Ngày 10/9, lần đầu tiên 3 thiếu nhi của Hải Dương cùng hơn 200 thiếu nhi cả nước trong vai đại biểu Quốc hội dự phiên họp giả định "Quốc hội trẻ em" tại hội trường Diên Hồng.
Trở về từ phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em" lần thứ I, em Lê Phúc Huy (Trường THCS Chu Văn An, TP Chí Linh) rất vui và tự hào khi là một trong 3 thiếu nhi đại diện cho tỉnh Hải Dương tham dự phiên họp lần này.
Được bầu làm tổ phó của tổ thảo luận diễn ra vào chiều 9/9, Huy có nhiệm vụ ghi chép lại ý kiến của các thành viên trong tổ. Các thành viên trao đổi tích cực, sôi nổi về vấn đề “Phòng chống tai nạn thương tích, bạo lực, xâm hại, trẻ em” và “Bảo vệ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng". Mỗi bạn đều có những quan điểm riêng, phù hợp với tâm lý lứa tuổi và đặc điểm vùng miền. Các ý kiến thảo luận tại tổ được tổng hợp và trình bày trong phiên toàn thể.
Phúc Huy chia sẻ: “Tham gia phiên họp giả định lần này, em có cơ hội quen thêm nhiều bạn mới, học hỏi nhiều điều từ các bạn. Đặc biệt, em còn được gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và nhiều vị lãnh đạo khác. Đây là một trải nghiệm rất quý giá đối với em".
Từng là Liên đội trưởng Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, hiện là lớp trưởng một lớp ở Trường THCS Lê Quý Đôn (TP Hải Dương), em Nguyễn Ngọc Minh Hải rất tự tin đến với phiên họp giả định lần này. Tại phiên thảo luận tổ chiều 9/9, Minh Hải đã tham luận về tình trạng bạo lực học đường hiện nay, nguyên nhân và giải pháp khắc phục. Em nêu một số ví dụ từng được báo chí nhắc đến về bạo lực học đường, bạo lực trẻ em và chỉ ra một trong những nguyên nhân là nhà trường chưa giám sát chặt chẽ, vẫn còn hình phạt nhẹ tay với những trường hợp tham gia bạo lực. Đồng thời, em cũng đề xuất về những lớp kỹ năng sống trong nhà trường.
Vui sướng, tự hào cũng là cảm xúc của em Vũ Thị Kim Ngân (Trường THCS Minh Hòa, Kinh Môn) khi được tham gia phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần này. Cô học trò lớp 6 có chút bỡ ngỡ khi gặp nhiều bạn bè, anh chị mới từ nhiều vùng miền khác nhau trên cả nước. Tuy nhiên, Ngân nhanh chóng hòa nhập và tâm sự rằng, sau 2 ngày trải nghiệm làm đại biểu quốc hội, em đã học hỏi được nhiều từ những ý kiến của các anh chị, trang bị thêm những kiến thức, giải pháp về bảo vệ trẻ em. “Em được gặp rất nhiều anh chị giỏi, có ý kiến sắc bén, lập luận chặt chẽ. Cá nhân em thấy cần cố gắng học hỏi, trau dồi nhiều hơn nữa”, Ngân nói.
Cả Phúc Huy, Minh Hải và Kim Ngân đều là những thiếu nhi tiêu biểu của tỉnh Hải Dương, từng giành nhiều giải thưởng tại các cuộc thi lớn như Olympic tiếng Anh trên Internet, Đấu trường Toán học VioEdu, Đại sứ văn hóa đọc…. Ở trường học, các em có kết quả học tập, rèn luyện tốt, tích cực tham gia công tác Đội và các hoạt động xã hội. Cả 3 em đều cho rằng trẻ em có vai trò quan trọng trong sự phát triển của xã hội, là mầm non tương lai của đất nước. Vì vậy, phiên họp lần này tạo môi trường, cơ hội cho trẻ em nói lên tiếng nói của mình về những vấn đề liên quan đến trẻ em.
Trước đó, các em đã được dâng hương tại Tượng đài Bắc Sơn và vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm Tòa nhà Quốc hội và tham quan phòng truyền thống, bảo tàng Quốc hội Việt Nam, trải nghiệm vẽ tranh dân gian Đông Hồ… Đây là những trải nghiệm rất quý giá của tuổi học trò.
Phiên họp giả định “Quốc hội trẻ em” lần thứ I, năm 2023 do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội đồng Đội Trung ương phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức tại Hà Nội từ ngày 9 - 10/9 với sự tham gia 263 đại biểu trẻ em và 64 đại biểu phụ trách đến từ 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Chương trình nhằm thực hiện Luật Trẻ em năm 2016, cụ thể hóa chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021 - 2030; tiếp tục triển khai thực hiện các hoạt động thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em.
LINH LINH