Chiều tối, anh Vân đang ngồi xem ti vi thì nghe tiếng chuông báo tin nhắn ở điện thoại. Anh với tay mở máy đọc tin, mặt thoắt cau lại đầy giận dữ, anh cất tiếng gọi con trai.
Thằng Lâm vừa từ trên gác chạy xuống, anh Vân đã đứng phắt dạy dí sát chiếc điện thoại vào mặt nó và quát lên:
- Mày học hành thế này à? Học không lo học lại lo đánh nhau để cô giáo nhắn tin về. Đến là nhục nhã vì con!
Chị Hậu bước vội từ dưới bếp lên và bảo chồng:
- Anh hay thật đấy! Chưa gì đã ầm ầm lên. Phải hỏi con xem đầu cua tai nheo thế nào đã chứ!
- Còn hỏi cái gì nữa, nó đẩy con người ta ngã vỡ đầu kia kìa! - anh Vân gầm lên.
Chị Hậu giật mình, quay sang hỏi con:
- Chết, sao con lại dại vậy? Con làm thế có ngày nguy hiểm đến tính mạng của bạn đấy! Giờ theo mẹ đến nhà thăm bạn, xin lỗi bạn và gia đình đã rồi về bố mẹ sẽ nói chuyện với con.
- Con không đi! Con không phải xin lỗi nó. Ai bảo nó đẩy con trước! - Lâm vùng vằng nói.
Anh Vân nóng mắt, ngứa tai lại quát thượng lên:
- Mày ngang ngược vừa thôi! Mày phải làm gì nó nó mới đẩy chứ! Làm con người ta bị thương lại còn không biết lỗi. Có đi với mẹ mày đến nhà bạn ngay không hả?
Không biết do mẹ dỗ dành hay do bố quát mắng inh ỏi mà sau đó thằng Lâm cũng chịu lên xe để mẹ chở sang nhà bạn. Thì ra, hai thằng xô xát là do trêu đùa nhau trên Facebook quá lời.
Khi về nhà, chị Hậu phân tích cho con thấy tác hại của việc trêu đùa bạn một cách quá đáng có thể dẫn đến những kết cục không hay. Chị còn nói rõ lợi, hại của việc sử dụng mạng xã hội cho con hiểu. Chị đang thủ thỉ với con thì anh Vân bảo:
- Cô nói nhiều thế làm gì? Cắt hết mạng đi. Thu điện thoại lại là yên hết.
- Ô hay, anh đúng là… Thời buổi nào rồi mà anh còn lạc hậu vậy? Con nó học lớp mười rồi. Bé bỏng gì nữa mà cấm đoán.
Nghe chị Hậu nói vậy, anh Vân nóng mặt tắt phụt ti vi đi và nhấn mạnh từng tiếng:
- Các cụ nói có sai đâu. Con hư tại mẹ. Nếu cô không nuông chiều nó thì hôm nay đã không phải muối mặt sang nhà người ta xin lỗi rồi! Đừng có để đến lúc nó hỏng thì hối không kịp đâu!
Chị Hậu đã định lên tiếng nhưng rồi lại thôi vì thấy chồng đang rất bực tức và mẹ chồng chị đang ngồi uống nước ngay gần đó. Chị Hậu vừa khuất sau cánh cửa phòng bếp thì nghe tiếng mẹ chồng nói chuyện với chồng chị. Chị lo lắng lắm, sợ bà lại về hùa với anh thì chị không biết sẽ phải dạy con ra sao.
Trước nay, chị đã nhiều lần bị chồng quát mắng, cằn nhằn, đổ lỗi vì anh cho rằng chị không biết dạy bảo con. Tự dưng chị thấy mệt mỏi vô cùng. Khi chị bê mâm cơm lên nhà thì thấy anh Vân bất mãn nói với mẹ:
- Mẹ ơi, việc tề gia nội trợ là của đàn bà. Việc dạy dỗ con cái là của người vợ trong gia đình. Với lại thằng cu Lâm nó cũng không thích trò chuyện, tâm sự với con!
Mẹ chồng chị ân cần bảo:
- Việc dạy dỗ con cái là của cả hai vợ chồng. Đừng đổ hết lên đầu vợ. Nó cũng đi làm như con mà về nhà còn phải làm bao nhiêu việc không tên nữa. Còn thằng Lâm nó không thích trò chuyện, tâm sự với con vì con có bao giờ tỏ ra muốn gần gũi với nó đâu nào.
Bà khuyên anh Vân không được to tiếng với vợ trước mặt con cái. Rồi bà còn nói:
- Theo mẹ, những lúc vợ con đang dọn dẹp, cơm nước thì con nên trò chuyện tâm sự với thằng Lâm, dạy dỗ nó học hành. Con trai tuổi này rất cần người bố chỉ bảo. Chứ mẹ thấy con cứ rảnh ra là ngồi ôm điện thoại, ti vi. Vô tình con đang tự biến mình thành một tấm gương xấu cho con nó bắt chước đấy!
Anh Vân im lặng một lúc lâu rồi cố nói:
- Cũng tại con nhiều việc quá! Với lại xưa nay con vẫn thấy mẹ một tay nuôi dạy chúng con mà có phải phiền đến bố con đâu ạ!
- Bố con ngày trước là bộ đội, đóng quân tận biên giới, mẹ phiền ông ấy có được không? Con quên là cả một thời thơ ấu, con luôn ao ước được vui chơi, học tập cùng bố mà không được đấy thôi.
Nghe mẹ phân tích có tình, có lý, xem chừng anh Vân đã hiểu ra, anh cất tiếng gọi con trai xuống ăn cơm và trong suốt bữa ăn, anh trò chuyện với con rất vui vẻ.
Còn chị Hậu, chị thấy vui hơn bao giờ hết và trong lòng thầm cảm ơn mẹ chồng của mình. Nhờ có bà mà chồng chị đã hiểu ra một điều tưởng đơn giản nhưng lại vô cùng quan trọng: Trách nhiệm dạy con là của cả hai vợ chồng chứ không phải của riêng ai.
TRẦN THÙY LINH