Mặc dù đã có quy định cấm buôn bán và giết mổ gia cầm ở hầu hết các chợ nhưng nhiều hộ kinh doanh tại TP Hải Dương vẫn phớt lờ, nhất là trong những ngày giáp Tết.
Chủ một hộ chuyên giết mổ gà thuê ở khu đô thị mới phí đông cho biết cho biết, giáp Tết, mỗi ngày giết mổ hơn 1.000 con gà, giá từ 30.000 - 35.000 đồng/con, vào ngày 30 Tết, công giết mổ thuê lên tới 50.000 đồng/con.
Chợ Tân Kim cấm bán gia cầm sống, nhưng các tiểu thương vẫn công khai bán và giết mổ ngay tại chỗ
Tại phố Mạc Thị Bưởi, việc mua bán gà sống bị cấm tuyệt đối, tuy nhiên việc mua bán, giết mổ vẫn diễn ra công khai. Chỉ cần 1 chiếc phích nước nóng, một chiếc chậu nhỏ, 10 phút sau, khách hàng đã có một con gà được làm sạch sẽ. Địa điểm giết mổ có thể là ngay vỉa hè hoặc góc chợ, nước thải được người bán đổ ra lênh láng vỉa hè, lòng đường.
Tương tự, tại các chợ Tân Kim, chợ Con, chợ Phú Yên... tình trạng mất vệ sinh, giết mổ gia cầm sống cũng diễn ra phổ biến. Phân, lông, máu của gia cầm sau khi giết mổ vương vãi khắp nới, khiến môi trường xung quanh bị ảnh hưởng.
Chị Nguyễn Thị Thanh, ở phường Thanh Bình cho biết: "Mua gia cầm làm sẵn thì khó yên tâm về chất lượng nên tôi hay mua gia cầm sống tại chợ rồi thuê giết mổ luôn. Phải tận mắt thấy gà, vịt còn sống, khỏe mạnh và giết mổ ngay tại chợ thì mới yên tâm". Chính thói quen này của người dân khiến tình trạng giết mổ gia cầm tràn lan ngày càng phát triển.
Hiện nay, trên địa bàn TP Hải Dương có 15 chợ chính và 4 chợ cóc, trong đó chỉ có chợ Thanh Bình và chợ gia cầm sống ở Thạch Khôi được phép buôn bán gia cầm sống, ở các chợ còn lại, việc buôn bán và giết mổ gia cầm sống đều bị cấm. Nhưng thực tế, hầu hết các chợ đều có điểm bán và giết mổ gia cầm sống tại chỗ. Mỗi điểm bán thường có vài chục đến cả trăm con gà, vịt, ngan, chim bồ câu… được nhốt trong lồng, đặt trên lề đường hoặc ngay trong chợ.
Ông Nguyễn Đức Yên, Phó Trạm trưởng Trạm Thú y TP Hải Dương cho biết: "Do người tiêu dùng vẫn ưa chuộng sử dụng gia cầm tươi sống hơn gia cầm đông lạnh nên việc giết mổ tại các chợ chưa được kiểm soát triệt để. Khi phát hiện trường hợp vi phạm, lực lượng thú y không có quyền xử phạt mà phải gọi điện đến UBND xã, phường để phối hợp nên việc xử lý chưa kịp thời. Bên cạnh đó, một số địa phương vẫn chưa quan tâm đến việc vận chuyển và giết mổ gia cầm nên tình trạng vi phạm diễn ra tràn lan, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm".
Theo ông Yên, thay vì giết mổ gia cầm ngay tại chợ thì thành phố nên quy định việc giết mổ gia cầm phải được thực hiện tại cơ sở giết mổ tập trung ở phường Thạch Khôi, và có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Bên cạnh đó, các ngành chức năng, cơ quan thú y địa phương thường xuyên kiểm tra, giám sát việc tiêu thụ, buôn bán gia cầm sống tại các chợ, để bảo đảm bảo gia cầm được mua từ các địa chỉ rõ nguồn gốc và qua kiểm dịch.
TRẦN HIỀN