“Tụt hạng” chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 không chỉ khiến các cấp lãnh đạo Hải Dương muộn phiền, mà còn ảnh hưởng tới cả người dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng và các đại biểu dự hội nghị đánh giá kết quả thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2022 do UBND tỉnh Hải Dương tổ chức chiều 21.4
Bởi họ hiểu rằng PCI giảm điểm tức là khoảng cách của sự phục vụ từ chính quyền tới người dân, doanh nghiệp rộng ra nếu tạm bỏ qua những nguyên nhân do khủng hoảng chính trị trong năm đó.
Dù so với tương quan cả nước, Hải Dương có 3 chỉ số tăng hạng, gồm gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai, dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, song so với chính chúng ta của năm 2021, trong 10 chỉ số thành phần, ngoại trừ chi phí gia nhập thị trường như đăng ký kinh doanh, xin cấp phép kinh doanh có điều kiện có sự cải thiện, 9 chỉ số còn lại đều giảm điểm.
Tức là khả năng tiếp cận các văn bản của địa phương, thông tin cần thiết cho hoạt động kinh doanh còn thấp; năng lực giải quyết vấn đề của các cơ quan nhà nước còn hạn chế; thời gian doanh nghiệp phải bỏ ra để thực hiện các thủ tục hành chính còn nhiều… Đặc biệt, sự công bằng trong ứng xử đối với doanh nghiệp ở các thành phần kinh tế chưa như kỳ vọng; còn tình trạng chi phí ngoài quy định, trở ngại từ những khoản phí này đã ảnh hưởng trực tiếp tới người dân, doanh nghiệp.
Buồn, nhưng Hải Dương đang nhìn thẳng hạn chế để tìm cách cải thiện, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm. Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện PCI vừa diễn ra đã thể hiện rất rõ tinh thần này.
Quan trọng nhất là yếu tố con người. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đã nhấn mạnh như vậy tại hội nghị này. Kỳ thực đúng như vậy. Tăng điểm cũng nhờ con người, giảm điểm cũng từ con người. Chi phí không chính thức từ đâu mà hình thành? Vì sao doanh nghiệp còn mất nhiều thời gian khi thực hiện thủ tục hành chính? Cải thiện năng lực của chính quyền trong giải quyết vấn đề thế nào nếu nhân lực thiếu trình độ?
Tạm bỏ qua một bên những phiếu khảo sát PCI, hãy hỏi trực tiếp doanh nghiệp, người dân, nhất là những doanh nghiệp siêu nhỏ, người dân nghèo, để lắng nghe họ nghĩ gì khi thực hiện những phần việc liên quan đến hành chính. Bao nhiêu người sẵn sàng nói rằng họ không cần “lót tay” để được giải quyết thủ tục nhanh hơn, dễ dàng hơn, ưu tiên hơn? Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế lớn từng khảo sát đầu tư tại Hải Dương, nhưng rồi họ lại đi, vì sao vậy? Thậm chí quy trình tiếp nhận dự án đầu tư, chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư, danh mục thu hút đầu tư của Hải Dương có thể nói còn sơ sài. Nhà đầu tư muốn tìm hiểu thì dựa vào đâu?
Đã đến lúc giảm dần việc thực hiện nhiệm vụ theo kiểu “tăng cường, đẩy mạnh, nâng cao, tiếp tục”. Phải thực sự coi thành công của người dân, doanh nghiệp là thành công của chính mình. Từ đó ai làm gì, thời gian thực hiện ra sao, sự phối hợp các cơ quan khác thế nào phải được cụ thể hoá và thực hiện tốt. Sớm ban hành Bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI).
Tuy nhiên, nói đi cũng nên nói lại, bởi số lượng phiếu thu về khi khảo sát chỉ chiếm hơn 1/5 số lượng phiếu đã phát ra. Điều này cũng có thể nói chỉ số PCI năm 2022 phần nào chỉ là những con số tương đối. Hơn nữa, kết thúc quý I vừa qua, Hải Dương đã ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng chung cả nước. Ấy là tín hiệu rất tích cực.
Với vị trí, vị thế, vai trò đã có của Hải Dương trên bản đồ kinh tế Việt Nam, mỗi cán bộ, công chức từ cấp cao nhất đến thấp nhất hãy nỗ lực thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, “tròn vai, đúng việc” như lời đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng đã nói, việc đến tay phải xử lý. Khi ấy một môi trường thực sự trong sạch, lành mạnh, hấp dẫn đầu tư sẽ rõ nét hơn nữa. Và đương nhiên, chỉ số PCI lúc ấy sẽ thăng hạng, mỗi khi nhắc đến Hải Dương, bất kỳ nhà đầu tư, doanh nghiệp hay người dân nào cũng đồng tình rằng đây là một địa điểm đáng đầu tư, đáng sống.
SONG TƯỜNG (TP Hải Dương)