TP Hải Dương phải thực sự là “đầu tàu” của tỉnh

26/10/2019 08:24

Tỉnh đã có những chỉ đạo, định hướng để TP Hải Dương phát huy tốt vai trò trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, thực sự là “đầu tàu” của tỉnh về mọi mặt.


Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Hiển kiểm tra công tác chỉnh trang đô thị, chuẩn bị cho Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận TP Hải Dương mở rộng là đô thị loại I. Ảnh: Trung Thu 

TP Hải Dương được công nhận đô thị loại I là sự kiện lớn, đánh dấu bước phát triển của đô thị Hải Dương, tạo động lực để tỉnh ta phát triển nhanh và bền vững, tiến tới mục tiêu trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.

Làm gì để TP Hải Dương phát huy tốt vai trò trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hóa, thực sự là “đầu tàu” của tỉnh về mọi mặt là vấn đề đồng chí Nguyễn Mạnh Hiển, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao đổi với phóng viên Báo Hải Dương nhân sự kiện này.

- Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, việc TP Hải Dương trở thành đô thị loại I có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của tỉnh ta trong những năm tới?

- TP Hải Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trên hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và kề sát vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ. Đây là lợi thế quan trọng trong việc giao lưu, trao đổi thương mại với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bắc Ninh, Thái Bình, Hưng Yên.

Thành phố hiện có 3 khu công nghiệp và 6 cụm công nghiệp, khoảng 5.000 doanh nghiệp đang hoạt động trong đó có 76 doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), là nơi thu hút nhiều dự án công nghiệp công nghệ cao của tỉnh.

Quy hoạch vùng Thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng xác định vùng động lực phát triển kinh tế, công nghiệp, dịch vụ tập trung trên trục kinh tế giữa đô thị hạt nhân TP Hà Nội, TP Hải Phòng và TP Hạ Long (Quảng Ninh), trong đó đô thị Hải Dương đóng vai trò “đô thị trung tâm cấp vùng, phát triển công nghiệp nhẹ, kỹ thuật cao và hỗ trợ phát triển các loại công nghiệp chế biến của vùng đồng bằng phía nam, đông nam đồng bằng sông Hồng”. Quy hoạch cũng nhấn mạnh việc thúc đẩy vai trò của TP Hải Dương tương lai là một đô thị lớn.

Hơn 7 năm qua, từ khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa XV ra Nghị quyết số 09 ngày 12.11.2012 về việc nâng cấp TP Hải Dương lên đô thị loại I trước năm 2020, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng, mở rộng không gian đô thị, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư tại TP Hải Dương.

Đến nay, TP Hải Dương đã mang dáng dấp của một đô thị hiện đại có nền kinh tế phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn đạt ở mức cao, gấp 2 lần cả nước và gấp 1,5 lần của tỉnh.

Hạ tầng đô thị được đầu tư tương đối đồng bộ, nhiều khu đô thị mới mọc lên, các cơ sở văn hóa, giáo dục, y tế ngày một phát triển, thực sự là trung tâm kinh tế - hành chính - văn hóa của tỉnh.

Vì vậy, TP Hải Dương mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I sẽ tác động mạnh mẽ đến quá trình đô thị hóa và phát triển công nghiệp các vùng lân cận trong tỉnh, là bước đột phá quan trọng tạo điều kiện để thành phố phát triển nhanh về mọi mặt, xứng đáng là thành phố có vai trò động lực phát triển, trở thành “đầu tàu” kéo theo sự phát triển mọi mặt của cả khu vực và các đô thị lân cận.

TP Hải Dương là đô thị loại I sẽ tạo đà để tỉnh Hải Dương phát triển thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại và là nền tảng để tỉnh hướng tới mục tiêu xa hơn, phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai.


Tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng, mở rộng không gian đô thị giúp TP Hải Dương chuyển mình mạnh mẽ, mang dáng dấp của một đô thị hiện đại, năng động

- Với ý nghĩa quan trọng như vậy, tới đây TP Hải Dương sẽ phải làm gì để phát huy vai trò “đầu tàu” của mình, thưa đồng chí?

- Trong thời gian tới, TP Hải Dương phải nghiên cứu xây dựng các mục tiêu chiến lược và lộ trình phát triển của thành phố đô thị loại I; phát triển mạnh những lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế; xây dựng quy chuẩn, quy định thuận lợi, thông thoáng để tạo thuận lợi thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững; tiếp tục thu hút các nguồn lực để phát huy hơn nữa vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh; thực sự trở thành hạt nhân phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Trước mắt, TP Hải Dương cần tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí chưa đạt điểm tối đa, thực hiện các tiêu chí còn thiếu đối với đô thị loại I. Cụ thể, sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc sáp nhập 2 xã An Châu và Thượng Đạt, thành lập 2 phường Tân Hưng và Nam Đồng; điều chỉnh địa giới một số phường, xã trên địa bàn thành phố và chuyển 5 xã thuộc các huyện Thanh Hà, Gia Lộc, Tứ Kỳ về TP Hải Dương, thành phố cần khẩn trương kiện toàn, sắp xếp công tác tổ chức, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để các địa phương mới được sắp xếp, sáp nhập, nâng cấp thành phường sớm đi vào hoạt động ổn định, bắt nhịp với công tác quản lý đô thị.

Cùng với đó, thực hiện tốt nhiệm vụ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị của thành phố trong sạch, vững mạnh; quyết tâm phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức tất cả các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII đề ra, nhất là chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và thu nhập bình quân đầu người; tiếp tục rà soát, bố trí, sắp xếp cán bộ cho đúng người, đúng việc, tạo động lực để mọi cán bộ, công chức hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; lãnh đạo tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2020-2025.

Đặc biệt là, xác định rõ tầm nhìn, quy hoạch chiến lược của thành phố đến năm 2030 và xa hơn để xứng đáng với vị trí đô thị loại I, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế và văn hóa - xã hội của tỉnh.

Ban Thường vụ Thành ủy Hải Dương tiếp tục đổi mới tư duy, phương pháp làm việc, cách thức tiếp cận; tận dụng tối đa cơ chế đặc thù về tài chính mà tỉnh dành cho thành phố một cách tích cực hơn nữa để làm thay đổi diện mạo thành phố, nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí đô thị loại I.

Tăng cường tuyên truyền vận động cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân ủng hộ, đồng hành cùng với Đảng bộ và chính quyền thành phố trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

TP Hải Dương cần tập trung các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, xã hội; xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu cần đặt ra.

Thực hiện tốt quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị TP Hải Dương; giải quyết tốt vấn đề thoát nước, vệ sinh môi trường, bảo đảm trật tự đô thị, xây dựng TP Hải Dương thực sự sáng, xanh - sạch - đẹp, văn minh, thân thiện.

Triển khai các giải pháp xây dựng đô thị thông minh, hướng tới mục tiêu trở thành đô thị “khỏe, năng động, văn hóa và đáng sống”, là thành phố hấp dẫn với những nét riêng thu hút người tài về sống và lập nghiệp.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, chấn chỉnh và giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức, doanh nghiệp; tích cực kêu gọi các dự án đầu tư lớn, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm môi trường; tích cực hơn trong công tác giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn; tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế từ công, nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ; nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, hoàn chỉnh hợp phần quy hoạch, nhất là một số khu vực nội thành để đáp ứng yêu cầu phát triển của đô thị loại I, tạo điểm nhấn cho khu lõi đô thị. Có kế hoạch, lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp ra khỏi khu vực nội đô để tạo không gian phát triển đô thị. Quan tâm phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Tăng cường phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố…

- Tỉnh sẽ hỗ trợ như thế nào để TP Hải Dương phát triển xứng với vị trí là trung tâm kinh tế, hành chính, văn hóa của tỉnh, thưa đồng chí?

- Sự phát triển của TP Hải Dương có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của cả tỉnh, vì vậy thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu có cơ chế đặc thù để thành phố có điều kiện phát triển nhanh, bền vững; nghiên cứu, tăng cường phân cấp hoặc ủy quyền cho thành phố trong việc phê duyệt quy hoạch và các dự án đầu tư trên địa bàn.

Trong thu hút đầu tư của tỉnh, sẽ ưu tiên kêu gọi các dự án công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh môi trường, quy mô lớn về thành phố. Đồng thời tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với TP Hải Dương trong thực hiện Chương trình phát triển đô thị TP Hải Dương giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại I cũng như giải quyết các vấn đề đặt ra trong quá trình phát triển. Trong đó, quan tâm xác định lộ trình đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình thiết yếu còn thiếu hoặc chưa đáp ứng được yêu cầu.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THANH MAI(thực hiện)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    TP Hải Dương phải thực sự là “đầu tàu” của tỉnh