Bài thơ có hai nhân vật thật hiếu động là: bé và trăng. Bé dĩ nhiên là hoạt động chân tay liên tục rồi; còn trăng, trong con mắt bé, trăng cũng tung tăng cùng bé như hình với bóng vậy.
Thật ra, trong con mắt người lớn trăng được định vị đứng yên, nhưng với bé là một hiện tượng chuyển động vật lý đơn giản lại diễn ra tung tẩy: bé đi - trăng đi; bé đứng - trăng đứng; bé chạy - trăng chạy; bé ngồi - trăng ngồi. Nhưng phải thật trẻ con mới có nhận xét: Trăng đứng ngó, Trăng chạy thi. Đứng ngó là kiểu đứng thập thò như trò chơi trốn tìm, còn trăng chạy thi là một so sánh thú vị kiểu trẻ con thường thế, thích được thể hiện mình! Tôi hình dung nhà thơ Phạm Đình Ân đang tủm tỉm cười khi quan sát cái hoạt cảnh của hai nhân vật này, không có một nhận xét nào, anh chỉ đưa ra để dàn cảnh cho khổ thơ tiếp, lúc đó nhà thơ mới hóa thân vào con trẻ: “Đến khuya bé đi ngủ - Trăng theo vào giấc mơ”. Nhịp thơ lắng lại và được bay bổng bằng chất lãng mạn trong sáng: "Bé dìu trăng vỗ cánh - Bay giữa trời bao la". Ở đây chủ thể là con người, tuy bé nhỏ nhưng sức mạnh lớn lao biết bao "vỗ cánh" chinh phục cả vũ trụ. Chính chất thơ này trong giây phút ấy đã thăng hoa, say đắm nâng cánh trí tưởng tượng bay xa từ một hiện thực đời sống rất cụ thể. Vì thế, đôi lúc thơ viết cho thiếu nhi mà người lớn đọc vẫn thấy lay thức mình. Đó là cái tài của các thi sĩ. Khổ thơ cuối lại vẫn âm điệu ban đầu nhưng chính nó là điểm nhấn bất ngờ của bài thơ. Thành công hay không khi viết cho các em chính là kết thúc mang kịch tính này: "Thức dậy, bé ngơ ngác - Vội chạy đi tìm trăng". Một ngày mới đã đến, trăng đã biến mất trên nền trời đó là điều dĩ nhiên, nhưng với bé: "Trăng trốn đâu kỹ thế". "Trăng trốn" chứ không phải trăng biến mất; có nghĩa trăng là bạn chơi, một bạn chơi thật chứ không ảo, mới trốn, nghĩa là hy vọng còn tìm thấy giữa ban ngày. Một lời trách yêu với trăng và phụng phịu: "Để sân trời bỏ không?". "Sân trời" chứ không phải là vòm trời, bầu trời. Với bé, tất cả đều biến thành trò chơi! Mới mải miết đi tìm cái bạn Trăng đang "trốn đâu kỹ thế".
Nhà thơ Phạm Đình Ân có tài dựng cảnh và chuyển nhịp thơ nhanh để có kết mở, kích thích tò mò ham tìm hiểu của bé. Phải chăng đây cũng là một tiết học ngoại khóa sinh động không có trong sách vở nhà trường.
Trăng của bé Bé đi, trăng đi cùng |