Du lịch trải nghiệm từ lâu không còn xa lạ với những người thích khám phá. Ở tỉnh ta, loại hình du lịch trải nghiệm đồng quê đã và đang được nhiều du khách quan tâm.
Khách nước ngoài trải nghiệm đi xe đạp ở đảo Cò (Thanh Miện)
Khách Tây tập làm nông dân Việt
Giữa tháng 4, thông qua Vietfarmtrip (công ty chuyên về trải nghiệm du lịch đồng quê ở Hà Nội), một đoàn khách Đan Mạch đã có chuyến du lịch thú vị tại làng Hòa, xã Vĩnh Hòa (Ninh Giang). Trong bộ trang phục của người nông dân, đoàn khách Đan Mạch thích thú cưỡi trâu ra đồng, tát nước bằng gàu. Dưới sự trợ giúp nhiệt tình của anh Nguyễn Xuân Hưng, hướng dẫn viên du lịch, cũng chính là người con quê hương Vĩnh Hòa, chị Karen hào hứng lội xuống mương và cưỡi lên lưng trâu. “Lúc đầu, tôi thấy hơi sợ nhưng sau đó thì quen dần. Ngồi trên lưng trâu đi thong dong trên những cánh đồng lúa bát ngát là một cảm giác rất tuyệt vời. Làng quê của các bạn thật đẹp và yên bình”, chị Karen nói.
Tham gia tour du lịch trải nghiệm đồng quê Hải Dương của Vietfarmtrip, du khách còn được tìm hiểu, khám phá và tham gia hàng loạt hoạt động của nông dân nơi đây như cuốc đất trồng rau, tát nước, hái rau, câu cá, nấu ăn, đạp xe quanh làng… Anh Danish, một du khách Đan Mạch cho biết: “Tôi vừa được thử tát nước bằng gàu trên cánh đồng lúa. Tôi rất thích các hoạt động trải nghiệm ở đây, cảm giác rất gần gũi và thân thiện”. Anh Danish cũng nói rằng ở đất nước Đan Mạch của anh rất khó để tìm được những cảnh làng quê như ngôi làng này vì mọi người sản xuất nông nghiệp trong nhà kính và sử dụng máy móc.
Từ năm 2018, nhiều người đã chọn vùng cà rốt xã Đức Chính (Cẩm Giàng) là điểm check in, du lịch trải nghiệm. Dải bãi bồi xinh đẹp rộng hàng chục ha nằm cạnh sông Thái Bình này cách trung tâm TP Hải Dương không xa. Nhiều gia đình, trường học đã tổ chức cho học sinh, con em tham quan cánh đồng, tham gia chăm sóc, thu hoạch cà rốt ở đây. Chị Nguyễn Thanh Dung ở phường Quang Trung (TP Hải Dương) cho biết dịp cuối năm vừa qua, gia đình chị tổ chức cho các con đi du lịch trải nghiệm vùng trồng cà rốt xã Đức Chính và tham quan mô hình làm gốm tại Công ty CP Gốm sứ Chu Đậu (Nam Sách). “Được trực tiếp nhổ những củ cà rốt xanh tươi, cắt lá, đóng bao, các cháu rất thích. Sau khoảng 30 phút trải nghiệm, các cháu phần nào hiểu được người nông dân phải vất vả thế nào mới có được thành quả như vậy”, chị Dung nói.
Dịp này, cô và trò Trường Tiểu học Thượng Vũ (Kim Thành) đã có một ngày du lịch thú vị tại Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng) và đảo Cò (Thanh Miện). Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hằng năm, trường đều tổ chức cho các em tham quan, trải nghiệm tại các vùng quê, làng nghề khác nhau trong tỉnh như vùng vải Thanh Hà, đảo Cò, gốm Chu Đậu, HTX Chăn nuôi thủy sản ở Kim Thành… Thông qua hoạt động trải nghiệm làm gốm, bẻ vải, cho cá ăn, bắt cá… các em hiểu thêm về cuộc sống của người nông dân, biết yêu lao động và yêu các di tích, danh thắng của quê hương mình”.
Cơ hội phát triển
Việc ngày càng có nhiều du khách tìm đến các tour du lịch trải nghiệm là cơ hội lớn cho du lịch đồng quê Hải Dương phát triển. Tỉnh ta có các sản vật rất phong phú, là điều kiện thuận lợi để phát triển các sản phẩm du lịch trải nghiệm. Tại thị trấn Ninh Giang, dù không phải ngày nghỉ lễ nhưng rất đông khách đến tham quan, chiêm bái đền Tranh, sau đó thử làm bánh gai tại một số cơ sở sản xuất. Ở đây, khách được tìm hiểu quy trình làm bánh từ khâu chọn gạo, chọn đỗ, xay bột, làm nhân, gói bánh… Anh Nguyễn Xuân Hưng, hướng dẫn viên du lịch Vietfarmtrip cho biết: "Tháng nào tôi cũng đưa khách về Ninh Giang. Tới đây, chúng tôi dự định sẽ mở thêm một số tour về các vùng quê khác trong tỉnh như Thanh Hà, Kinh Môn…”.
Tại Thanh Hà, vào mùa vải, mỗi ngày địa phương đón hàng trăm lượt khách tới tham quan, bẻ vải, chụp ảnh. Chị Nguyễn Hoài Thương ở phố Vương Chiêu (TPHải Dương) cho biết: “Vụ vải năm trước tôi và nhóm bạn tham gia chuyến du lịch tại xã Thanh Bính. Không chỉ được thăm vùng vải giữa những ngày hè, chúng tôi còn được tự tay bẻ vải, thưởng thức vải tươi ngay tại vườn và nhiều món ăn đặc sản nơi đây như cà ra, rươi, cá sông… Mùa vải tới, nhất định tôi sẽ trở lại".
Theo một số doanh nghiệp lữ hành, mô hình du lịch gắn kết trải nghiệm hoạt động sản xuất nông nghiệp, cuộc sống ở nông thôn đang là hướng đi mới hút khách. Tuy nhiên, xu hướng này còn manh mún, chưa chuyên nghiệp. Hầu hết các điểm đến mới chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan. Việc ăn uống, nghỉ ngơi, hoạt động cho khách trải nghiệm còn hạn chế. Do đó, chi tiêu của khách đến các điểm còn rất ít… Để nhân rộng mô hình du lịch trải nghiệm đồng quê, các cấp, các ngành cần sớm có giải pháp, mục tiêu cụ thể để đánh thức tiềm năng, đón lấy cơ hội.
TRƯƠNG HÀ