UBND TP Hải Dương vừa xây dựng quy trình trợ giúp người lang thang, ăn xin, tâm thần trên địa bàn năm 2024 nhằm bảo đảm an sinh xã hội, mỹ quan đô thị và trật tự giao thông trên địa bàn.
Theo đó, đối với những trường hợp lang thang, ăn xin, hát rong, bán hàng rong xin tiền trên địa bàn thành phố thuộc phường, xã nào thì UBND phường, xã đó có trách nhiệm quản lý giáo dục tại địa phương. Thực hiện cam kết quản lý các đối tượng tại gia đình, nắm từng hoàn cảnh cụ thể để có biện pháp giúp đỡ học nghề hoặc nuôi dưỡng cộng đồng… Những đối tượng có hộ khẩu thuộc phường, xã này nhưng lại đi đến phường, xã khác trong địa bàn thành phố thì UBND các phường, xã liên hệ, làm việc, thống nhất giữa các đơn vị để tiếp nhận đối tượng thuộc địa phương mình quản lý.
Với những đối tượng ngoài địa bàn thành phố, nếu biết được nơi cư trú, Công an thành phố chỉ đạo công an phường, xã phối hợp với UBND phường, xã liên hệ tàu, xe đưa về gia đình. Trường hợp ngoài địa bàn thành phố không biết rõ nơi cư trú, yêu cầu làm cam kết đi khỏi địa bàn. Những đối tượng giả dạng khuyết tật hành nghề ăn xin, hát rong hoặc bảo kê cho người khuyết tật, người già, trẻ em ăn xin, lang thang, công an phường, xã và UBND phường, xã yêu cầu về trụ sở UBND phường, xã khai thác thông tin và xử phạt theo quy định của pháp luật.
Việc quản lý người tâm thần giống như cách trợ giúp các trường hợp ăn xin, lang thang. Tuy nhiên, đối với người tâm thần nặng (quậy phá, đi lang thang trên đường phố gây nguy hiểm cho cộng đồng), UBND phường, xã phối hợp với phòng y tế đưa vào điều trị tại cơ sở y tế chuyên khoa tâm thần. Sau khi ổn định sức khỏe, phối hợp với Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội làm thủ tục đề nghị Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, giám đốc các cơ sở bảo trợ xã hội tỉnh xem xét, quyết định đưa vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội của tỉnh. Người bị tâm thần chưa đưa vào nuôi dưỡng tại cơ sở bảo trợ xã hội là công dân địa phương, UBND phường, xã yêu cầu gia đình cam kết quản lý tại nhà.
PV