Nhiều chủ cơ sở sản xuất hương ở làng nghề hương Đông Thôn vẫn chưa yên tâm khi sản phẩm của họ chưa được đăng ký bản quyền...
Xưởng bắn tăm, cuộn thuốc của anh Nguyễn Công Hùng
Hơn 30 cơ sở sản xuất hương là hơn 30 thương hiệu của làng nghề hương truyền thống Đông Thôn (xã Quốc Tuấn, Nam Sách) giờ đã có chỗ đứng vững vàng trên thị trường. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của làng nghề, người dân nơi đây đang phải trăn trở với những khó khăn về việc bảo vệ thương hiệu và mong muốn có nơi sản xuất tập trung để giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Bà Vũ Thị Hương, 70 tuổi (mẹ anh Nguyễn Công Hùng - chủ cơ sở sản xuất hương Đức Hùng), đã hơn 50 năm gắn bó với nghề cho biết: “Làm hương trước đây vất vả vì làm bằng phương pháp thủ công; công sức mất nhiều nhưng lời lãi chẳng được là bao, gặp tiết trời đẹp thì còn đỡ, chứ chẳng may trời đổ mưa dầm thì bỏ hết cả mẻ hương. Bây giờ nhàn hơn nhiều, cơ bản sử dụng máy móc, từ máy nghiền hương liệu, máy bắn tăm, cuộn thuốc, đến cả máy sấy phòng khi tiết trời xấu”.
Cũng theo bà Hương, để có nén hương nhỏ, đều, chắc, không rạn nứt, thơm mùi đặc trưng của “thương hiệu” thì ngoài kỹ thuật pha chế hương liệu theo công thức gia truyền thì người làm hương phải chú ý đến việc chọn tăm. Tốt nhất là tăm lấy từ cây tre bánh tẻ, bỏ cật (tuyệt đối không được để mốc), sau đó mới cho vào máy bắn cuộn thuốc. Hương phải đem phơi nắng (trường hợp bất đắc dĩ mới phải dùng đến máy sấy), nắng càng to hương càng thơm và cháy đều. Cơ sở sản xuất của gia đình bà mỗi năm sử dụng khoảng 20 tấn tăm, 25 tấn củ hương bài, 8 tấn quế, 4 tấn hồi… Trừ tất cả các khoản chi phí, gia đình thu lãi trên 200 triệu đồng.
Tham quan xưởng đóng gói của anh Nguyễn Công Hùng, hơn chục công nhân bịt khăn mặt, đeo khẩu trang tránh bụi đang miệt mài làm việc. Chị Dương Thị Hiền chia sẻ với chúng tôi: “Lấy chồng về làng đã được hơn chục năm cũng là chừng ấy năm tôi gắn bó với nghề làm hương. Làm nghề này không nặng nhọc, chỉ cần sự cần cù và cẩn thận là được”.
Đông Thôn có 350 hộ dân, hầu như nhà nào cũng có người tham gia làm hương, tập trung ở 30 cơ sở sản xuất lớn. Mỗi cơ sở tạo công ăn việc làm thường xuyên cho từ 15 - 30 lao động, mỗi lao động thu nhập bình quân hằng tháng từ 2,5 - 4 triệu đồng, nhiều cơ sở doanh thu hằng năm đạt gần chục tỷ đồng. Những thương hiệu hương quen thuộc như Đức Hùng, Đức Thọ, Tuấn Nghĩa, Xứng Hiến, Thu Hiền đã được thị trường trong nước và Việt kiều nhiều nước như Nga, Mỹ, Pháp, Xinh-ga-po, Thái Lan, Mi-an-ma… tin dùng. Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, đến nay, nghề làm hương vẫn là nghề hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển kinh tế của mỗi gia đình. Tuy nhiên, hiện nay, nghề hương ở Đông Thôn đang đứng trước không ít khó khăn. Đó là người dân chưa có nơi sản xuất tập trung dẫn đến ô nhiễm môi trường (rác thải, khói, bụi hương liệu, tiếng ồn) và nạn làm nhái thương hiệu ảnh hưởng đến uy tín của làng nghề.
Bà Nguyễn Thị Vĩnh, cơ sở sản xuất hương Đức Thọ là một trong những cơ sở sản xuất lớn nhất của làng. Từ đầu năm đến nay, cơ sở này đã đạt doanh thu trên 1 tỷ đồng. Bà Vĩnh cho biết, khuôn viên gia đình bà rộng hơn 500 m2 trong khi quy mô sản xuất ngày càng tăng. Gia đình phải tận dụng tối đa mặt bằng, thậm chí phải đem hương ra hè đường để phơi. Làm ngày chưa hết thì phải làm cả đêm, tiếng máy rì rầm ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm, láng giềng, đấy là chưa kể đến bụi, khói, mùi hương… Bà Vĩnh cho biết thêm, hiện nay trên thị trường xuất hiện rất nhiều hương “nhái” các thương hiệu của hương Đông Thôn, trong đó có thương hiệu Đức Thọ. Dù gia đình đã nhiều lần làm đơn xin đăng ký bản quyền nhưng Cục Sở hữu trí tuệ không đăng ký với lý do trùng với thương hiệu đã có. Cách giải thích của họ cũng có lý, nhưng bây giờ thay đổi thương hiệu thì quả là một vấn đề không đơn giản. Thay đổi thương hiệu, điều đó cũng giống như việc phải làm lại từ đầu.
Tạo được thương hiệu, có chỗ đứng uy tín trên thị trường, tăng thu nhập cho người lao động là việc khó mà người dân làng nghề đã làm được. Nhưng để giải tỏa những khó khăn trên thì cần có sự giúp đỡ của lãnh đạo, chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng.
NGUYỄN HỒNG PHA