Nhiều người biết Trần Đăng Khoa là một "thần đồng" thơ, nhưng có lẽ ít người biết nhà thơ có thời mang quân hàm xanh với chiếc mỏ neo thân thuộc. Đấy là những năm thập niên 80, thế kỷ XX, Trần Đăng Khoa ở Phòng Tuyên huấn, Bộ Tư lệnh Hải quân. Anh có dịp đi nhiều vùng biển Tổ quốc, đến nhiều đơn vị hải quân, từ những hạm đội, hải đoàn đến những đảo xa ngoài Cát Bà và tận quần đảo Trường Sa. Hầu như đến đâu anh cũng có thơ, chỉ lướt một số đầu bài cũng có thể thấy điều đó: "Ghi ở đảo chìm", "Chiều Cát Bà", "Lính đảo hát tình ca trên đảo", "Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn". Đặc biệt, bài "Thơ tình người lính biển" được nhiều người ưa thích, thuộc lòng, nhất là sau khi được phổ nhạc.
Bài thơ được viết với âm hưởng dạt dào thương nhớ, nhưng cũng rất chủ động, tự tin, đúng là của một thanh niên phơi phới sức xuân và luôn có ý thức làm chủ cuộc đời.
Anh lính hải quân chia tay cô bạn gái (hay người yêu) để xuống tàu làm nhiệm vụ bảo vệ biển trời thân
Thơ tình người lính biển
Anh ra khơi Mây treo ngang trời những cánh buồm trắng Phút chia tay anh dạo trên bến cảng Biển một bên và em một bên...
Biển ồn ào, em lại dịu êm Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía Biển một bên và em một bên...
Ngày mai, ngày mai khi thành phố lên đèn Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc Biển một bên và em một bên...
Đất nước gian lao chưa bao giờ bình yên Bão táp chưa ngưng trong những vành tang trắng Anh đứng gác. Trời khuya. Đảo vắng Biển một bên và em một bên...
Vòm trời kia có thể sẽ không em Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ Cho dù thế thì anh vẫn nhớ Biển một bên và em một bên...
TRẦN ĐĂNG KHOA
|
yêu của Tổ quốc. Trước lúc đi xa, hẳn là có người bạn gái ra tận cầu tàu bến cảng tiễn chân. Một tình cảm thật đẹp, lưu luyến đấy, nhưng cũng rất hiểu nhau, thông cảm cho nhau về nhiệm vụ người bạn trai gánh vác. Thế nên, phút chia tay hai người dạo trên bến cảng mà như không biết xung quanh có gì, anh chỉ thấy biển cả mênh mông, trong xanh vời vợi, ở đó là nhiệm vụ đang chờ anh phía trước, và ngay kề bên là... em thôi: "Biển một bên và em một bên...". Đúng là chỉ có "em" và "biển" khi chàng trai ý thức được trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc tiếp bước cha anh bảo vệ Tổ quốc, cũng chính là bảo vệ tình yêu, hạnh phúc lứa đôi. Thơ kiệm lời mà gợi mở, ý tứ sâu xa. Chỉ một câu "Biển một bên và em một bên..." được nhà thơ nhắc đi nhắc lại tới năm lần, và cả năm lần ấy đều được đặt ở cuối khổ thơ, kèm theo chấm lửng (ba chấm) như không bao giờ dừng, là một dụng ý nghệ thuật đắc địa. Giữa câu thơ đắc địa ấy là những câu giả tưởng tình huống, qua đó bày tỏ tâm trạng, nỗi niềm, cả ý chí, nghị lực và quan niệm của tuổi trẻ giữa tình yêu và nghĩa vụ đối với Tổ quốc. Anh lính biển rất đỗi yêu thương, trân trọng người bạn gái, có thể là mối tình đầu, nhưng cũng ý thức rõ tình yêu chỉ thực sự đến với họ một khi chính anh làm tròn bổn phận người thanh niên đối với Tổ quốc. Đấy chính là lòng tự hào của tuổi trẻ, của tình yêu đã qua thử thách. Tình yêu chỉ đẹp khi biết đặt nó giữa cuộc đời, giữa ý thức công dân của tuổi trẻ đối với Tổ quốc. Một khi xác định được như thế, thì dù ở đâu cũng thấy có em yêu kề bên như hình với bóng. Khi ở trên bờ:
Phút chia tay anh dạo trên bến cảng
Biển một bên và em một bên... Cả hai phía biển và em ấy, anh đều thấy rất rõ sự dịu dàng, kín đáo đến tinh tế ở em, và cũng như thấy con tàu đang lắng nghe tiếng sóng, hay tiếng cười nói dịu dàng, êm ái của em:
Biển ồn ào, em lại dịu êm
Em vừa nói câu chi rồi mỉm cười lặng lẽ
Anh như con tàu lắng sóng từ hai phía
Biển một bên và em một bên...Đúng là sóng của biển và sóng của nỗi nhớ em lúc nào cũng cồn cào, dào dạt trong anh. Nghiêng bên nào anh cũng thấy nhớ, thấy yêu em, nhưng anh không muốn (hay không thể) để tình yêu thương em khỏa lấp nhiệm vụ của tuổi trẻ, nên anh chia đều tình yêu thương cho cả hai em nhé. Thế nên, lúc nào và ở đâu cũng thấy: "Biển một bên và em một bên...", dẫu tàu anh có rơi vào hoàn cảnh nào thì anh vẫn không thấy cô độc, bởi quanh anh luôn luôn có biển trời, đồng đội và em - đất liền, như tiếp thêm ma lực cho tàu anh lao nhanh về phía trước:
Tàu anh buông neo dưới chùm sao xa lắc
Thăm thẳm nước trời nhưng anh không cô độc.Và đến cả cái hoàn cảnh éo le như thế này, nếu chẳng may anh rơi vào (bởi điều đó đâu hoàn toàn không thể có ở một đất nước bốn mùa hết bão giông lại gió mùa rình rập):
Vòm trời kia có thể sẽ không em
Không biển nữa. Chỉ mình anh với cỏ.Nếu phải thế, thì như người xưa nói: dẫu chết cũng không thể xa nhau, anh vẫn thấy có em; và ngược lại, em cứ tin là nhất định sẽ có anh:
Cho dù thế thì anh vẫn nhớ
Biển một bên và em một bên...Thủy chung son sắt đến thế là cùng. Một tình yêu chín trong sắc nắng biển trời và trong ý niệm. Bài thơ đẹp hài hòa, trang trọng giữa tình yêu lứa đôi và tình yêu Tổ quốc, giữa ham muốn cá nhân và trách nhiệm công dân lồng vào nhau, hòa làm một. Thơ giàu sức gợi mở, sâu lắng, gạn lọc đến từng câu chữ. Mỗi khổ thơ hàm chứa một ý tưởng như những đợt sóng dồn lên đỉnh sóng tình yêu. Ngay cả tình yêu ở đây cũng được hiểu với một khái niệm rộng, chứ không thể chỉ là tình yêu đơn thuần đôi lứa. Bài thơ rất giàu chất nhạc, có lẽ vì thế nên nhiều người thuộc, nhất là câu "Biển một bên và em một bên...", như lời tâm niệm của những đôi trai gái mỗi khi tạm xa nhau. Phải có một tình yêu người lính biển thế nào mới có thể viết được những câu thơ như thế.
CAO NĂM