Trách nhiệm với người nằm xuống

05/08/2018 11:04

Thực hiện tốt công tác lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập để thân nhân các liệt sĩ được an ủi, sự hy sinh của họ được Tổ quốc ghi nhận là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền và nhân dân.

Lễ truy điệu các liệt sĩ sau khi quy tập ở xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ)

Còn mộ liệt sĩ còn quy tập

Những ngày tháng 7 vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh luôn bận rộn. Là người lính thời bình, không có những giây phút đối mặt với đạn bom khốc liệt song họ đang mang trách nhiệm lớn lao với các đồng đội đã ngã xuống. Trung tá Nguyễn Quang Mạnh, Trưởng Ban Chính sách (Bộ CHQS tỉnh) cho biết: Với phương châm "còn thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, còn tổ chức tìm kiếm, quy tập", trong những năm qua việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong công tác thực hiện chế độ chính sách của tỉnh.

Cho chúng tôi xem những bức ảnh tại xã Cẩm Phúc (Cẩm Giàng), anh Mạnh cho biết đây là nơi mà các cán bộ của Bộ CHQS tỉnh vừa tổ chức một chuyến khảo sát thực địa sau khi có thông tin nơi này có mộ phần của 6 liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ chống Pháp. Theo thông tin của ông Nguyễn Văn Tân, đại tá quân đội đã nghỉ hưu ở xã Tân Trường (Cẩm Giàng) và một số người dân ở thôn Phúc Cầu, xã Cẩm Phúc, vào khoảng đầu năm 1947, Trung đoàn 44, Liên khu 3 (giờ là Quân khu 3) được lệnh đánh quân Pháp tiến từ Hải Phòng lên Hà Nội. Trận đánh ác liệt diễn ra trên địa bàn xã Cẩm Phúc gây cho ta một số tổn thất, trong đó có 6 chiến sĩ hy sinh. Sau trận đánh, các chiến sĩ hy sinh đã được nhân dân địa phương chôn cất chu đáo. Hiện các ngôi mộ đều nằm ngoài nghĩa trang, chưa được quy tập. Trong 6 ngôi mộ trên hiện chỉ còn một ngôi có văn bia ghi tên Vũ Mạnh Lư, quê ở thôn Chương, xã Lam Sơn (Thanh Miện), còn lại đều vô danh. Các mộ phần nằm trong đất của một số gia đình nên vẫn được nhân dân địa phương hương khói. Từ các thông tin trên, Bộ CHQS tỉnh đã cử cán bộ phối hợp với địa phương xuống thực địa để nắm bắt. Đồng thời có công văn gửi vào đơn vị của các chiến sĩ này để xác minh với mong muốn những người nằm xuống sẽ sớm được về với gia đình và được công nhận chế độ chính sách.

Trong cuộc đời quân ngũ của mình, thượng úy Lê Xuân Thạo (Bộ CHQS tỉnh) đã nhiều lần tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Có lúc anh cùng đồng đội lặn lội ăn gió nằm sương 2 tháng trên đất bạn Lào để tìm kiếm, quy tập hài cốt các liệt sĩ. Đợt đó, đã có 7 hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện được các anh đưa về với người thân.

Cán bộ chiến sĩ Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh quy tập hài cốt các liệt sĩ ở xã Nguyên Giáp 

Kỷ niệm khiến anh nhớ nhất là đợt cùng đồng đội dầm mưa rét quy tập 9 hài cốt liệt sĩ chống Pháp ở thôn An Thổ, xã Nguyên Giáp (Tứ Kỳ) vào đầu năm nay. Từ thông tin của thân nhân liệt sĩ, cán bộ Bộ CHQS tỉnh đã gặp nhân chứng là người chôn cất các liệt sĩ còn sống, chính quyền, nhân dân địa phương để thu thập và xác định được ngày 3.1.1954, thực dân Pháp chở 14 tù binh là các cán bộ, du kích, chiến sĩ cách mạng của ta từ nhà tù Hải Dương ra nhà tù ở Hải Phòng. Khi xe đi đến địa bàn thôn An Thổ thì bị trúng mìn. 3 tù binh bị thương và 11 tù binh hy sinh. Sau khi sự việc xảy ra, binh lính Pháp trong đoàn áp giải và từ bốt An Thổ gần đó đã tới mang số lính Pháp bị chết và bị thương về Ninh Giang. Số tù binh là các chiến sĩ của ta hy sinh bị quân Pháp bỏ lại bên đường. Do là vùng bị Pháp tạm chiếm nên sau khi quân Pháp rút, nhân dân thôn An Thổ đã chôn cất những tù binh này tại gò Bồ Súng.

Anh Thạo nhớ lại: "Sau khi làm xong các thủ tục cần thiết, ngày 7.1.2018, đội tiến hành cất bốc, quy tập. Ngoài anh em trong đội quy tập còn có gần 300 cán bộ, chiến sĩ, dân quân làm nhiệm vụ san lấp mặt bằng. Trời mưa rét, nhiệt độ xuống 9 độ C. Trong các ngày quy tập, các cán bộ, chiến sĩ dựng lều bạt ăn nghỉ ngay tại hiện trường. Sau hơn một ngày đào cuốc, đội đã tìm thấy hài cốt liệt sĩ thứ nhất".

Hôm đó, địa phương bố trí hai cụ cao niên có kinh nghiệm tham gia cất bốc hài cốt liệt sĩ cùng đội. Thế nhưng do các cụ không được khỏe nên anh Thạo đã xung phong được cất bốc, tắm rửa cho các liệt sĩ. "Do đã có kinh nghiệm trong công tác quy tập, từng nhiều lần cất bốc cho người thân nên tôi chỉ suy nghĩ đơn giản mình làm vì trách nhiệm và tri ân người đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc", anh Thạo nói. Trong những ngày rét mướt đó, anh Thạo và đồng đội dùng bay cạy tỉ mỉ từng mảnh sành, nắn từng hòn đất để tìm kiếm các phần hài cốt. Ngày kế tiếp, đội cất bốc được 4 hài cốt liệt sĩ. Các ngày sau, toàn bộ 9 hài cốt các liệt sĩ được quy tập theo đúng phong tục truyền thống.

Trong quá trình khai quật, đã không ít lần các chiến sĩ đội quy tập ức nghẹn khi chứng kiến hài cốt các liệt sĩ còn nguyên cùm ở phần xương chân. Có hài cốt còn có dấu vết bị trói tay bằng dây thừng. Khi cất bốc liệt sĩ số 9, phần xương đùi bị đế bê tông của cột điện trùm lên, anh em phải chui vào dùng bay đục cạy từng mảng bê tông lấy ra. Sau quy tập, giờ các liệt sĩ đã được an nghỉ trong nghĩa trang liệt sĩ xã Nguyên Giáp. 

Nhiều gia đình liệt sĩ sẽ tìm được người thân



Tháng 3 vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đã chỉ đạo tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ. Đây là nội dung quan trọng của Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013.

Trung tá Nguyễn Quang Mạnh cho biết qua 5 năm triển khai đề án, rất nhiều thông tin về liệt sĩ, mộ phần liệt sĩ trên địa bàn tỉnh đã được ghi nhận đầy đủ, chi tiết. Đặc biệt, năm 2017 Ban Chỉ đạo quốc gia 1237 đã chọn Hải Dương và Quảng Bình làm điểm thực hiện lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ để nhân rộng toàn quốc. Tỉnh ta đã chọn 19 thôn thuộc 4 xã Việt Hồng, Hồng Lạc (Thanh Hà) và Đức Xương, Đoàn Thượng (Gia Lộc) để triển khai. Sau khi phát 4.000phiếu lấy ý kiến, đã thu được 228 phiếu có thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ. Qua các bước xác minh, kiểm đếm đã kết luận tại 4 xã trên có 82 liệt sĩ hy sinh, trong đó đã tìm kiếm, quy tập được 81 liệt sĩ. Từ làm điểm tại hai huyện, Bộ CHQS tỉnh đã cung cấp thông tin giúp gia đình hai liệt sĩ ở các tỉnh Hòa Bình, Thanh Hóa tìm được mộ phần người thân.

Coi lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ là nhiệm vụ quan trọng đối với người có công, Ban Chỉ đạo 1237 của tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ đến các địa phương. Đến nay, tất cả 12huyện, thị xã, thành phố đã tập huấn về rà soát, xác minh, thu thập thông tin cho cán bộ các cấp. Việc lập bản đồ, tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ tại các địa phương sẽ được thực hiện theo 4 cấp. Theo đó, đến hết tháng 7, thực hiện xong việc rà soát, xác minh thu thập thông tin, điều tra thực địa, đối chiếu, chuẩn hóa thông tin về liệt sĩ và mộ liệt sĩ, kết luận thông tin nơi hy sinh, chôn cất ban đầu của liệt sĩ, kiểm đếm, lập danh sách mộ liệt sĩ trong nghĩa trang liệt sĩ địa phương, mộ liệt sĩ hiện do gia đình quản lý tại khu mộ gia đình trên địa bàn. Trước tháng 8, tổ chức kết luận địa bàn cấp thôn; giữa tháng 9 xong ở cấp xã; trước ngày 10.11 xong ở cấp huyện; cấp tỉnh xong trong năm nay. Tỉnh cũng phấn đấu cuối năm nay có 60% số xã, phường, thị trấn; 30% số huyện hoàn thành lập bản đồ; các đơn vị còn lại xong trong quý I.2019.

Theo thống kê, hiện số lượng mộ liệt sĩ vô danh đang nằm ở các địa phương trong tỉnh khá nhiều, nhất là các liệt sĩ giai đoạn chống Pháp. Qua công tác lập bản đồ sẽ nắm rõ thông tin nơi hy sinh, chôn cất liệt sĩ ban đầu, tổng số mộ liệt sĩ đã tìm kiếm quy tập, số lượng, khu vực, vị trí mộ liệt sĩ chưa được tìm kiếm quy tập trên từng địa bàn… để đưa vào phần mềm quản lý. Trước kia khi gia đình tổ chức tìm kiếm phần mộ các liệt sĩ thường gặp rất nhiều khó khăn do thiếu thông tin. Sau khi việc lập bản đồ hoàn tất, thân nhân liệt sĩ chỉ cần liên hệ với ngành lao động, thương binh và xã hội sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin, giúp nhiều gia đình liệt sĩ có cơ hội tìm được phần mộ người thân.

NGỌC HÙNG

Qua hơn 5 năm triển khai Đề án 1237 về tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, Hải Dương đã rà soát, hoàn thiện hồ sơ, danh sách 3.826 liệt sĩ của đơn vị, địa phương báo cáo về Cục Chính sách, Tổng cục Chính trị (Bộ Quốc phòng) để chuẩn hóa số liệu, thông tin. Kiểm tra, xác minh, bổ sung, chuẩn hóa thông tin và gửi lại cho 20 đơn vị 3.803 liệt sĩ. Rà soát, phân tích bổ sung cung cấp thông tin 195 liệt sĩ thuộc 26 tỉnh, thành phố hy sinh trên địa bàn tỉnh Hải Dương. Tiếp nhận danh sách 4.214 liệt sĩ quê Hải Dương hy sinh tại các tỉnh, thành phố gửi về cấp huyện, xã để cung cấp cho thân nhân liệt sĩ...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Trách nhiệm với người nằm xuống