báo về tình hình phát triển chăn nuôi từ nay đến cuối năm, ông Tịnh cho biết thêm: Theo nhận định của cơ quan chức năng, giá gia súc, gia cầm sẽ giữ ổn định và tăng thêm, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Tuy nhiên, người chăn nuôi cũng phải tìm hiểu nhu cầu của thị trường để tái đàn một cách hợp lý, tránh ồ ạt, dẫn đến cung vượt quá cầu. Bên cạnh đó, thời tiết cuối năm thường diễn biến phức tạp, dễ phát sinh dịch bệnh đối với đàn vật nuôi. Vì vậy, người chăn nuôi cần chủ động vệ sinh chuồng trại, tiêm phòng, phòng, chống các loại dịch bệnh để hạn chế thiệt hại; tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm ngoài tỉnh để tăng hiệu quả chăn nuôi...

THANH HÀ


Theo Cục Thống kê, so với cùng kỳ năm trước, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng ước đạt 416 tấn (tăng 0,7%), thịt bò hơi 1.259 tấn (tăng 0,9%), thịt lợn hơi xuất chuồng 65.354 tấn (tăng 0,7%), thịt gia cầm hơi xuất chuồng 18.970 tấn (tăng 0,2%).

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tránh tái đàn ồ ạt