Phát biểu tại lễ tuyên thệ ngày 18.6, ông Antonio Guterres cam kết sẽ biến COVID-19 thành cơ hội lớn để tái thiết và xây dựng thế giới "xanh hơn".
Ông Antonio Guterres tươi cười với truyền thông sau lễ tuyên thệ nhiệm kỳ 5 năm thứ hai ngày 18.6 tại New York, Mỹ - Ảnh: REUTERS
Nhiệm kỳ thứ hai của ông Guterres sẽ chính thức bắt đầu từ tháng 1.2022 đến tháng 12.2026. Với tư cách là ứng cử viên duy nhất được đề cử, việc ông Guterres tái đắc cử Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) là điều đã được dự báo từ trước.
Theo Hãng thông tấn AFP, thay vì tiến hành một phiên bỏ phiếu, Đại hội đồng LHQ đã biểu quyết thông qua một nghị quyết trao cho ông Guterres thêm một nhiệm kỳ nữa.
Phát biểu trong lễ tuyên thệ, ông Guterres cam kết tiếp tục nỗ lực để góp phần tạo ra một bước tiến đột phá và tích cực cho công việc của LHQ, ưu tiên thúc đẩy hiệu quả hoạt động của LHQ trong đại dịch COVID-19.
Người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh cũng thừa nhận COVID-19 khiến ông và thế giới ngộ ra được nhiều bài học. Theo ông Guterres, COVID-19 là "thách thức lớn nhất nhưng cũng là cơ hội lớn nhất để thế giới xoay ngược tình thế", ám chỉ việc tái thiết theo hướng bền vững và bảo vệ môi trường hơn.
"Từ nhiều bài học mà chúng tôi đã học được, bài học quan trọng nhất là một mình chúng ta không thể làm gì được. Bài học quan trọng nhất là chúng ta cần xây dựng lại sự đoàn kết và lòng tin", Tổng Thư ký LHQ nêu quan điểm trong cuộc họp báo ngày 18.6.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã chúc mừng ông Guterres và nhấn mạnh Mỹ muốn tiếp tục mối quan hệ mạnh mẽ và mang tính xây dựng với LHQ.
Theo ông Blinken, các vấn đề toàn cầu đòi hỏi Ban Thư ký LHQ phải có một nhà lãnh đạo biết cách phối hợp, có năng lực dẫn dắt và hướng tới kết quả. "Chúng tôi tìm thấy điều đó ở ông Guterres", Ngoại trưởng Mỹ khẳng định.
Trước khi làm việc cho LHQ, ông Guterres là một chính trị gia chuyên nghiệp và từng giữ ghế Thủ tướng Bồ Đào Nha gần 7 năm (từ 1995 - 2002). Năm 2005, ông trở thành cao ủy LHQ về người tị nạn và giữ trọng trách này trong 10 năm trước khi đắc cử Tổng Thư ký LHQ năm 2017.
Theo Tuổi trẻ