Tranh phái sinh miêu tả Van Gogh ăn bánh mì, selfie trước Nhà thờ Đức Bà được Trần Trung Lĩnh triển lãm ở TP Hồ Chí Minh.
Triển lãm Van Gogh ở Sài Gòn (13-23.5) diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, giới thiệu 13 bứ vẽ của Trần Trung Lĩnh, phong cách pop-art (nghệ thuật đại chúng), lấy cảm hứng từ danh họa người Hà Lan.
Loạt tranh được chia thành nhiều chủ đề, như Van Gogh và những địa điểm, hàng quán nổi tiếng tại TP HồChí Minh, hay những phận đời mưu sinh. Ở nhiều bức, họa sĩ vẽ lại các tác phẩm nổi tiếng với ngữ cảnh, câu chuyện khác, phỏng theo phong cách của danh họa người Hà Lan. Chẳng hạn, bức Starry Night (Đêm đầy sao) - tranh Van Gogh năm 1889 - được vẽ thành cảnh tài xế xe ôm đang chờ khách, hay bức Sunflowers (năm 1888) có thêm phiên bản với hình ảnh bình hoa bên ly cà phê sữa đá.
Họa sĩ cho biết không sao chép ý tưởng, mà theo đuổi phong cách phái sinh - sử dụng các hình ảnh trong những tác phẩm nổi tiếng làm chất liệu để sáng tác. Nhiều danh họa từng theo phong cách này, như bức La Joconde của Mai Trung Thứ gợi nhớ đến tác phẩm Mona Lisa của Leonardo da Vinci.
Trần Trung Lĩnh cho biết cuối những năm 1990, từng dành cả ngày chép lại tranh các danh họa để mưu sinh khi học ngành mỹ thuật. Trong đó, nhiều bức của Van Gogh anh vẽ đến thuộc lòng. Dù bỏ công việc chép tranh để chuyên tâm sáng tạo, sau này nhìn lại, họa sĩ nhận ra những năm tháng ấy đã mang lại kinh nghiệm quý báu.
Cảm hứng vẽ bộ sưu tập mới đến vào một ngày anh lật từng trang sách tranh của các bậc thầy, mà cụ thể là Van Gogh. Khi đó, cảm giác nổi loạn với màu sắc trong Trần Trung Lĩnh trở lại. "Tôi nhận ra trước kia chưa hiểu đủ sự điên loạn trong tranh của ông. Màu cam, vàng đặc trưng đó khi đặt cạnh màu xanh tím sẽ tạo một nỗi khắc khoải cao độ mà lúc sinh viên không ai chỉ cho mình thấy được. Bởi nó là cảm giác, không phải bài học nào cả", họa sĩ nói.
Van Gogh sinh năm 1853 ở miền Nam Hà Lan, là con trai của một mục sư. Ông từng làm giáo viên, nhà truyền giáo trước khi bắt đầu theo đuổi hội họa năm 27 tuổi. Là tấm gương chăm chỉ, kiên trì với việc tự học, chỉ trong 10 năm, họa sĩ để lại hơn 900 bức tranh. Phong cách của ông chịu ảnh từ trường phái Ấn tượng, với các nghệ sĩ như Degas, Toulouse-Lautrec, Pissarro và Gauguin.
Ông tự kết thúc cuộc đời vào năm 1890 ở tuổi 37, sau nhiều năm chịu đựng các căn bệnh liên quan sức khỏe tinh thần. Khi chết, Van Gogh vẫn chỉ là một họa sĩ không mấy tên tuổi tại châu Âu, nhưng đến nay, tranh của ông nằm trong số các tác phẩm mỹ thuật đắt giá nhất thế giới. Một số bức nổi tiếng của danh họa gồm Hoa hướng dương, Chân dung Bác sĩ Gachet, Chân dung tự họa, Chân dung một phụ nữ trước cánh đồng lúa mì, Hoa diên vĩ. Theo trang Fad Magazine, từ thế kỷ 20, Van Gogh được công nhận là nghệ sĩ bậc thầy, người có sức ảnh hưởng đến lịch sử hội họa.
Trần Trung Lĩnh 45 tuổi, sinh tại Hội An. Sau khi rời quê nhà vào học Đại học Mỹ thuật TP HCM, anh theo nghề sáng tác tranh, tổ chức một số triển lãm trong nước và ở Bali (Indonesia). Trần Trung Lĩnh theo trào lưu hội họa pop-art, chịu ảnh hưởng của Andy Warhol và Damien Hirst. Năm 2013, Trần Trung Lĩnh dừng hoạt động triển lãm tranh để tập trung vào điện ảnh với các vai trò họa sĩ thiết kế, đạo diễn, viết kịch bản.
Theo VnExpress