Sau nhiều lần trả hồ sơ, sáng 9.3, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu mở lại phiên tòa xét xử vụ làm nhái vỏ bia Sài Gòn. Đây là vụ án xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có bị cáo là pháp nhân đầu tiên.
Ông Lê Đình Trung tại tòa - Ảnh: TUYẾT MAI
Theo đó, ông Lê Đình Trung (56 tuổi, giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam) và pháp nhân Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (có trụ sở chính tại 264 Lê Thánh Tôn, phường Bến Thành, quận 1, TP Hồ Chí Minh) cùng bị truy tố về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp.
Sản xuất trước khi được bảo hộ
Theo hồ sơ vụ án, sau khi nghỉ việc ở SABECO, tháng 5.2019, ông Trung cùng với một số người thành lập Công ty CP Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam.
Ông Trung nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu bia Sài Gòn Việt Nam tại Cục Sở hữu trí tuệ và được cục này chấp nhận đơn hợp lệ đối với kiểu dáng công nghiệp ngày 15.7, đối với nhãn hiệu ngày 12.8.2019 và đăng công báo.
Dù chưa được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nhưng Công ty bia Sài Gòn Việt Nam đã đặt hàng cơ sở sản xuất bia BiVa (TP Bà Rịa) để sản xuất sản phẩm bia lon mang thương hiệu "Bia Saigon Vietnam" để bán ra thị trường với quy mô thương mại, cụ thể đã xuất ra thị trường 3.300 thùng bia cho 3 khách hàng, thu 578 triệu đồng.
Ngày 23.6.2020, cơ quan quản lý thị trường phát hiện hơn 4.700 thùng bia, 116.700 vỏ lon bia và 3.300 vỏ thùng bia mang nhãn hiệu "Bia Saigon Vietnam" tại cơ sở sản xuất bia Biva nên tạm giữ số tang vật và chuyển cơ quan công an thụ lý vì có dấu hiệu xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của SABECO.
Ngày 9.9.2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố vụ án và khởi tố bị can sau đó. Đến ngày 30.11.2020, Cục Sở hữu trí tuệ từ chối cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Bia Sài Gòn Việt Nam.
Chưa có thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng?
Một trong những vấn đề được HĐXX và các luật sư tập trung làm rõ là việc Bia Sài Gòn có phải là nhãn hiệu nổi tiếng hay không?
Trả lời câu hỏi của các luật sư, đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng không cần thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng. Thực tế cũng chưa có thủ tục đăng ký nhãn hiệu nổi tiếng và tại Cục Sở hữu trí tuệ cũng không có danh sách ghi nhận nhãn hiệu nào là nhãn hiệu nổi tiếng mà chỉ dựa vào quá trình sử dụng, nhãn hiệu này được người tiêu dùng biết đến rộng rãi.
Chủ tọa yêu cầu đại diện Cục Sở hữu trí tuệ làm rõ các tiêu chí cụ thể. Bởi nếu chỉ dựa vào việc người tiêu dùng biết đến nhãn hiệu thì tất cả các nhãn hàng đều cho rằng nhãn hàng của mình nổi tiếng.
Chủ tọa cũng dẫn quy định về hai quy trình để một nhãn hiệu được xem là nhãn hiệu nổi tiếng. Một là khi thông qua tố tụng dân sự (tức tòa án công nhận nhãn hiệu này là nổi tiếng), hoặc hai là theo quyết định của Cục Sở hữu trí tuệ.
Trước đó, trong văn bản trả lời tòa, Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng Bia Sài Gòn đủ điều kiện công nhận là nhãn hiệu nổi tiếng chứ không khẳng định Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể công nhận nhãn hiệu nổi tiếng bằng hình thức văn bản nào. Tuy nhiên, vị này vẫn khẳng định Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng.
Luật sư Phan Trung Hoài (bào chữa cho pháp nhân Bia Sài Gòn Việt Nam) cho rằng câu trả lời của đại diện Cục Sở hữu trí tuệ là mâu thuẫn. Bởi trước đó, Cục Sở hữu trí tuệ có văn bản phản hồi tòa án, trong đó cục cho rằng khi tòa giải quyết xong vụ án thì hồi đáp để cục biết kết quả giải quyết như thế nào để cục đưa nhãn hiệu này vào danh sách nhãn hiệu nổi tiếng.
Phiên tòa tiếp tục tranh luận.
Đề nghị phạt Công ty bia Sài Gòn Việt Nam 2-3 tỷ đồng Theo kết luận giám định sở hữu công nghiệp của Viện Khoa học sở hữu trí tuệ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, các dấu hiệu "Bia Saigon Vietnam và hình đứng, hình con rồng"... trên lon bia, trên thùng đựng bia của Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam là yếu tố xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu được bảo hộ của SABECO. Luận tội, đại diện VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Lê Đình Trung từ 600 - 800 triệu đồng, phạt pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam từ 2 - 3 tỷ đồng về tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp. |
Theo Tuổi trẻ