"Trần tình" là một trong những làn điệu chèo rất trữ tình, đặc sắc giãi bày thế sự.
Nghệ sĩ Ưu tú Thu Huyền (Nhà hát Chèo Hà Nội ) trong vai Thị Phương hát điệu "Trần tình" (trong vở Trương Viên) rất cảm xúc
Nhiều lần trong các buổi giao lưu chèo không chuyên, khán giả đều rơi nước mắt khi xem vở chèo "Trương Viên” có một làn điệu Thị Phương hát nghe rất giàu cảm xúc. Đó là cảnh nàng cùng mẹ chồng lưu lạc tha hương hành khất, đàn hát mưu sinh, bỗng được mời về hát cho một vị tướng quân nghe, giải sầu. Từ đấy mà mẹ con, vợ chồng đoàn tụ sau 18 năm ly biệt.
Tôi biết đó là làn điệu “Trần tình”, một tiếng chèo đặc sắc giãi bày nỗi niềm oan trái.
Theo “Từ điển tiếng Việt” của giáo sư Nguyễn Lân, thì “trần” là bày tỏ, “tình” là tình cảm. Trần tình là bày tỏ nỗi lòng, nỗi oan ức...
Chúng ta đều biết, âm nhạc nghệ thuật chèo rất phong phú, có những làn điệu biểu hiện trạng thái vui vẻ, rộn ràng như "Hồi tiếu", "Lão say", "Sắp dựng", "Dương xuân"; có khi miêu tả nỗi buồn tủi, xót thương lại có điệu "Sử rầu", "Ba than", "Vãn cầm", "Vãn theo" và "Trần tình".
Vậy tính chất làn điệu trần tình là để giãi bày nỗi lòng, nỗi oan ức với bề trên. Để biểu cảm chức năng ấy, các soạn giả thường cho nhân vật hát đơn ca, thật hiếm thấy điệu trần tình đồng ca tập thể. Bởi hát đơn ca cũng là để diễn viên khoe giọng.
Trương Viên quê đất Võ Lăng, lấy Thị Phương, người con gái của Tể tướng đã nghỉ việc quan. Chàng được nhạc phụ cho học hành để về kinh thành thi cử, nhưng đất nước có giặc, Trương Viên nhận chiếu vua sai đi dẹp giặc giữ nước...
18 năm binh lửa bời bời, xóm làng tan hoang, gia đình ly tán, Thị Phương đã dắt mẹ chồng lưu lạc chạy giặc cũng là để tìm chồng. Hai mẹ con trải muôn vàn hiểm nguy và rập rình cái chết. Thoát nanh vuốt quỷ lại bị hổ dữ đòi ăn thịt, Thị Phương xẻo thịt nơi cánh tay để cứu mẹ chồng. Nàng còn dâng đôi mắt mình để Sơn Thần làm thuốc chữa bệnh cho mẹ, để rồi chịu cảnh mù mịt tối tăm…
Người con hiếu đễ ấy đã làm cảm động trời xanh, nàng được Chúa Tiên dạy nghề đàn hát, kiếm sống qua ngày.
Thắng trận, Trương Viên trở về quê cũ tìm mẹ già và người vợ yêu thương, nhưng gia đình ly tán, bặt vô âm tín. Trong lúc buồn chán, chàng sai quân lính cho mời mẹ con người hát xẩm vào trướng hát để giải khuây. Thị Phương bấy giờ đã mù lòa sống trong tăm tối. Nàng hát, kể chuyện đời mình, khổ đau gian nan, tha hương nuôi mẹ chồng qua một làn điệu buồn thảm, xót xa, ai oán.
Bài hát ấy, bắt nguồn từ những câu thơ lục bát phá thể, nhưng cô đọng lại trong 12 câu, tràn đầy cảm xúc, đã giãi bày sự tình lưu lạc 18 năm. Bài hát ấy, các nghệ nhân đặt tên là "Trần tình", để phân biệt với các làn điệu khác.
Từ những lời ca chân thực và xúc động, Trương Viên đã nhận ra vợ và mẹ sau bao năm ly biệt. Kỳ diệu thay, giữa cảnh hội ngộ đầy xúc động và hạnh phúc ấy, đôi mắt lòa của Thị Phương sáng lại như xưa.…
Đây là lời ca của làn điệu trần tình trong vở chèo cổ Trương Viên (chưa có từ đệm): "Quê người chồng tôi ở đất Võ Lăng/Vua sai dẹp giặc băng chừng xa khơi/Bởi vì đâu binh lửa bời bời/Tôi đành dắt mẹ tới nơi lâm tuyền/Gặp loài ác thú hổ lang/Người đòi ăn thịt, kêu van lại lành/Trở ra về tới miếu thần linh/Người đòi khoét mắt, lòng thành tôi kính dâng/Bởi thế cho nên mù mịt tối tăm/Học nghề đàn hát kiếm ăn qua ngày/Nuôi mẹ chồng, cắt thịt cánh tay/ Chàng Trương Viên có biết đến nông nỗi này cho chăng?".
Toàn bộ bài hát có 12 câu thơ lục bát biến thể, các nghệ nhân đã viết thêm một số từ vào để thêm rõ nghĩa và cho phù hợp với câu nhạc. Ví dụ, nguyên thể thơ lục bát chỉ là: "Chồng tôi ở đất Võ Lăng/ Vua sai dẹp giặc băng chừng xa khơi". Để đủ cho nhịp, người ta cho thêm 2 chữ, thành "quê người chồng tôi ở đất Võ Lăng".
Dễ dàng nhận ra nhất là ở câu kết: "Nuôi mẹ chồng, cắt thịt cánh tay/ Chàng Trương Viên có biết đến nông nỗi này cho chăng?". Vốn là 2 câu thơ lục bát chỉ có 14 chữ, đã được phá thể thành 18 chữ .
Kết cấu làn điệu "Trần tình" có: trổ mở đầu, trổ thân bài và trổ kết. Trong thân bài lại có tới 4 trổ nhắc lại: 1, 2, 3, 4.
Tại sao có hiện tượng nhắc lại nhiều thế ? Vì đây là khúc tự tình giãi bày tâm trạng nhân vật nên thường được phát triển với nhiều lớp ý. Nếu bài hát ngắn sẽ không thể hiện hết tâm trạng, không diễn tả hết ý của nhân vật. Đồng thời cũng làm cho người nghe được thỏa mãn với nội dung cần biểu đạt.
12 câu hát theo điệu “Trần tình” có phảng phất giai điệu hát xẩm. Cũng vì đặc điểm của làn điệu buồn thảm, ai oán, giãi bày, kể lể, cho nên các diễn viên phải hát chậm rãi, biểu đạt tình cảm sâu lắng, chứ không thể hát nhanh, hát dồn dập như các làn điệu vui tươi, nhí nhảnh. Cũng bởi thế nên các soạn giả ít khi soạn ca lẻ. Chỉ khi nào trong vở chèo có tình tiết cần phải bày tỏ nỗi niềm, nỗi oan ức… thì mới sử dụng làn điệu "Trần tình".
"Trần tình" là một trong những làn điệu chèo rất trữ tình, đặc sắc giãi bày thế sự. Đó là những viên ngọc quý trong kho tàng văn học dân gian và nghệ thuật truyền thống nước nhà.
KHÚC HÀ LINH