Phim “Quỳnh búp bê” sẽ phát sóng trở lại, muộn hơn khung giờ cũ 1 tiếng, tức là vào lúc 21h30 đến 22h30, bắt đầu từ ngày 3.9.
Một cảnh trong phim "Quỳnh búp bê"
Lý do, ai cũng rõ, “Quỳnh búp bê” trước đó gặp phải phản ứng của một bộ phận khán giả về cảnh nóng và bạo lực khi chiếu ở khung giờ vàng. Nhiều người đề nghị đổi giờ chiếu, để trẻ em không xem được. Cuối cùng như đã thấy, bộ phim tạm dừng phát sóng và sau một thời gian nghe ngóng đã tái xuất, ở khung giờ khác với tiết lộ của đạo diễn, kết thúc 6 tập đầu với nhiều tình tiết nhạy cảm để phơi bày một cách chân thực bối cảnh diễn ra câu chuyện, nhà hàng Thiên Thai, nơi mua bán dâm trá hình thì những tập sau trở đi, nhà hàng bị triệt phá, các cô gái làng chơi có lối đi riêng, phim sẽ đi vào khắc họa tâm lí nhân vật...
Có vẻ áp lực dư luận trước đó khá lớn, khiến những người làm phim bỗng dưng lại sợ cảnh nhạy cảm, phim chưa chiếu đã phân bua trước. Thực ra, dư luận không ném đá cảnh nhạy cảm, mà chẳng qua họ e ngại cho “tương lai con em chúng ta”. Vậy thôi. Còn đa phần người lớn (tức 18+) hầu như thấy việc xuất hiện cảnh nóng hay bạo lực, ở mức độ vừa phải, thì cũng chẳng vấn đề gì, bởi bộ phim đi vào thế giới của những cô gái bán hoa. Thậm chí, một số phụ huynh có quan điểm cực thoáng: “Giấu các con chưa chắc đã tốt bằng cho các con “đối mặt” với thực tế cuộc sống, cho các con thấy cuộc sống tủi nhục không lối thoát của các “nàng Kiều” thời hiện đại, từ đó các con sẽ tự có ý thức tránh “chỗ tối” hướng tới “chỗ sáng”!”. Ý kiến khác: “Trên mạng giờ nội dung 18+ đầy ra, phim trên tivi có khi bọn trẻ chả buồn xem, nếu muốn coi thiếu gì cách để xem trộm… Thời nay cấm cản vì lý do đó xem ra đã lỗi thời”... Cho nên, nếu chỉ lắng nghe dư luận để rồi quyết định ngưng phát sóng hay tiếp tục phát sóng, có khi chưa ổn. Ở đây, ngoài sự chú ý lắng nghe ý kiến “thượng đế” còn cần đến bản lĩnh và tính phán đoán cao của người làm nghề, người làm công tác quản lý. Kiểu tạm ngưng phát sóng rồi thình lình thông báo sẽ phát sóng trở lại, khiến có người hoan hỉ reo lên: Hay quá! Nhưng cũng có người trách: “Chẳng ra làm sao, thích chiếu gì thì chiếu, không thích thì nghỉ. Cớ sao không nghĩ kỹ trước khi làm?”. Còn có người lại tiếp tục đòi hỏi: “Đổi giờ chiếu cũng chưa an toàn đâu, trẻ con bây giờ thức khuya lắm!”.
Lại nhớ bộ phim “Thương nhớ ở ai” từng bị khán giả bình luận rôm rả quanh chuyện diễn viên nữ mặc áo yếm “thả rông”. Trước làn sóng dư luận, đạo diễn Lưu Trọng Ninh không chịu “xuống nước” vẫn một mực bảo lưu quan điểm của mình: “Ngày xưa, các cụ mặc thế nào thì bây giờ chúng ta mặc vậy. Phụ nữ chỉ thực sự đẹp khi họ tự do”... Thế rồi câu chuyện “thả rông” trong phim cũng chìm. Xét đến cùng giá trị thực sự của một bộ phim không nằm trong cảnh nóng hay bạo lực, những thứ “gia vị” có thể giúp “món ăn” ngon hơn hoặc dở đi, tùy tài của “đầu bếp”. Nếu thật sự những tập sau của “Quỳnh búp bê” chỉ tập trung khắc họa tâm lí nhân vật thì có cần thiết tránh khung giờ vàng? Không cần che đậy thân phận của gái bán hoa với những bạn trẻ dưới 18 tuổi. Vấn đề là cách khai thác ra sao? Giống như khi Nguyễn Du diễn tả tâm trạng Kiều ở lầu Ngưng Bích vẫn xúc động lòng người, cho dù ông không cần dùng đến một từ ngữ nào gợi liên tưởng “mát mẻ”.
Theo Tiền phong