Tranh cãi về đào tạo tiến sỹ: Cần hay không cần công bố quốc tế?

15/07/2021 15:30

Trong khi nhiều ý kiến cho rằng việc yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế với tiến sỹ và giáo viên hướng dẫn là cần thiết thì cũng có ý cho rằng chỉ cần công bố trong nước để thúc đẩy tạp chí Việt.

Nghiên cứu khoa học là yêu cầu đào tạo với các tiến sỹ

Quy chế về tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sỹ vừa được ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang là chủ đề tranh luận nóng bỏng của giới khoa học với nhiều ý kiến trái chiều.

Trong đó, điểm được quan tâm nhất là việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bỏ yêu cầu bắt buộc về công bố quốc tế với cả nghiên cứu sinh và người hướng dẫn, vốn là điểm được đánh giá cao trong quy chế cũ ban hành năm 2017, và bổ sung việc chấp nhận các sách chuyên khảo, các công bố tại các tạp chí trong nước theo tiêu chuẩn đánh giá của Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước.

Bước ra biển lớn hay về tắm ao làng?

Với việc bỏ yêu cầu bắt buộc phải có công bố quốc tế, nhiều ý kiến cho rằng quy chế mới là một bước thụt lùi so với quy chế cũ, thay vì khuyến khích vươn ra thế giới thì lại “về tắm ao làng.”

Giáo sư Ngô Việt Trung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán cho rằng quy chế mới đã hạ chuẩn yêu cầu về chất lượng đào tạo so với quy chế cũ khi chỉ yêu cầu có công bố trong nước, trong đó có cả các tạp chí mà theo ông đánh giá là ở mức trung bình.

“Có thể nói công bố quốc tế là sự thừa nhận khách quan của thế giới đối với các kết quả nghiên cứu của tác giả”, giáo sư Ngô Việt Trung nói.

Giáo sư Ngô Việt Trung

Đây cũng là nhận định của tiến sỹ Phạm Hiệp, Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia. “Quy chế mới vô hình chung đã đặt nhẹ tính nghiên cứu quốc tế. Điều này có thể dẫn đến làm chậm lại hội nhập quốc tế của nghiên cứu khoa học nói chung và đào tạo tiến sỹ nói riêng trong khi xu thế này đang có chuyển biến tích cực trong 5 năm gần đây”, tiến sỹ Phạm Hiệp phân tích.

Là người vừa bảo vệ thành công tiến sỹ năm 2020, anh Trần Lê Hưng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng việc yêu cầu bắt buộc có công bố quốc tế như quy chế cũ đã là động lực thúc đẩy các nghiên cứu sinh như anh nỗ lực hết sức cho đề tài nghiên cứu.

“Bản thân tôi lúc nào cũng phải suy nghĩ về ứng dụng như thế nào, có gì mới để đóng góp cho nhân loại, có được các tạp chí uy tín quốc tế công nhận không? Vì thế, tôi phải nỗ lực hơn, kỹ càng hơn và từ đó trưởng thành hơn trong nghiên cứu”, anh Hưng chia sẻ.

Giải bài toán vừa hội nhập, vừa phát triển

Trước những ý kiến trên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo quy chế cho rằng việc mặc định cứ bài đăng báo quốc tế là tốt, chất lượng bài đăng tạp chí trong nước thấp là một định kiến cần được nhìn nhận lại.

Lý giải việc Quy chế bổ sung công nhận bài báo khoa học trên các tạp chí trong nước, bà Nguyễn Thu Thủy cho hay Việt Nam hiện có trên 600 tạp chí khoa học, trong đó có hơn 400 tạp chí được Hội đồng Giáo sư nhà nước tính điểm. Chất lượng của một số tạp chí khoa học chuyên ngành có uy tín ở trong nước trong gần 5 năm vừa qua đã thật sự thay đổi rất tích cực.

Cụ thể, trong 400 tạp chí khoa học được tính điểm, Việt Nam có một tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu SCIE (Science Citation Index Expansed); 6 tạp chí thuộc ESCI (Emerging Sources Citation Index) của Web of Sciences; 8 tạp chí Scopus và 18 tạp chí được chỉ mục trong cơ sở dữ liệu của ACI (ASEAN Citation Index).

Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo

“Sự ghi nhận, công nhận đối với các tạp chí trong nước là động lực để các tạp chí khoa học phấn đấu nâng cao chất lượng, tiệm cận với các tiêu chuẩn quốc tế bằng nội lực, nhằm đẩy mạnh việc quan tâm xây dựng các tạp chí trong nước vươn lên đẳng cấp quốc tế”, bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc quy định có bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế đã làm nảy sinh có hiện tượng mua bán bài báo quốc tế.

Thừa nhận có hiện tượng này nhưng giáo sư Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định đó không phải là phổ biến.

“Việc yêu cầu công bố quốc tế là bước thúc đẩy nghiên cứu của Việt Nam hội nhập với thế giới, thay vì chỉ trong cộng đồng khoa học trong nước. Điều này cũng giúp quốc tế có cơ sở để đánh giá, xếp hạng giáo dục đại học Việt Nam. Bằng chứng là trong thời gian qua, số lượng nghiên cứu công bố quốc tế tăng lên, thứ hạng các trường đại học của Việt Nam cũng tăng lên. Vì thế, yêu cầu có công bố quốc tế không đồng nghĩa với việc không coi trọng các tạp chí trong nước vì trong nước cũng có những tạp chí uy tín”, giáo sư Đức phân tích.

Theo giáo sư Ngô Việt Trung, hội nhập quốc tế là xu hướng tất yếu cho tất cả mọi lĩnh vực, của mọi quốc gia, thúc đẩy sự phát triển. “Quy chế mới cho phép luận án công bố hoàn toàn trong nước, trong lúc các nước trong khu vực yêu cầu phải có ít nhất một công bố trong danh mục ISI của thế giới. Cả nước ta mới có một tạp chí lọt vào danh sách này. So sánh như vậy để thấy quy chế mới là đi ngược xu thế. Sau vài thế hệ thì trình độ tiến sỹ Việt Nam sẽ đi về đâu so với thế giới, trong khi đây lại là lực lượng quyết định chất lượng giáo dục đại học, giáo dục đại học quyết định chất lượng nguồn nhân lực, nguồn nhân lực quyết định phát triển kinh tế?” giáo sư Ngô Việt Trung nói.

Với phân tích trên, giáo sư Ngô Việt Trung cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên sửa đổi lại quy chế mới tiệm cận với quốc tế. Để thực hiện được mục tiêu vừa nâng cao các tạp chí trong nước, vừa tạo động lực hội nhập quốc tế, giáo sư Ngô Việt Trung kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có thể cho phép luận án có một bài trong nước thuộc danh mục “các tạp chí quốc gia có uy tín” bên cạnh một bài báo trong danh mục ISI/Scopus.

“Tuy nhiên, Bộ cũng sẽ phải quy hoạch lại các tạp chí trong nước để đảm bảo chất lượng, uy tín thực sự. Trong số các tạp chí được công nhận hiện nay có nhiều tạp chí theo tôi chỉ ở mức trung bình, dễ dãi,” nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cao cấp về Toán nhận định.

Theo Vietnam+

(0) Bình luận
Tranh cãi về đào tạo tiến sỹ: Cần hay không cần công bố quốc tế?