Sau 100 năm thành lập, TP Hải Dương đã có bước phát triển mạnh mẽ, hướng tới trở thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn và hiện đại.
Tên gọi thành phố Hải Dương đã có lịch sử 100 năm. Trong ảnh: Những địa điểm nổi tiếng của thành phố như Công viên Bạch Đằng năm 1970, sông Sặt ngày nay, cầu vượt qua quốc lộ 5, Quảng trường Độc Lập những năm bao cấp và bản đồ TP Hải Dương khi thành lập (ở giữa)
Từ một trấn lỵ cổ phong kiến, kinh tế tự cấp tự túc, một thành phố hình thành sơ khai những năm đầu thế kỷ XX, sau 100 năm thành lập (1923 - 2023), TP Hải Dương đã chuyển mình mạnh mẽ.
Là công dân TP Hải Dương, mỗi ngày chúng ta đều nhắc tới hoặc đi qua rất nhiều địa danh của Hải Dương xưa cũ, những Đông Thị - Đông Kiều, Cổng Chông - Hào Thành, Tam Giang - Gốc Mít, Hàng Đồng – Hàng Bạc… Song mấy ai, nhất là thế hệ trẻ biết được nó hình thành ra sao, phát triển thế nào. Không biết có bao người biết xứ Đông - Thành Đông - Hải Dương… có tự bao giờ, từ đâu?
“Xứ Đông” nghe thật thân thương, nhưng ngay chỉ một từ “xứ” thôi đã khó cắt nghĩa. Theo Từ điển tiếng Việt, "xứ" có nghĩa là khu vực địa lý có chung một số đặc điểm tự nhiên hoặc xã hội nào đó và giáo xứ. Bỏ qua nghĩa thứ hai, tức “xứ” trong giáo xứ là gọi tắt của một xứ đạo, đơn vị cơ sở của Giáo hội Công giáo, thì “xứ” theo nghĩa thứ nhất được hiểu là “nơi, chỗ, chốn…”, tức là chỉ bất kỳ một địa điểm nào đó khi xét về mặt không gian địa lý. “Xứ” cũng có nghĩa là xứ sở, quê hương.
Khu vực ngã ba Tam Giang ngày nay
Ngược dòng lịch sử, năm 1490 (năm Canh Tuất), vua Lê Thánh Tông (1442-1497) cho định lại bản đồ cả nước, gồm 13 (đạo) xứ thừa tuyên, sau gọi tắt là “xứ”. Riêng các phần đất quanh kinh thành Thăng Long còn được gọi là “tứ trấn”, bao gồm: Trấn Sơn Tây (hay xứ Đoài - tỉnh Hà Tây cũ), trấn Sơn Nam (hay xứ Sơn Nam - tỉnh Nam Định, Hà Nam), trấn Kinh Bắc (hay xứ Kinh Bắc - tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang) và trấn Đông Hải chính là xứ Đông. Xứ Đông khi đó là một vùng đất rộng lớn, bao gồm toàn bộ diện tích tỉnh Hải Dương, TP Hải Phòng ngày nay và một phần tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên. Xứ Đông có hai mặt phía đông, phía bắc giáp biển. Có lẽ chính vì thế mà đến nay người Hải Dương vẫn mang trong mình chút tính cách của người miền biển: chất phác, gắn bó với quê hương, vẫn “ăn sóng, nói gió”, có tấm lòng chân thật, sống chan hòa, gần gũi với thiên nhiên và con người.
Sau nhiều lần mở rộng, thành phố đến nay có diện tích trên 111 km2. Trong ảnh: Quảng trường Thống Nhất
Trong tứ trấn và các xứ, thì trấn Đông Hải - xứ Đông rất quan trọng, không chỉ chiếm phần lớn vùng đồng bằng trù phú, dân cư đông đúc mà nơi đây còn án ngữ, bảo vệ kinh thành từ xa vì trước đây đường thủy là chủ đạo, các hướng tấn công của kẻ thù Đại Việt đều đến từ hướng này. Các đồn binh, thành quách phòng ngự được dựng nên nhiều ở nơi đây, vừa là trấn lỵ hành chính (dinh), vừa là nơi đồn trú quân binh. Khoảng trước năm 1740, trấn lỵ của Hải Dương ở dinh Lệ (Mặc Động, Chí Linh) sau dời về dinh Dậu (Mao Điền, Cẩm Giàng). Năm 1804, trấn lỵ Hải Dương chuyển từ Mao Điền về tổng Hàm Giang. Vị trí được chọn dựng thành ở tổng Hàm Giang là mảnh đất giáp ranh giữa Cẩm Giàng và huyện Thanh Lâm (Nam Sách), gần ngã ba sông Hàm Giang, nay là sông Thái Bình và sông Kẻ Sặt, mà hồ Bạch Đằng ngày nay chính là một nhánh sông Hàm Giang bị người Pháp đắp chặn 2 đầu làm đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và quốc lộ 5 mà thành.
Trường Nam tiểu học nay là Trường Tiểu học Tô Hiệu
Người khởi sự việc chuyển thành từ Mao Điền về Hàm Giang, lập nên Thành Đông, tiền thân TP Hải Dương phải kể công lớn của Trấn thủ Trần Công Hiến. Là Trấn thủ Hải Dương lúc bấy giờ, cùng nhận xét, góp ý của danh sĩ Phạm Đình Hổ (người xã Đan Loan, huyện Đường An, Hải Dương) và quan chức địa phương, ông nhận thấy mảnh đất “cận giang” này thuận lợi cho công, thủ, giao thương và phát triển lâu dài. Tháng giêng năm Giáp Tý (1804), năm Gia Long thứ 3, nhân chuyến kinh lý ra Bắc của vua Gia Long, ông cho động thổ xây thành. Lúc đầu, với mục đích xây dựng Thành Đông thành một pháo đài quân sự (phương pháp phòng thủ đặc trưng thời phong kiến), nhà Nguyễn không ngừng tôn tạo, hoàn thiện Thành Đông với thành cao, hào sâu. Và điều khiến tôi cảm thấy nuối tiếc là đến nay không còn dấu tích nào của Thành Đông hiện hữu. Chúng ta đã không giữ gìn, bảo tồn, phục dựng được dù chỉ là một đoạn tường thành, dấu ấn về Thành Đông chỉ còn chập chờn qua những bức ảnh.
Phố Mạc Thị Bưởi ngày nay
Những năm sau, Đông Kiều phố được hình thành với các giáp (đơn vị dân cư cũ) trải dài dọc theo sông Kẻ Sặt (sông Bạch Đằng ngày nay), thị dân từ các nơi đến buôn bán, kinh doanh, làm nghề thủ công ngày càng đông, dáng dấp của một đô thị dần xuất hiện. Đó là cơ sở để ngày 12.12.1923, Toàn quyền Đông Dương M.Merlin ban hành nghị định thành lập TP Hải Dương. Trải qua bao thăng trầm, đô thị Hải Dương đã có 100 năm hình thành và phát triển.
Ngã tư Nhà máy Xay
Trong trăm năm ấy, sự khởi đầu phải thừa nhận rằng, người Pháp đã có công đặt những viên gạch đầu tiên cho sự hình thành đô thị Hải Dương. Tuy nhiên, dưới sự chiếm đóng, cai trị và để khai thác thuộc địa, Thành Đông bị phá bỏ xây dựng Nhà máy Rượu, Nhà máy Chai, thành phố ngoài vài tòa dinh thự của người Pháp, người Hoa và cơ sở công nghiệp, thương mại thì các đường phố, hạ tầng đô thị chưa được đầu tư, xây dựng. Theo báo cáo của Công sứ Hải Dương Bouchet về TP Hải Dương giai đoạn 1923 - 1927, thì “Hải Dương chỉ là một cái làng lớn, bùn lầy, nước đọng...”. Thành phố lúc này một phía được giới hạn bởi sông Kẻ Sặt từ ngã ba Tam Giang đến Quảng trường Thống Nhất ngày nay, phía tây giới hạn bởi đường Nguyễn Trãi, Mạc Thị Bưởi; phía bắc được giới hạn bởi một đường thẳng kéo từ Trường Nam tiểu học (Trường Tiểu học Tô Hiệu) đến ngã tư Nhà máy Xay; phía đông từ ngã ba Tam Giang đến Trường Nam tiểu học. Cũng trong thời gian Pháp chiếm đóng, chính quyền bảo hộ đã có 3 lần mở rộng không gian đô thị vào các năm 1927, 1929 và 1943. Người Pháp cũng tổ chức quy hoạch đô thị với các tuyến đường giao thông, các phân khu chức năng nhưng đa phần không thực hiện được.
Sau ngày giải phóng thành phố 30.10.1954, nhất là sau khi được nâng cấp là đô thị loại III (năm 1997), loại II (năm 2009) và loại I (năm 2019), TP Hải Dương phát triển thực sự “bùng nổ”. Sau nhiều lần mở rộng, thành phố đến nay có diện tích trên 111 km2 với nhiều khu công nghiệp, khu dân cư hiện đại, những ngôi nhà cao tầng và những con đường, cây cầu dài rộng.
Bản đồ TP Hải Dương khi thành lập (năm 1923), dấu tích Hào thành quanh Thành Đông còn hiện rõ
Từ một trấn lỵ cổ phong kiến, kinh tế tự cấp tự túc, một thành phố hình thành sơ khai những năm đầu thế kỷ XX, sau 100 năm thành lập (1923 - 2023), TP Hải Dương phát triển chuyển mình thành đô thị xanh, thông minh, thân thiện, an toàn và hiện đại, là một trong 19 đô thị loại I trực thuộc tỉnh của cả nước. Hải Dương – một tên gọi được dùng từ năm 1469, có nghĩa là ánh sáng từ miền duyên hải chiếu vào đang ngày càng toả sáng.
NGUYỄN TRƯỜNG THẮNG
Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch