Các xã phải dành đất ở, khu trung tâm xã, khu sản xuất, khu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cụm công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp...
Nông thôn xã Ái Quốc (TP Hải Dương) ngày càng khang trang
An Châu là một trong 2 xã của TP Hải Dương được chọn xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 1. Áp theo tiêu chí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, An Châu mới đạt 8 trong tổng số 19 tiêu chí. Ngay từ khi triển khai, An Châu đã xác định xây dựng NTM theo hướng đô thị, thể hiện rõ nhất trong việc cấp phép xây dựng nhà ở. Ngoài những ngôi nhà xây cạnh đường 390 do thành phố cấp phép, nhà xây ở những vị trí khác đều do UBND xã cấp phép- một việc làm mà trước đây xã chưa làm được. Xã tập trung tuyên truyền để nhân dân xây nhà cách đường 5 m, nhằm tạo điều kiện cho việc mở rộng, nâng cấp các tuyến đường sau này. Trong xây dựng đường giao thông nông thôn, xã có chủ trương mở các tuyến đường rộng 10 m, lòng đường rộng 6,2 m. Với 153 ha đất nông nghiệp, 25% số dân trong xã làm nông nghiệp, An Châu gặp khó khăn về thủy lợi. Xã có 20 km kênh, mương nhưng mới có gần 7 km được kiên cố hóa. Ông Phạm Đình Yên, Bí thư Đảng ủy xã, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng NTM xã cho biết: "Theo kế hoạch, đến năm 2015, xã chỉ còn 50 ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, việc đầu tư kiên cố hóa kênh, mương đòi hỏi nguồn vốn lớn, chủ yếu là đóng góp của nhân dân. Nếu bây giờ đầu tư vài tỷ đồng, 1-2 năm nữa lại phá đi thì rất lãng phí". Để có kinh phí xây dựng NTM, UBND xã đã quy hoạch gần 7 ha để chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Hiện tại, xã đã quy hoạch xong, vượt tiêu chí của thành phố đề ra. Cụ thể, khu trung tâm xã rộng 4.200 m2; các Trường Mầm non thôn Đông, Trường Mầm non thôn Tiền rộng 6.300 m2, Trường Mầm non thôn Trắc Châu rộng 5.000 m2. Trường Tiểu học xã được mở rộng lên 0,88 ha, diện tích trung bình đạt gần 25m2/học sinh. Trường THCS xã được mở rộng lên hơn 1 ha, bảo đảm 34m2/học sinh. Ngoài ra, các tiêu chí về trạm y tế, nhà văn hóa thôn, sân thể thao, chợ, cửa hàng dịch vụ, nghĩa trang, cây xanh công cộng và đường giao thông... đã được xã quy hoạch cụ thể.
Sản xuất nông nghiệp công nghệ cao là thế mạnh của các xã ven TP Hải Dương. Trong ảnh: Trang trại hoa
của anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Ngọc Trì, xã Ái Quốc cho thu lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Ảnh: NT
Xã Ái Quốc tập trung vào việc hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí vượt so với quy định của xây dựng NTM. Xã có 9 trong tổng số 10 nhà văn hóa được xây dựng to đẹp, mức đầu tư đều trên 1 tỷ đồng/nhà. Dự kiến sẽ khởi công nhà văn hóa còn lại và hoàn thiện trong năm 2012 với tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ đồng. Hiện nay, 80% số dân trong xã làm việc trong các khu công nghiệp, nhà máy, làm dịch vụ, tiểu, thủ công nghiệp, chỉ còn 20% số dân làm nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo của xã chỉ còn 6%. Xã phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 3%. Toàn bộ đường giao thông của xã đã được bê-tông hóa. Xã có chủ trương tuyên truyền vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường và nâng cấp đường đáp ứng theo tiêu chuẩn đô thị. Xã đang chờ thành phố phê duyệt quy hoạch để bắt tay vào xây dựng NTM.
Đến nay, 100% các xã của TP Hải Dương đã thành lập xong ban chỉ đạo và ban phát triển nông thôn. Có 4 xã đã hoàn thành công tác khảo sát thực trạng nông thôn, 3 xã đang soạn thảo đề án xây dựng NTM. Năm 2011, bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, 6 xã của thành phố đã đầu tư khoảng 78 tỷ đồng xây dựng các công trình, chủ yếu xây dựng phòng học, làm đường giao thông, hệ thống nước sạch... Thành phố đã xác định các xã xây dựng NTM theo hướng đô thị, thể hiện trong việc xây dựng quy hoạch. Các xã phải dành đất ở, khu trung tâm xã, khu sản xuất, khu xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, cụm công nghiệp và tiểu, thủ công nghiệp, đất dành cho các hạng mục khác. Thành phố cũng chỉ đạo các xã quy hoạch và xây dựng cơ sở hạ tầng, các tiêu chí đặt ra đều phải cao hơn tiêu chí dành cho xây dựng NTM. Theo đó, diện tích đất dành cho xây dựng khu trung tâm xã tối thiểu 1.000m2, nhưng trong phương án quy hoạch của thành phố, tối thiểu phải đạt 4.200 m2. Tương tự là các tiêu chí về nhà trẻ, trường mầm non, thành phố quy định thấp nhất là 20,5 m2/trẻ; 24,8m2/học sinh cấp tiểu học và 22,4m2 đối với học sinh THCS; sân bãi thể thao quy định tối thiểu đạt 1,18 ha; cây xanh công cộng đạt 12,5 m2/người. Đường trục thôn, xã đều rộng tối thiểu 5,5m và lề đường mỗi bên 3 m, cao hơn quy định của xây dựng NTM từ 0,5- 1,5 m đối với lòng đường và 1-2 m so với lề đường…
Khó khăn nhất hiện nay là kinh phí. Hầu hết các xã đều trông chờ vào nguồn đấu giá quyền sử dụng đất, song tại một số xã việc làm này rất khó khăn, có những nơi phải tổ chức đến 3 lần đấu giá mới thành công. Nhận thức về NTM của một số bộ phận còn hạn chế, chưa chú trọng đến công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho nhân dân. Quy hoạch chậm được phê duyệt. Việc thành lập hệ thống quản lý, tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng nông thôn theo bộ tiêu chí còn chậm, không bảo đảm kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, TP Hải Dương tăng cường tuyên truyền, nhằm tạo ra sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là việc bổ sung hương ước của các thôn và lấy ý kiến tham gia của nhân dân trong quá trình khảo sát thực trạng và lập đề án. Tập trung sự lãnh đạo của các cấp chính quyền để việc xây dựng NTM đạt hiệu quả cao. Hướng dẫn các địa phương huy động mọi nguồn thu để có nội lực xây dựng NTM...
NGỌC THỦY