Khoảng 95% số thịt lợn bán trong thành phố được kiểm soát từ gốc, nên công tác vệ sinh được bảo đảm, người tiêu dùng yên tâm sử dụng...
Cán bộ thú y kiểm tra việc giết mổ gia cầm tại Nhà hàng 123 (TP Hải Dương)
Chúng tôi đến thăm Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung TP Hải Dương vào thời điểm giá cả thực phẩm đang "hạ nhiệt". Không khí lao động của công nhân ở lò mổ rất sôi động. Các công đoạn kiểm tra vệ sinh thú y được thực hiện nghiêm túc. Lợn được cán bộ thú y kiểm dịch trước khi đưa vào giết mổ. Trong quá trình giết mổ, các loại thực phẩm, phụ phẩm được để khá gọn gàng, sạch sẽ. Thịt trước khi đưa ra thị trường được cán bộ thú y lăn dấu. Một chủ giết mổ ở xã Thạch Khôi (TP Hải Dương) cho biết: “Trước đây chúng tôi mua lợn về là đưa vào giết thịt, không có ai kiểm soát. Nhưng hiện nay, việc kiểm soát diễn ra rất chặt chẽ, lợn có dấu hiệu ốm là bị tiêu hủy ngay. Vì vậy, chúng tôi cũng phải chú ý hơn ngay từ khâu thu mua lợn”.
Cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung TP Hải Dương do Công ty CP Xây dựng và thương mại Hoàng Long Habico làm chủ đầu tư, đi vào hoạt động từ tháng 8-2011. Trung bình mỗi ngày cơ sở giết mổ trên 170 con lợn. Số lợn này đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu cho người dân TP Hải Dương. Hiện tại, công ty đã cải tạo khu vực sản xuất thành 2 khu riêng biệt. Khu nhốt lợn chờ giết mổ, tắm cho lợn, gây choáng, nhúng nước nóng, cạo lông, mổ và làm sạch phủ tạng. Khu sạch diễn ra các hoạt động rửa, kiểm tra thân thịt, đóng dấu kiểm soát giết mổ, làm lạnh, pha lóc, đóng gói. Cán bộ thú y của Chi cục Thú y tỉnh có phòng làm việc riêng tại cơ sở giết mổ, bảo đảm đủ ánh sáng phục vụ công tác kiểm soát giết mổ và vệ sinh thú y. Trước và sau khi giết mổ các thiết bị máy móc đều được vệ sinh, khử trùng, nhà xưởng được xử lý bằng hóa chất. Mọi thủ tục liên quan đến sản xuất đều được ghi chép và lưu tại cơ sở giết mổ. Công ty cũng đã đầu tư hơn 10 tỷ đồng cho hệ thống xử lý nước thải trước khi đưa ra môi trường.
Cùng với việc đưa cơ sở giết mổ tập trung vào hoạt động, thành phố tăng cường kiểm soát vận chuyển, giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm và kiểm dịch thú y trên địa bàn thành phố. Chi cục Thú y (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã tăng cường thêm 8 cán bộ làm công tác kiểm tra, kiểm soát cho thành phố. Các xã, phường tập trung bố trí, sắp xếp vị trí kinh doanh thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, chợ. Trong đó, tập trung vào sắp xếp lại các khu vực kinh doanh thực phẩm tươi sống bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh thực phẩm như vị trí quầy hàng, dụng cụ bán hàng, người bán hàng và nguồn gốc hàng hóa… Chị Hoa, một người bán thịt lợn ở chợ Hai Bà Trưng (phường Quang Trung, TP Hải Dương) cho biết, từ 2 tháng nay, chị đều bán thịt lợn có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y, nếu không tuân thủ đúng quy định, ban kiểm soát chợ sẽ thu và xử phạt. Tại một số chợ khác, khi được hỏi về việc bán thịt lợn có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng, chủ cửa hàng đều đưa ra miếng thịt được lăn dấu.
Ông Nguyễn Văn Quynh, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết: Nhìn chung công tác kiểm soát giết mổ lợn trên địa bàn TP Hải Dương thực hiện khá tốt, khoảng 95% số thịt lợn bán trong thành phố đã được kiểm soát từ gốc. Từ khi lò mổ đi vào hoạt động, các huyện lân cận như Thanh Hà, Tứ Kỳ, Cẩm Giàng, Gia Lộc… cũng tăng cường lực lượng trong việc kiểm soát giết mổ trên địa bàn huyện mình. Thành phố ra quy định, tất cả thịt lợn được bày bán trên địa bàn thành phố đều phải được lăn dấu, do vậy, lực lượng thú y các huyện cũng phải xuống tận cơ sở giết mổ để kiểm tra và đóng dấu kiểm dịch cho những sản phẩm vận chuyển lên bày bán tại TP Hải Dương. Tuy nhiên, tỉnh mới chỉ thực hiện kiểm soát được 1 mặt hàng là thịt lợn và cũng mới chỉ làm được tại TP Hải Dương. Còn các loại thịt khác như: trâu, bò, chó, mèo…, nhất là thịt gia cầm thì làm chưa triệt để. Hiện tại, lực lượng thú y các địa phương đã kiểm soát được 95 trong tổng số 125 chợ của tỉnh, nhưng mới chỉ kiểm soát được phần ngọn, có nghĩa là mới kiểm soát được lượng thịt và sản phẩm bày bán mà chưa kiểm tra được nguồn gốc sản phẩm, tình trạng bệnh tật.
Theo ông Nguyễn Văn Tịnh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ nay đến cuối năm thời tiết diễn biến bất thường là điều kiện để bùng phát và lây lan dịch bệnh. Trong khi đó, người dân tập trung đầu tư vào chăn nuôi để bán trong dịp Tết, lượng gia súc, gia cầm vận chuyển, giết thịt lớn. Vì vậy công tác kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm cần được tăng cường và thực hiện nghiêm túc hơn nữa. Lực lượng thú y cần tăng cường kiểm soát tại các chợ, điểm buôn bán gia súc, gia cầm, phát hiện gia súc, gia cầm nhập lậu vào địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời, nhất là các điểm tập trung gia súc, gia cầm với số lượng lớn như Văn Thai (Cẩm Giàng), Đồng Tâm (Ninh Giang), Tiền Tiến (Thanh Hà)... Tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc giết mổ, buôn bán, vận chuyển gia súc, gia cầm trên địa bàn TP Hải Dương và các huyện, thị xã.
THANH HÀ