Trả lời nhiều vấn đề cử tri kiến nghị

13/12/2017 09:50

Trước và sau Kỳ họp thứ tư HĐND tỉnh khóa XVI, cử tri trong tỉnh kiến nghị nhiều vấn đề liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội.

UBND tỉnh đã trả lời những ý kiến, kiến nghị này của cử tri.

Tăng cường kiểm tra vật tư nông nghiệp

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc đề nghị các cấp, ngành chức năng tăng cường rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); quản lý chặt chẽ những đại lý bán thuốc trừ sâu, phân bón, giống cây, con, vật tư nông nghiệp; tránh tình trạng hàng hoá thật giả lẫn lộn, bán tràn lan trên thị trường như hiện nay, UBND tỉnh cho biết, năm 2017, tiếp tục được xác định là năm cao điểm thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về quản lý vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp. Đối với mặt hàng thuốc BVTV, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai kiểm tra thẩm định và ký cam kết đối với người buôn bán thuốc BVTV, cấp 287 giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc BVTV, đánh giá các cửa hàng và tiến hành thanh tra, kiểm tra để xử lý nghiêm các cửa hàng không đủ điều kiện buôn bán. Qua thanh, kiểm tra đã phát hiện 2 cửa hàng kinh doanh thuốc BVTV ngoài danh mục, xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 2 triệu đồng. Ngoài ra, đã tiến hành thanh tra đột xuất tại các vùng rau trọng điểm trong tỉnh để kiểm tra việc kinh doanh, sử dụng thuốc BVTV ở các vùng này.

Với mặt hàng phân bón, hiện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  đang tiếp nhận hồ sơ quản lý các loại phân bón vô cơ từ Sở Công thương để tiếp tục công tác quản lý phân bón trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20.9.2017 của Chính phủ về quản lý phân bón.

Đối với các mặt hàng vật tư nông nghiệp khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tiến hành nhiều đợt thanh, kiểm tra, đã xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 101,1 triệu đồng về những vi phạm bán thú y thủy sản, sản phẩm cải tạo, xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, thuốc thú y ngoài danh mục, chất lượng không bảo đảm, sai quy định về nhãn mác.

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc đề nghị tỉnh hỗ trợ 50% trong đầu tư xây dựng kênh mương ở các địa phương, UBND tỉnh cho biết theo Đề án kiên cố hóa kênh tưới trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2013-2020, ngân sách hỗ trợ 50% đối với kênh tưới do các HTX dịch vụ nông nghiệp quản lý. Để phát huy hiệu quả phục vụ của hệ thống kênh, trên cơ sở đề nghị của địa phương, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính rà soát, tham mưu hỗ trợ kinh phí trong những năm tiếp theo.

Bảo đảm an toàn giao thông

Trả lời kiến nghị của cử tri bố trí các gờ giảm tốc, lắp thêm biển báo trên các tuyến đường liên xã có nhiều xe tải trọng lớn chạy qua để bảo đảm an toàn giao thông, UBND tỉnh cho biết thực hiện Đề án "Tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực nông thôn tỉnh Hải Dương" ban hành kèm theo Quyết định số 690/QĐ-UBND ngày 28.2.2017 của UBND tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cho UBND cấp xã thực hiện rà soát, thống kê các vị trí không bảo đảm các yếu tố kỹ thuật, khuất tầm nhìn, các biển báo cần bổ sung, các đoạn tuyến cần lắp đặt chiếu sáng trên đường liên xã thuộc địa bàn, đường xã và đường liên thôn, tổ chức giải tỏa ngay những vị trí cây cối che khuất, người dân lấn chiếm trái phép (năm 2017 hoàn thành trước ngày 31 .5 và rà soát thường xuyên hằng năm). Theo phân cấp, UBND cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm bổ sung báo hiệu, gờ giảm tốc trên đường nhánh. Tuy nhiên, để giải quyết cấp bách tại những vị trí đã xảy ra mất an toàn giao thông, Ban An toàn giao thông tỉnh đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải hằng tháng tiến hành rà soát và ưu tiên hỗ trợ lắp đặt bổ sung biển báo, sơn gờ giảm tốc trên đường giao thông nông thôn ở một số vị trí giao cắt với quốc lộ, đường tỉnh đã xảy ra và có nguy cơ xảy ra mất an toàn. Các vị trí còn lại, đề nghị UBND cấp huyện, cấp xã chủ động rà soát, bổ sung biển báo, sơn gờ giảm tốc theo đúng yêu cầu của đề án.

Các nhà máy nước đều bảo đảm tiêu chuẩn

Trả lời ý kiến của cử tri về việc đề nghị các cấp, các ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ chất lượng nước sinh hoạt, xử lý nghiêm hoặc cho dừng hoạt động đối với các nhà máy sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt không đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, UBND tỉnh cho biết công tác kiểm tra giám sát chất lượng nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hải Dương do 2 đơn vị là Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn Hải Dương đảm nhận. Công tác kiểm tra, giám sát chất lượng nước được 2 đơn vị tổ chức theo định kỳ 1 lần/tháng hoặc đột xuất khi cần thiết. Từ tháng 1 đến tháng 10.2017, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã xét nghiệm 133 mẫu nước thành phẩm. Trong đó, có 130 mẫu đạt quy chuẩn, 3 mẫu nước không đạt quy chuẩn (các chỉ tiêu không đạt quy chuẩn: Hàm lượng clo dư thấp hơn quy chuẩn, độ ôxy hóa vượt quy chuẩn và tổng số coliform vượt quy chuẩn). Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh nông thôn Hải Dương đã lấy xét nghiệm 448 mẫu nước thành phẩm tại bể chứa công trình cấp nước và vòi nước hộ gia đình, trong đó có 434 trong tổng số 448 (97%) mẫu bảo đảm đạt theo quy chuẩn, chỉ có 3% số mẫu có một số chỉ tiêu chưa đạt quy chuẩn (như độ đục, hoặc lượng clo dư cao… không gây ảnh hưởng đến sức khoẻ).

Theo báo cáo của 2 đơn vị được giao kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch, hiện chưa có nhà máy sản xuất, cung cấp nước sinh hoạt nào sản xuất nước không bảo đảm tiêu chuẩn đến mức phải xử lý cho dừng hoạt động.

Trả lời kiến nghị của cử tri đề nghị tỉnh quy hoạch sớm triển khai xây dựng nhà máy xử lý rác thải hợp vệ sinh, bảo đảm môi trường, đặc biệt ở khu vực nông thôn, UBND tỉnh cho biết, theo kết quả tổng hợp từ Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị xã, thành phố, tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt ở khu vực nông thôn phát sinh trên địa bàn tỉnh hiện đạt khoảng 657,7 tấn/ngày đêm. Với thành phần chính là hữu cơ chiếm khoảng 66,98%, rác thải có thể tái chế chiếm 26,0% và rác thải không thể tái chế chiếm khoảng 7,02%. Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn hiện được xử lý theo phương pháp chôn lấp.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn đang ngày càng gia tăng, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án “Thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Hải Dương giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, trong thời gian tới, UBND tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ các xã xây dựng bãi chôn lấp rác thải sinh hoạt (năm 2017 đã tiếp tục hỗ trợ 44 xã với kinh phí 22 tỷ đồng, nâng tổng số xã được hỗ trợ kinh phí xây dựng bãi chôn lấp trên địa bàn tỉnh đến hết năm 2017 lên thành 156 xã, 3 phường và 5 thị trấn với tổng số bãi chôn lấp hợp vệ sinh sẽ được xây dựng là 179 bãi chôn lấp).

Bên cạnh việc hỗ trợ các xã xây dựng bãi chôn lấp hợp vệ sinh, UBND tỉnh cũng đã đưa ra lộ trình để thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung có quy mô và công nghệ hiện đại nhằm xử lý rác thải sinh hoạt và lộ trình để đưa rác thải sinh hoạt của một địa phương trên địa bàn tỉnh về các nhà máy xử lý để đốt. Dự kiến, tỉnh sẽ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải tập trung theo cụm huyện.

Hiện tại, một số cụm về cơ bản đang được triển khai đúng kế hoạch.

Đấu tranh với các loại tội phạm

Trả lời kiến nghị của cử tri về việc tỉnh cần tăng cường công tác bảo đảm an ninh trật tự xã hội trên địa bàn, đặc biệt cần có biện pháp mạnh xử lý nghiêm vi phạm pháp luật để có thể kiềm chế gia tăng một số tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp như: trộm cắp, cờ bạc, cho vay nặng lãi dẫn đến hiện tượng đòi nợ thuê, băng nhóm xã hội đen gây hoang mang, bức xúc trong nhân dân, UBND tỉnh cho biết, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 304 vụ trộm cắp tài sản (giảm 85 vụ so với cùng kỳ năm 2016); thiệt hại tài sản khoảng 4,533 tỷ đồng. Công an tỉnh đã điều tra khám phá 214 vụ, 229 đối tượng (đạt tỷ lệ 70,39%), trong đó đã khởi tố 189 vụ, 203 bị can; xử lý hành chính 25 vụ, 26 đối tượng; thu hồi tài sản 631 triệu đồng. Về tệ nạn cờ bạc, năm 2017, các đơn vị trên toàn tỉnh đã phát hiện, bắt giữ 597 vụ, 2.773 đối tượng cờ bạc (tăng 191 vụ, 825 đối tượng), thu giữ tang vật 1,885 tỷ đồng; khởi tố 143 vụ, 738 bị can; xử lý hành chính 454 vụ, 2.035 đối tượng, phạt tiền trên 3 tỷ đồng. Qua thống kê, trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 422 cơ sở cầm đồ có giấy phép kinh doanh.

 Tuy nhiên, các đối tượng cho vay nặng lãi hiện nay có nhiều thủ đoạn hoạt động rất tinh vi, có thể núp bóng các cơ sở cầm đồ hoặc một số hình thức khác như tư vấn tài chính, hỗ trợ vay vốn... nhưng thực chất là cho vay nặng lãi với các hình thức vay tín chấp, thế chấp và vay trả góp với lãi suất cao. 

Hiện nay trên địa bàn tỉnh một số nhóm đối tượng hình sự có xu hướng liên kết với nhau chung vốn mở hiệu cầm đồ, cho vay nặng lãi, khi người vay không có tiền trả dẫn đến việc tổ chức đòi nợ, kéo theo các hành vi cố ý gây thương tích, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cố ý làm hư hỏng hoặc hủy hoại tài sản, cưỡng đoạt tài sản, đe dọa, chửi bới, ném chất bẩn, mang vòng hoa, phát loa, kèn đám ma, bôi nhọ trên mạng xã hội… đối với người vay và thân nhân của họ.

Trước tình hình đó, Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và Công an các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát, dựng các băng ổ nhóm tội phạm hình sự có biểu hiện vi phạm pháp luật để quản lý, phòng ngừa, đấu tranh triệt phá. Tăng cường công tác kiểm tra đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ cầm đồ; tập trung lực lượng điều tra, khám phá các vụ án liên quan đến hoạt động cho vay nặng lãi, siết nợ, đòi nợ thuê. Trong năm 2017 đã phát hiện 23 cơ sở cầm đồ vi phạm về các lỗi không vào sổ quản lý dịch vụ cầm đồ, không có hợp đồng cầm đồ... xử phạt số tiền 45 triệu đồng; khởi tố 10 vụ, 44 bị can liên quan đến các hành vi bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản, gây rối trật tự công cộng… ; xử phạt hành chính 21 vụ, 37 đối tượng về các hành vi ném chất bẩn, xâm hại sức khỏe người khác, gây rối trật tự công cộng...

        PV


(0) Bình luận
Trả lời nhiều vấn đề cử tri kiến nghị