Trách nhiệm công dân góp ý sửa đổi Hiến pháp

25/04/2013 16:25

Mỗi người cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, không nên làm cho xong, hay im lặng, lảng tránh...


Sau hơn ba tháng tổ chức lấy ý kiến nhân dân góp ý vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân, cả nước đã tổ chức 28.140 cuộc hội thảo, hội nghị, đã đóng góp được hơn 26 triệu lượt ý kiến. Những ý kiến tham gia rất tâm huyết gửi đến Quốc hội, Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Nhìn chung, nhân dân đều quan tâm sâu sắc, tin tưởng, phấn khởi và tích cực đóng góp ý kiến tâm huyết, trí tuệ, trách nhiệm vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

Phát huy kết quả bước đầu đã đạt được, tiếp tục lấy ý kiến tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp được mở rộng và kéo dài thời gian đến ngày 31-9-2013 để tạo thêm điều kiện cho mọi tầng lớp nhân dân và kiều bào ta ở nước ngoài có đủ thời gian để tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp. Đợt lấy ý kiến tiếp theo lần này, theo chủ trương của Quốc hội, của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là cung cấp đến từng hộ bản gốc Hiến pháp năm 1992 đã được bổ sung, sửa đổi năm 2001 và bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 để mọi người dân đọc, nghiên cứu, đối chiếu, liên hệ, kiểm chứng, rút ra những kết luận đúng đắn, bổ sung tham gia vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là việc làm mới, chi tiết, cụ thể, công phu nhưng phải quyết tâm làm, vì đó là sự cầu thị, tin tưởng tuyệt đối ở nhân dân; nhân dân xây dựng Hiến pháp, đồng thời sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Vấn đề đặt ra ở đây là: Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cơ quan lập pháp đã tin tưởng và trao quyền cho nhân dân, xin ý kiến nhân dân, thì nhân dân phải thực hiện đầy đủ với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Trong quá trình tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp mọi người cần tránh tư tưởng cầu toàn, nhưng cũng tránh hình thức làm qua loa, chiếu lệ. Mỗi người cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, không nên làm cho xong, hay im lặng, lảng tránh, phó thác cho các cơ quan có trách nhiệm còn mình thì đứng ngoài cuộc "xem tình hình ra sao" rồi chê bai, hoặc bị lôi cuốn, "a dua" nói thiếu xây dựng vì như thế là tự hạ thấp mình, tự trói mình làm nô lệ cho những mưu đồ đen tối hòng chống phá Nhà nước, chống phá chế độ, đi ngược lại lợi ích của dân tộc.

Để thực hiện tốt việc tham gia ý kiến của đông đảo các tầng lớp nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các cấp, các ngành cần có kế hoạch, biện pháp chỉ đạo sâu sát, cụ thể hơn nữa. Công tác tuyên truyền cần làm tốt trên cả các khâu: tuyên truyền miệng, báo chí, phát thanh - truyền hình..., trong tuyên truyền cần gắn việc tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp với tình hình thực tiễn ở địa phương, cơ sở trong phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội toàn quốc lần thứ XI của Đảng và Đảng bộ các cấp đề ra, làm cơ sở thực tiễn, lý luận để chứng minh những quan điểm đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội trong việc xây dựng Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Vì thế, các cán bộ thôn, khu dân cư, tổ dân phố nên đến từng gia đình cấp phát tài liệu, hướng dẫn động viên mọi người tham gia ý kiến vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, tránh tình trạng chỉ gửi tài liệu, phiếu xin ý kiến một cách buông xuôi, để mặc người dân muốn hiểu sao thì hiểu.

VŨ HOÀNG LUYẾN (TP Hải Dương)

(0) Bình luận
Trách nhiệm công dân góp ý sửa đổi Hiến pháp