Trầm lắng và tiếp tục “rớt” giá

05/01/2013 22:26

Thị trường nhà ở trong năm 2013 được dự báo sẽ tiếp tục trạng thái “ngủ đông” và trầm lắng hiện tại.


Ảnh minh họa. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)


Thậm chí giá chào bán căn hộ còn tiếp tục giảm nếu Chính phủ không thực thi những giải pháp ưu đãi nhằm giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của thị trường.

Đây là một trong những đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản nói chung và thị trường nhà ở nói riêng của Knight Frank trong năm 2013.

Theo các nghiên cứu của công ty này, trong quý cuối năm 2012, thị trường căn hộ để bán tại Hà Nội tiếp tục có lượng giao dịch thành công thấp. Nhiều dự án căn hộ bán đã giảm giá đáng kể, đặc biệt đối với các dự án thuộc phân khúc trên trung cấp. Giá bán đã giảm trung bình ở mức từ 5% đến 15% so với giá công bố trước đây.

Knight Frank cũng dự đoán hầu hết các giao dịch sẽ vẫn tập trung vàophân khúc bình dân, là phân khúc được cả người mua để ở và nhà đầu tưhiện quan tâm nhiều nhất.

Để “kích cầu,” các chủ đầu tư đã phải đưa ra một loạt các loại hình chiết khấu thông qua các gói khuyến mại như du lịch nước ngoài, tặng đồ nội thất, tặng chỗ để xe hơi, quà tặng hoặc giảm trực tiếp trên giá bán. Điều này được thị trường đón nhận khá tích cực và được xem là dấu hiệu tốt để đưa giá bất động sản trở về giá trị thực.

Tuy nhiên, việc giá căn hộ để bán đang chững lại cũng làm gia tăng tâm lý chờ đợi của những người có nhu cầu mua nhà để ở khi dự báo của các chuyên gia bất động sản cho rằng thị trường sẽ còn chứng kiến giảm giá thêm trong năm 2013. Phần lớn các giao dịch trong quý này đều thuộc phân khúc bình dân từ 10 triệu đồng/m2 đến 22 triệu đồng/m2 với diện tích căn hộ nhỏ từ 45 – 70m2 tập trung ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Việc nới lỏng tín dụng ngân hàng và giảm lãi suất ít có tác động lên thị trường. Lãi suất ưu đãi cho vay mua căn hộ hiện chỉ được áp dụng trong thời gian ngắn, sau đó được điều chỉnh theo đúng lãi suất trên thị trường, do đó đã không hấp dẫn được khách hàng.

Sơn Bách(Vietnam+)

(0) Bình luận
Trầm lắng và tiếp tục “rớt” giá