Thành phố Hồ Chí Minh ghi nhận nhiều trẻ mắc bị sốt xuất huyết trong thời gian gần đây với tỷ lệ ca bệnh nặng tăng cao, thậm chí có ca tử vong.
Nhiều trẻ bị tổn thương đa cơ quan phải thở máy, lọc máu
Ghi nhận tại các bệnh viện nhi trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cho thấy, trẻ nhập viện vì sốt xuất huyết đang gia tăng; đặc biệt, các trường hợp nặng bị tổn thương đa cơ quan như gan thận và phải thở máy, lọc máu.
Ngày 25.4, tại khoa Hồi sức tích cực chống độc Bệnh viện Nhi đồng 1 có 3 bệnh nhi bị sốt xuất huyết nặng, tổn thương đa cơ quan đang phải thở máy; trong đó có một bệnh nhi phải lọc máu. Tương tự, tại khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 có 40 trẻ đang nằm viện điều trị; trong đó, 7 trẻ nặng có sốc, bị tổn thương gan, rối loạn đông máu và 2 trẻ phải lọc máu.
Bác sĩ Nguyễn Đình Qui, Phó khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2 cho biết, số trẻ mắc sốt xuất huyết nặng phải nhập viện tăng nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết nhập viện trong thời gian gần đây tăng gấp 2 - 2,5 lần so với thời điểm trước đó; số ca nặng chiếm khoảng 10 -15%. Trẻ nhập viện nặng thường rơi vào nhóm 5 -14 tuổi. Hiện tại khu Hồi sức khoa Nhiễm đang có 3 trường hợp phải thở máy, trong đó có 2 ca đang lọc máu.
“Thời điểm năm ngoái có thể rơi vào dịch COVID-19 nên tỷ lệ trẻ bị sốt xuất huyết ít, nhưng năm nay bắt đầu với mùa mưa sớm thì thấy dịch bệnh bùng lên. Điều đáng tiếc là đã có trẻ tử vong do bị sốt xuất huyết nặng, nhập viện nhi đã bị sốc và tổn thương đa cơ quan”, bác sĩ Qui chia sẻ.
PGS. TS Phạm Văn Quang, Trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, trong 3 tháng đầu năm 2022, số ca sốt xuất huyết đến khám và nhập viện tại bệnh viện tăng 1,5 - 2 lần so với cùng kỳ năm 2021. Hai tuần đầu tháng 4, số ca nhập viện cũng tăng, nhất là các trường hợp sốt xuất huyết nặng.
“Trong nửa đầu tháng 4, khoa đã tiếp nhận trên 10 ca sốt xuất huyết nặng có sốc, tổn thương các cơ quan, thậm chí có ca ngưng thở, ngưng tim trước nhập viện”, PGS.TS Phạm Văn Quang cho biết thêm.
Theo PGS.TS Phạm Văn Quang, các trường hợp mắc sốt xuất huyết nặng đa số do nhập viện trễ. Nguyên nhân nhập viện trễ có thể do dịch COVID-19 nên người dân quên đi bệnh sốt xuất huyết là bệnh lý nguy hiểm thường gặp. Ngoài ra, tâm lý còn sợ COVID-19 nên các phụ huynh ngại đưa trẻ đến khám tại bệnh viện.
Theo thống kê của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP Hồ Chí Minh, từ tháng 3/2022 đến nay, trung bình mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 80 – 100 ca bệnh mắc sốt xuất huyết, trong số này có 15% trường hợp phải nhập viện điều trị ở cả trẻ em và người lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới đã tiếp nhận 47 ca sốt xuất huyết trẻ em và 283 ca người lớn. Hiện tại các khoa của bệnh viện đang điều trị khoảng 80-100 ca mắc sốt xuất huyết (cả trẻ em và người lớn), trong đó có những ca mắc sốt xuất huyết rất nặng.
Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP Hồ Chí Minh, tính đến giữa tháng 4, TP Hồ Chí Minh ghi nhận gần 4.500 ca mắc sốt xuất huyết Dengue, trong đó có 109 ca nặng đang điều trị tại các bệnh viện. Đây là số liệu báo động vì so sánh với năm 2019, sốt xuất huyết bùng phát thành dịch với hơn 20.000 ca mắc thì số ca bệnh nặng cũng chỉ là 38 ca. Bên cạnh đó, số ca mắc của năm 2022 đang gia tăng và cao hơn so với cùng kỳ năm 2020, 2021.
Không chủ quan lơ là, cần phát hiện sớm, điều trị kịp thời
Theo các chuyên gia y tế, trẻ mắc sốt xuất huyết được đưa đến bệnh viện thường rơi vào tình trạng sốc xuất huyết nặng và được đưa đến viện nhưng virus tấn công rất nhanh trên cơ địa nhiều bệnh nền, béo phì... Theo đó, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận hai trường hợp tử vong vì sốt xuất huyết, nguyên nhân tử vong là bệnh nhân được phát hiện muộn và nhập viện trễ.
Lý giải về nguyên nhân bệnh sốt xuất huyết tăng trong thời gian gần đây, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP Hồ Chí Minh cho rằng, theo chu kỳ khoảng 4 - 5 năm dịch sốt xuất huyết quay trở lại và năm nay rơi đúng vào chu kỳ của dịch bệnh. Bên cạnh đó, sau đợt dịch COVID-19, sự giao thương đi lại nhiều dẫn đến việc mang muỗi từ nơi này đến nơi khác nhiều hơn; cùng với đó năm nay mùa mưa đến sớm và những cơn mưa đầu mùa làm ứ đọng nước dẫn đến lăng quăng, muỗi sinh sôi phát triển.
“Tỷ lệ trẻ mắc sốt xuất huyết trở nặng cao hơn COVID-19 và thời gian từ nhẹ chuyển sang nặng rất nhanh nên việc phát hiện sớm trẻ bị bệnh là rất quan trọng. Tuy nhiên, thời gian gần đây, người dân lo sợ bệnh COVID-19 nên không đưa con đến bệnh viện, khi đến bệnh viện khám thì trẻ đã chuyển nặng. Bên cạnh đó, sau thời gian dài phòng, chống COVID-19, bác sĩ lâu không thấy bệnh sốt xuất huyết nên cũng có thể chủ quan hơn trước và tính cảnh giác không cao”, bác sĩ Trương Hữu Khanh chia sẻ.
Còn theo bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 2, cũng giống như các bệnh nhiễm siêu vi khác, có đến 90% trẻ bị sốt xuất huyết điều trị và theo dõi tại nhà và tự khỏi trong vòng 7 -10 ngày, chỉ có 10% bệnh nặng phải nhập viện điều trị. Bệnh dịch này xuất hiện rải rác quanh năm nhưng thường xuất hiện vào mùa mưa và không cố định độ tuổi mắc. Hiện nay, số nhóm tuổi bị mắc nặng hay gặp khoảng 8 -13 tuổi.
“Những trẻ bị nặng đa phần do virus tấn công vào gan, thận và gây sốc xuất huyết. Đa phần những trường hợp nặng nếu hồi sức kịp thời có thể cấp cứu được nhưng đối với trẻ nhũ nhi và trẻ có bệnh lý nền như thừa cân, béo phì khi mắc sốt xuất thì dễ diễn tiến nặng rất nhanh. Do đó, cần hết sức lưu ý đối với các nhóm đối tượng có nguy cơ cao”, bác sĩ Đỗ Châu Việt thông tin.
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cũng cho biết thêm, giai đoạn đầu của mùa dịch có thể gặp ở trẻ lớn tuổi vì nhóm trẻ này di chuyển nhiều, nhưng thời gian sau có thể lây cho trẻ độ tuổi nhỏ hơn. "Sốt xuất huyết không thể phòng ngừa qua rửa tay, sát khuẩn, đeo khẩu trang mà phòng ngừa bằng cách diệt muỗi, diệt lăng quăng. Thời điểm này đang vào đầu mùa mưa vì vậy nếu không phòng ngừa tốt thì dịch sốt xuất huyết có thể bùng lên trong thời gian tới", bác sĩ Khanh cho biết.
Các bác sĩ cảnh báo, với những triệu chứng ban đầu của bệnh sốt xuất huyết khá tương đồng với một số bệnh nhiễm siêu vi khác như cúm, đặc biệt giai đoạn khởi phát của bệnh có khi giống với COVID-19 nên dễ bỏ sót. Do đó, phụ huynh cần chú ý đặc điểm nhận biết bệnh sốt xuất huyết là sốt cao liên tục 2 - 7 ngày kèm các dấu xuất huyết như chấm xuất huyết, chảy máu răng, máu mũi, vết bầm, xuất huyết âm đạo (trẻ gái ở tuổi dậy thì)… Bệnh thường trở nặng vào ngày thứ 4 đến thứ 6 của bệnh với biểu hiện trụy tim mạch (tay chân lạnh, mạch nhẹ, khó bắt) và thường ít kèm các triệu chứng hô hấp (ho, sổ mũi) và tiêu chảy.
PGS.TS.BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, tình hình sốt xuất huyết sẽ diễn biến phức tạp trong năm nay. Để sẵn sàng ứng phó với dự báo này, các bệnh viện: Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố cần triển khai tập huấn nhắc lại ngay cho các cơ sở y tế công, tư trên địa bàn. Tất cả nhân viên y tế cần được cảnh báo để nhận diện sớm bệnh sốt xuất huyết, tránh bỏ sót gây chậm trễ trong việc điều trị.
Sở Y tế cũng yêu cầu người dân dành 10 - 15 phút/tuần để dọn dẹp nhà, không để vật chứa đọng nước làm phát sinh lăng quăng; sử dụng bình xịt, nhang, kem thoa xua muỗi, mặc áo quần dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày để tránh muỗi đốt.
Theo báo Tin tức