Quan điểm của Sở VHTT Thừa Thiên - Huế về biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng tại không gian của một trường đại học gây xôn xao dư luận.
Tranh cãi vụ hầu đồng trong trường đại học
Sở Văn hóa và Thể thao (VHTT) Thừa Thiên - Huế phối hợp tổ chức hội thảo quốc tế Kết nối với Việt Nam lần thứ 14 với chủ đề Sống cùng Di sản, tái tạo/tạo di sản: Việt Nam và thế giới, từ 1-6/8.
Trong chuỗi hoạt động hưởng ứng hội thảo, tối 2/8, lễ khai mạc Triển lãm Mỹ thuật quốc tế được tổ chức với chương trình giới thiệu một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể. Hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ do một số nghệ nhân, thanh đồng miền Bắc thực hiện là tâm điểm gây tranh cãi.
Ngày 3.8, Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) có công văn gửi Sở VHTT Thừa Thiên - Huế đề nghị chấn chỉnh việc để hoạt động hầu đồng diễn ra trong khuôn viên một trường đại học.
"Căn cứ các quy định của luật Di sản văn hóa, Công ước 2003 Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO, đây là hoạt động làm sai lệch di sản khi đưa di sản ra biểu diễn ngoài phạm vi không gian thực hành của di sản, sử dụng các thành tố của di sản để trình diễn không đúng với bản chất và tính chất truyền thống của di sản", Cục Di sản văn hóa nêu.
Cục Di sản văn hóa lý giải điều này "vi phạm nguyên tắc về sự tôn trọng, bảo vệ tính thiêng, tập tục, kiêng kỵ của di sản và nguyên tắc đồng thuận trên cơ sở hiểu biết đầy đủ của cộng đồng chủ thể thực hành di sản".
Diễn xướng hầu đồng là một trong ba nội dung chính của Di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt - được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại từ năm 2016.
Ngày 6/8, Sở VHTT Thừa Thiên - Huế gửi văn bản phản hồi, khẳng định toàn bộ các hoạt động nghệ thuật trên chỉ phục vụ riêng cho các đại biểu là các nhà nghiên cứu tham dự hội thảo, được tổ chức trong khuôn viên ĐH Nghệ thuật Huế, không đưa ra phục vụ tại cộng đồng.
Lãnh đạo Sở cũng cho biết đã làm việc với ban tổ chức, nhà trường và nhóm nghệ nhân để rút kinh nghiệm.
Sở VHTT Thừa Thiên - Huế vẫn cho rằng đó chỉ là hoạt động “diễn giải di sản” trong một không gian hẹp để phục vụ cho một nhóm đối tượng hẹp là các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước dự hội thảo chứ không phải hoạt động “trình diễn di sản” để phục vụ công chúng trong không gian mở.
Quan điểm này của Sở VHTT Thừa Thiên - Huế lập tức gây ra nhiều tranh cãi. Một số nghệ nhân dự sự kiện khẳng định hoạt động này được đưa vào Chương trình tổng thể gửi kèm theo Giấy mời cho đại biểu, được ghi là “hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại chỗ”, không có chú thích hay khuyến nghị về việc giới hạn đối tượng công chúng (tại chỗ).
Sở VHTT Thừa Thiên - Huế không kiểm soát việc chia sẻ rộng rãi thông tin (truyền thông, livestream, đưa lên mạng xã hội…) nên "không thể nói là phục vụ một nhóm đối tượng hẹp là các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước dự hội thảo”.
Cần phân biệt rõ giữa thực hành tín ngưỡng và trình diễn di sản
Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Nguyễn Tất Kim Hùng - Phó chủ nhiệm CLB Bảo tồn tín ngưỡng thờ Mẫu hát văn Hà Nội - khẳng định hoạt động biểu diễn hầu đồng và trình diễn trang phục của các giá đồng trong di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở khuôn viên trường đại học tại Huế "gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới giá trị của di sản, làm sai lệch tín ngưỡng".
"Các nghi lễ, tín ngưỡng phải được thực hiện ở nơi cung đài, sở điện, nơi phụng sự tiên thánh Tứ phủ, Tam phủ. Không thể đem di sản lên sân khấu để thực hiện nghi lễ, trình diễn", NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng nói. Ông cho rằng việc gìn giữ di sản ở không gian thiêng không làm mai một giá trị vốn có của di sản.
Trước đó, ngày 21/7, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn về việc tăng cường quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Công văn nêu hiện tượng tổ chức các hoạt động văn nghệ có diễn xướng hầu đồng không đúng bản chất và không gian thực hành của di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, xâm phạm một số tập tục, kiêng kỵ và làm sai lệch giá trị của di sản văn hóa phi vật thể.
"Việc thực hành sai lệch di sản dẫn tới biến đổi giá trị di sản sẽ ảnh hưởng đến việc xem xét thông qua Báo cáo định kỳ quốc gia mà Việt Nam phải đệ trình Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 của UNESCO về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể, trường hợp nghiêm trọng có thể bị UNESCO xem xét, rút danh hiệu", công văn nêu rõ.
NNƯT Nguyễn Tất Kim Hùng cũng khẳng định việc biểu diễn hầu đồng trên sân khấu gây ảnh hưởng tới tính thiêng.
Ông không đồng tình với quan điểm của Sở VHTT Thừa Thiên - Huế cho rằng hoạt động biểu diễn hầu đồng ở trường đại học chỉ diễn ra trong không gian hẹp, để phục vụ cho một nhóm đối tượng hẹp là các nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài nước dự hội thảo.
"Những người tham dự hội thảo có thể chụp ảnh, ghi hình, thậm chí phát trực tiếp những hoạt động diễn ra trên sân khấu. Như vậy, đó không còn là hoạt động diễn giải di sản trong một không gian hẹp", nghệ nhân phân tích.
Ông cũng cho rằng địa phương không thiếu những không gian phù hợp là các đền, điện, phủ để mời chuyên gia tới nghiên cứu, đồng thời quảng bá di sản.
Nhà nghiên cứu, TS. Trần Hữu Sơn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng - nhấn mạnh rằng cấu trúc của di sản gồm có giá trị di sản, tính thiêng (nghi lễ tôn giáo tín ngưỡng) và các thành tố khác. Thực hành di sản phải được diễn ra ở không gian riêng, môi trường riêng như đền, đình, chùa…
"Di sản không thể tách rời môi trường, không thể đem đi khắp nơi biểu diễn, nhất là di sản thiêng", TS. Trần Hữu Sơn nói với Tiền Phong.
TS. Trần Hữu Sơn cho rằng nhiều chuyên gia, nhà khoa học hiểu biết chưa đúng về di sản nên thưởng thức di sản theo kiểu chắp vá. Di sản rời khỏi môi trường riêng chỉ còn là thành tố đơn lẻ, là "mảnh vụn". Như vậy, khi đưa di sản văn hóa lên sân khấu hay bối cảnh khác, đơn vị tổ chức không thể gọi đó là hoạt động trình diễn di sản, chỉ được gọi là hoạt động biểu diễn thành tố của di sản.
Cần phân biệt thực hành tín ngưỡng và trình diễn di sản Từ trường hợp của Sở VHTT Thừa Thiên - Huế, Cục Di sản văn hóa và một số chuyên gia nêu rõ cần nâng cao nhận thức về di sản văn hóa phi vật thể, đặc biệt là phân biệt rõ giữa thực hành tín ngưỡng và trình diễn di sản, giữa không gian thực hành văn hóa và không gian biểu diễn. Nhiều người còn nhầm lẫn giữa thực hành với trình diễn di sản, đặc biệt là di sản có yếu tố tâm linh. Chính vì thế một số địa phương, cá nhân vẫn tổ chức hoạt động biểu diễn chưa phù hợp với bản chất của di sản và mang tính “giải thiêng” di sản. Liên quan tới Liên hoan trình diễn di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại trong đó có Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ do Bộ VHTTDL chủ trì trong khuôn khổ Lễ hội Đền Hùng, Tuần Văn hóa - Du lịch Đất Tổ năm 2023, Cục Di sản văn hóa lý giải rằng Liên hoan được tổ chức trên tinh thần tuân thủ các nội dung quy định của Công ước 2003, đặc biệt là các Nguyên tắc đạo đức dành cho Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ban hành và tinh thần Luật Di sản văn hóa. "BTC lựa chọn các biểu hiện, thành tố của di sản văn hóa phi vật thể phù hợp với loại hình, phương án trình diễn, giới thiệu đúng với bản chất, nguyên tắc thực hành của mỗi di sản văn hóa phi vật thể, phù hợp với tên gọi, mục đích, ý nghĩa và yêu cầu của Liên hoan, đảm bảo nội dung, giá trị của di sản văn hóa phi vật thể không bị thực hành sai lệch”, Cục Di sản văn hóa nêu. |
Theo VTC