Quốc tế

Trải nghiệm xem bóng đá trong im lặng ở Paralympic 2024

T.H (theo VnExpress) 03/09/2024 17:37

Khán giả theo dõi bóng đá mù và bóng ném lục lạc (goalball) như tham dự một lớp học cách im lặng và tạo âm thanh cổ vũ ở Paralympic 2024.

Một nhóm khán giả ra dấu im lặng trong trận goalball giữa Pháp và Mỹ tại Paralympic 2024. Ảnh: AP
Một nhóm khán giả ra dấu im lặng trong trận goalball giữa Pháp và Mỹ tại Paralympic 2024

Trước mỗi trận đấu, loa phóng thanh vang lên lời nhắc nhở đám đông huyên náo, bằng tiếng "suỵt". Thế rồi, còi khai cuộc vang lên. Khán giả lặng im, và chỉ một tiếng động nhỏ nhất cũng có thể vang vọng khắp sân đấu.

Không khí như vậy là điều khó tưởng tượng trong hầu hết các địa điểm thi đấu thể thao vận động bình thường. Nhưng là bình thường ở hai môn thể thao im lặng dành cho các VĐV khiếm thị tại Paralympic, là bóng đá mù năm người diễn ra ở sân Tháp Eiffel, và goalball tại nhà thi đấu Nam Paris.

Khi một giác quan suy giảm chức năng, các giác quan khác sẽ hoạt động tăng cường. Ở đây, khi không có thị giác, âm thanh sẽ đóng vai trò trung tâm giúp VĐV có thể thi đấu.

Cả hai môn thể thao đều dùng quả bóng có gắn lục lạc hoặc chuông báo hiệu, để VĐV biết vị trí. Họ hét lên với nhau khi di chuyển trên sân, còn khán giả được yêu cầu kiềm chế sự phấn khích cho đến khi quả bóng ra khỏi sân, hoặc có bàn thắng được ghi. Năng lượng của người hâm mộ được thể hiện bằng sự tập trung tối đa vào diễn biến trên sân.

Nhưng các VĐV vẫn cảm nhận được sự hiện diện của khán giả. Cầu thủ bóng đá mù người Brazil Jeferson Goncalves cho biết anh và đồng đội cảm thấy đám đông phản ứng với mọi khoảnh khắc. "Chúng tôi vẫn cảm nhận được năng lượng trên sân", anh nói với hãng tin AP.

Khán giả Pháp 18 tuổi Jade Sidot thấy thú vị khi bóng đá mù đòi hỏi sự tập trung cao độ hơn xem bóng đá thường. Nhưng nhiều người hâm mộ chưa quen và cảm thấy khó khăn trước các quy tắc. Lúc này, vai trò của bình luận viên tại sân được đề cao. Khi muốn giảm sự căng thẳng, họ nói "tiếng ồn" để cho phép khán giả nói chuyện và tăng âm lượng cổ vũ.

Trên và dưới khán đài, các tình nguyện viên sẽ cầm những tấm biển khác nhau. Khi cần yên tĩnh, tấm biển có chữ "xin hãy im lặng" được giơ lên. Còn khi là tấm biển "sôi động lên", đó là chỉ dẫn tạo động lực cho khán giả reo hò cổ vũ. Nhưng kể cả khi được bật đèn xanh, sự bối rối là điều không thể tránh khỏi với đám đông.

Tình nguyện viên cầm bảng có nội dung xin hãy im lặng tại nơi tổ chức goalball Paralympic 2024. Ảnh: AP
Tình nguyện viên cầm bảng có nội dung "xin hãy im lặng" tại nơi tổ chức goalball Paralympic 2024

"Rất hài hước vì tôi nghĩ mọi người sợ hãi, không biết khi nào nên cổ vũ", VĐV goalball người Mỹ Eliana Mason nói với AP. Trong khi đó, Calahan Young – một VĐV goalball khác và là chồng Mason – cho biết, khi mọi thứ đều im lặng thì sẽ hô "cổ vũ thôi", vì anh biết rõ khi nào có thể và khi nào không cổ vũ.

Khán giả Hà Lan Jamie Koudijs mô tả tiếng reo hò, vỗ tay sẽ to hơn bình thường, khi đám đông được phép cổ vũ. "Chúng tôi cũng đang trong trận đấu như VĐV", anh cho hay. "Chúng tôi đều cổ vũ như điên, như thể nói rằng bạn đã làm được, vì các VĐV không thể nhìn thấy những gì họ làm".

Khi đám đông không yên lặng đúng lúc, các cầu thủ sẽ mất phương hướng. Nhưng Jeferson Goncalves lạc quan rằng, đám đông sẽ quen với các quy tắc về tiếng ồn và tự tìm hiểu thêm khi môn bóng đá mù ngày càng phổ biến. Người hâm mộ thì đồng tình với luận điểm "im lặng là tôn trọng", không chỉ đối với các cầu thủ mà còn với chính bóng đá mù hay goalball.

Trận goalball giữa Mỹ và Pháp tại Paralympic 2024. Ảnh: AP
Trận goalball giữa Mỹ và Pháp tại Paralympic 2024
Trận chung kết bóng đá mù giữa Brazil và Argentina tại Paralympic Tokyo 2020. Ảnh: AP
Trận chung kết bóng đá mù giữa Brazil và Argentina tại Paralympic Tokyo 2020

Goalball được phát minh vào năm 1946, như một phương pháp hỗ trợ phục hồi chức năng cho những cựu chiến binh khiếm thị trong Thế chiến 2. Sau đó, nó dần trở thành một môn thể thao, rồi được đưa vào tranh huy chương tại Paralympic từ năm 1976.

Các VĐV phải đeo kính che mắt do có người chơi không phải mù hoàn toàn. Hai đội, với mỗi bên ba người, sẽ cố gắng ném quả bóng có gắn chuông vào khung thành đối phương. Sân thi đấu có kích thước tương đương bóng chuyền.

Trong khi đó, bóng đá mù ban đầu dành cho trẻ em tại các trường dành riêng cho người khiếm thị. Đến Athens 2004, môn thể thao được đưa vào Paralympic, với luật thi đấu gần giống futsal. Khác biệt là tất cả cầu thủ, trừ thủ môn, đều bị bịt mắt. Quả bóng được cải tiến để tạo ra âm thanh như tiếng chuông kêu. Cầu thủ sẽ nói một số thuật ngữ để người chơi khác biết vị trí của họ.

T.H (theo VnExpress)
(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trải nghiệm xem bóng đá trong im lặng ở Paralympic 2024