Khi được ký kết, TPP sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới nói riêng, kinh tế nước ta nói chung bởi GDP của các nước tham gia đàm phán TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.
Hiện nay, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có 12 nước tham gia đàm phán gồm: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia, Mexico, Malaysia, Singapore, Chile, Newzealand, Peru, Brunei, Việt Nam. Khi được ký kết, TPP sẽ tác động lớn đến kinh tế thế giới nói riêng, kinh tế nước ta nói chung bởi GDP của các nước tham gia đàm phán TPP chiếm khoảng 40% GDP toàn cầu.
Nhiều nghiên cứu trong nước và nước ngoài đều khẳng định, tham gia TPP sẽ giúp nước ta đẩy mạnh xuất khẩu đối với các mặt hàng như sản phẩm chế tạo, dệt, may mặc, giày dép, máy móc, thiết bị điện, phương tiện vận tải bởi hàng rào thuế quan sẽ từng bước được gỡ bỏ, thuế suất giảm dần về 0%. Trong số các nước TPP thì thị trường Mỹ, Australia, New Zealand, Peru, Singapore được các doanh nghiệp kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội xuất khẩu mạnh mẽ nhất.
Hiện nay, sản phẩm dệt may, giày dép, thiết bị điện, điện tử là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh ta. Theo số liệu của Cục Thống kê, năm 2014, chỉ tính riêng trị giá xuất khẩu hàng dệt may ước đạt gần 996,5 triệu USD, chiếm gần 24,8% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu trong tỉnh. Cũng trong năm 2014, giá trị xuất khẩu hàng giày dép ước đạt 272 triệu USD, chiếm 6,7% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Cùng thời gian, giá trị xuất khẩu của hàng điện tử, máy tính, linh kiện máy tính, dây điện và cáp điện ước đạt hơn 1,67 tỷ USD, chiếm khoảng 41,5% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Như vậy, khi TPP được ký kết sẽ tạo ra cơ hội lớn trong việc tăng trưởng xuất khẩu các mặt hàng trên. Nhiều khả năng trong thời gian tới, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực may mặc, giày dép, công nghiệp chế tạo máy móc, thiết bị điện, điện tử trong tỉnh sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất, tăng cường đầu tư để khai thác cơ hội từ TPP.
Về nhập khẩu, khi cam kết cắt giảm thuế quan theo thỏa thuận, nhiều loại hàng hóa từ các nước TPP vào nước ta với giá rẻ hơn hiện nay. Các loại hàng hóa, nhất là máy móc thiết bị hiện đại của các nước phát triển như Mỹ, Australia, Singapore được nhập khẩu dễ dàng hơn, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh, giúp tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế.
TPP cũng có khả năng tạo ra một làn sóng đầu tư mới vào tỉnh ta. Theo số liệu thống kê, chỉ tính riêng 4 nước tham gia đàm phán TPP là Nhật Bản, Mỹ, Singapore, Canada đã có 74 dự án đầu tư trực tiếp được cấp giấy phép vào tỉnh ta (lũy kế các dự án còn hiệu lực tính đến hết năm 2014) với số vốn đăng ký đạt 1,45 tỷ USD, chiếm 25,3% tổng số dự án của nước ngoài được cấp phép và 23,1% tổng số vốn đăng ký các dự án. Trong số những nước này, Nhật Bản đang là đối tác đầu tư trực tiếp lớn nhất về số dự án với 59 dự án, số vốn đăng ký đạt 1,02 tỷ USD.
Tuy nhiên, những khó khăn, thách thức khi TPP được ký kết cũng không hề nhỏ. Khi hàng hóa ngoại nhập ngày càng nhiều, giá rẻ hơn hàng hóa sản xuất trong nước cũng đồng nghĩa với nhiều doanh nghiệp nội địa phải chịu áp lực cạnh tranh lớn, nhất là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Những doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh thấp, tiềm lực yếu sẽ khó trụ nổi trước sự cạnh tranh của doanh nghiệp nước ngoài. Nhiều chuyên gia kinh tế khẳng định rằng ngành chăn nuôi sẽ bị thiệt hại nặng khi ký kết TPP. Tại hội thảo quốc tế về "Tác động của TPP và AEC lên kinh tế Việt Nam" do Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách tổ chức ngày 3-8-2015, một lãnh đạo Cục Chăn nuôi còn cho rằng ngành chăn nuôi sẽ là "vật hy sinh" để gia nhập TPP. Tại hội thảo nói trên, nhiều thông tin đưa ra khiến nhiều người bất ngờ. Chẳng hạn, giá thành sản xuất thịt lợn trong nước ở mức 2,08 đô la Mỹ/kg trong khi ở Mỹ chỉ có 1,41 USD/kg. Tại Australia, giá thành sản xuất thịt bò chỉ có 1,77 USD/kg, còn ở nước ta là 2,53 USD/kg. Giá đùi gà Mỹ nhập khẩu vào nước ta chỉ khoảng 20.000 đồng/kg trong khi giá bán gà lông trắng trong nước đã ở mức 20.000-30.000 đồng/kg gà hơi. Hiện nay, mức thuế suất nhập khẩu các sản phẩm trên vào nước ta còn khá cao. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu thịt lợn 15-25%, thịt gà 15-40%, thịt bò 14-30%. Khi TPP được ký kết thì thuế suất giảm dần về 0% nên thị trường nội địa sẽ tràn ngập thịt ngoại, khiến ngành chăn nuôi trong nước khốn đốn. Ngược lại việc xuất khẩu các sản phẩm thịt lợn, gà, bò của nước ta sang các nước lớn trong TPP quá khó khăn bởi giá thành cao, thiếu tính cạnh tranh.
Trong lĩnh vực đầu tư, tham gia TPP đòi hỏi mỗi nước phải cải thiện môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng hơn. Chắc chắn nước ta phải tốn kém nhiều nguồn lực cho việc này. Và nếu việc quản lý đầu tư không tốt có thể dẫn tới nhiều dự án đầu tư hoạt động kém hiệu quả, gây lãng phí đất đai và ô nhiễm môi trường...
TUẤN NGUYÊN (TP Hải Dương)