Tranh cãi về bảng xếp hạng đại học: “Không có tiềm lực kinh tế khó chạy đua xếp hạng”

28/10/2018 11:17

Hiện nay có nhiều tổ chức thực hiện việc xếp hạng đại học, nhưng không phải bảng xếp hạng nào cũng uy tín. Một số chuyên gia tiết lộ, nếu không có tiềm lực kinh tế, các trường khó “chạy đua” xếp hạng.


Cần cả thời gian và tiền bạc!

Những ngày qua một số tổ chức trên thế giới đã công bố các bảng xếp hạng đại học. Việc nhiều trường đại học ở Việt Nam được các tổ chức quốc tế quan tâm, xếp hạng là điều đáng mừng, nhưng nhiều người lại đặt dấu hỏi về độ uy tín và sự tin cậy của các bảng xếp hạng hiện nay. Đặc biệt là bảng xếp hạng của tổ chức UniRank đang gây nhiều tranh cãi.

 

TS Lê Viết Khuyến

Theo TS Lê Viết Khuyến - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), trên thế giới hiện có hàng loạt bảng xếp hạng khác nhau và không phải bảng xếp hạng nào cũng có uy tín.

Hơn nữa, mỗi tổ chức thực hiện xếp hạng theo tiêu chí khác nhau, nên để tham gia và đạt được thứ hạng cao, đòi hỏi các trường phải có sự chuẩn bị và tiềm lực về kinh tế.

"Theo tôi biết, muốn tham gia vào các bảng xếp hạng quốc tế cũng rất tốn kém, phải là trường có tiềm lực mới theo được.

Riêng chuyện chuẩn bị hồ sơ để cung cấp cho việc kiểm định cũng đòi hỏi sự đầu tư về thời gian và tiền bạc, chứ không phải tự nhiên được xếp hạng.

Có nhiều lãnh đạo trường đại học nói với tôi là cũng muốn tham gia, để có chút danh tiếng nhưng không đủ lực để làm”- TS Lê Viết Khuyến thẳng thắn.

Lãnh đạo một trường đại học ở Hà Nội thì tiết lộ, ban đầu việc xếp hạng có mục đích nhằm cung cấp thông tin tham khảo trung thực và hoàn toàn miễn phí, nhưng dần dần được thương mại hóa. 

Ông lấy ví dụ, các tổ chức xếp hạng đại học hiện nay đã có gói để tư vấn xếp hạng và phí tư vấn cũng lên đến hàng trăm triệu đồng. Vì vậy, không ai dám chắc không có tình trạng trường có chất lượng kém hơn lại được xếp thứ hạng cao hơn. 

Còn theo PGS -TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục (Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam), thực ra việc tham gia các bảng xếp hạng đại học thì không mất kinh phí. Có điều cần thời gian để chuẩn bị hồ sơ, hay chú trọng đầu tư vào các tiêu chí mà bảng xếp hạng đưa ra.

“Các tổ chức uy tín thì họ không bao giờ đi mời để xếp hạng, ví dụ như bảng xếp hạng của ĐH Giao thông Thượng Hải. Họ chỉ tổ chức các hội thảo chung cho cả thế giới, nếu mình muốn tham gia thì mất tiền đi lại để tham dự. Còn nếu cần họ sang để tư vấn thì đương nhiên mất phí”- PGS Nguyễn Phương Nga chia sẻ.

Không phải vật bảo chứng cho chất lượng

Chia sẻ ý kiến về việc Việt Nam vừa có 7 trường đại học vừa lọt vào top 500 trường đại học hàng đầu Châu Á , theo tổ chức QS của Anh đánh giá, TS Lê Viết Khuyến thẳng thắn: “Tôi không đánh giá cao việc Việt Nam có một vài trường lọt vào top các trường hàng đầu Châu Á. Bởi so với mục tiêu đến năm 2020 sẽ có trường lọt Top 200 đại học tốt nhất trên thế giới thì kết quả này còn rất xa mục tiêu đề ra”.
 

 Nhiều trường đại  học của Việt Nam đã lọt vào bảng xếp hạng của QS

Ông cho rằng bảng xếp hạng cũng chỉ là một kênh tham khảo chứ không phải là vật bảo chứng cho chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam, cũng không thể khẳng định giáo dục đại học Việt Nam đã có sự thay đổi về chất.

“Nếu nói một cách khiêm tốn thì chúng ta còn rất xa với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Phải có chất lượng giáo dục thật đã, rồi mới nói đến chuyện vươn tới các bảng xếp hạng có uy tín cao mang tính toàn cầu”- TS Khuyến nhìn nhận.

Ngoài ra, theo TS Lê Viết Khuyến, một nền giáo dục được coi là tiên tiến phải đáp ứng nhiều tiêu chí khác chứ không chỉ việc được xếp hạng cao, như đảm bảo sự công bằng trong giáo dục, chất lượng của toàn hệ thống. Mục tiêu cao nhất là đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao của xã hội. Chứ hiện nay chúng ta chỉ nhằm vào một vài trường có đỉnh cao, còn đa số các trường vẫn rệu rã.

Từ thực tế này, ông cho rằng, việc xếp hạng đại học là cần thiết để các trường nhìn lại mình, nhưng trước tiên cần đầu tư vào chất lượng, chứ không phải  chạy đua để được xếp hạng bằng mọi giá.

Theo Lao Động

(0) Bình luận
Tranh cãi về bảng xếp hạng đại học: “Không có tiềm lực kinh tế khó chạy đua xếp hạng”