Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngay khi đoàn xe chở Chủ tịch nước dừng tại thảm đỏ, sảnh chính Phủ Tổng thống Lohn Manor.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin tại lễ đón chính thức
Khoảng 10 giờ sáng 26.11 (theo giờ địa phương), tại TP Bern, Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin đã chủ trì Lễ đón chính thức Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam.
Lễ đón được tổ chức trọng thị tại Phủ Tổng thống Lohn Manor với sự có mặt của Đội tiêu binh danh dự và những nghi thức truyền thống của đất nước Thụy Sĩ.
Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ngay khi đoàn xe chở Chủ tịch nước dừng tại thảm đỏ, sảnh chính Phủ Tổng thống Lohn Manor.
Hai nhà lãnh đạo cùng chào hỏi, bắt tay và tiến về bục danh dự. Ngay sau đó, Quân nhạc cử quốc thiều hai nước. Tổng thống Guy Parmelin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng duyệt Đội Danh dự trước khi tới chào thành viên Nội các hai nước có mặt tại Lễ đón.
Ngay sau Lễ đón, Tổng thống Guy Parmelin và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng tiến hành hội đàm cấp cao.
Chuyến thăm chính thức Thụy Sĩ của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện. Đặc biệt, tình hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ là tài sản vô giá được lãnh đạo và nhân dân hai nước không ngừng vun đắp và xây dựng trong suốt nửa thế kỷ qua.
Diễn ra vào thời điểm đặc biệt với hai dấu mốc lịch sử trong năm 2021 là Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (10.1971-10.2021); 30 năm hợp tác phát triển và trong thời điểm khó khăn của đại dịch COVID-19, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam là minh chứng sống động thể hiện nghĩa tình và sự coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó giữa hai đất nước trong nửa thế kỷ qua.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Liên bang Thụy Sĩ Guy Parmelin
Việt Nam luôn ghi nhớ Thụy Sĩ là một trong những nước Tây Âu đầu tiên công nhận và thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1971 khi chiến tranh chưa kết thúc. Chính phủ và nhân dân Việt Nam trân trọng sự hỗ trợ quý báu mà Chính phủ và nhân dân Thụy Sĩ dành cho Việt Nam trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc trước đây, cũng như công cuộc phát triển đất nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Trên phương diện kinh tế-thương mại, Thụy Sĩ là một trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu châu Âu đối với Việt Nam và hợp tác song phương còn nhiều dư địa phát triển. Trao đổi thương mại đạt kỷ lục 3,6 tỷ USD trong năm 2019.
Khoảng 140 công ty Thụy Sĩ bao gồm các tên tuổi đẳng cấp thế giới như Nestle, ABB, Novartis, Roche, Holcim... đã và đang kinh doanh thành công tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư gần 2 tỷ USD, đưa Thụy Sĩ trở thành nhà đầu tư lớn thứ 6 ở châu Âu tại Việt Nam.
Trên nền tảng quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác tốt đẹp Việt Nam-Thụy Sĩ trên tất cả các lĩnh vực từ chính trị-ngoại giao, thương mại đầu tư, hợp tác phát triển, văn hóa-giáo dục trong nửa thế kỷ qua, cuộc hội đàm giữa hai nguyên thủ sẽ tạo xung lực chính trị mới để hiện thực hóa tiềm năng to lớn giữa hai nước, mở ra những cơ hội hợp tác to lớn, tương xứng hơn với thế mạnh và tiềm năng của hai nước, xây dựng quan hệ đối tác hợp tác song phương lên tầm cao mới.
Theo TTXVN