Tại Tel Aviv, tối 12.2, Tổng thống Israel Isaac Herzog đã có bài phát biểu đặc biệt được truyền hình trực tiếp tới toàn thể người dân, trong đó ông cảnh báo cuộc khủng hoảng cải cách tư pháp đang đẩy đất nước đến “những ngày định mệnh".
Bài phát biểu kéo dài 15 phút, được đưa ra trong bối cảnh các cuộc biểu tình lớn thu hút hàng trăm nghìn người tham gia liên tục diễn ra tại Israel để phản đối kế hoạch cải cách tư pháp của chính phủ do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu.
Về vấn đề này, ông Herzog đã gọi người biểu tình là “những người yêu nước đang sử dụng quyền được biểu tình… vì số phận của dân tộc và quốc gia”. Tuy nhiên, lo ngại bạo lực có thể xảy ra bất cứ lúc nào, Tổng thống Herzog cảnh báo: “Tôi cảm nhận chúng ta đang rất sát một cuộc đối đầu, thậm chí là đối đầu bạo lực. Thùng thuốc súng chuẩn bị phát nổ”. Ông Herzog cho rằng bạo lực giữa người dân Israel với nhau là “lằn ranh đỏ không được phép vượt qua”.
Về các đề xuất cải cách tư pháp của chính phủ, Tổng thống Herzog cho rằng sự cân bằng giữa ba nhánh quyền lực của nhà nước là tối quan trọng. Gói cải cách của chính phủ theo đề xuất hiện nay “làm dấy lên lo ngại sâu sắc về nguy cơ gây phương hại tới các thiết chế dân chủ của Nhà nước Israel”.
Theo kế hoạch, trong ngày 13.2, Quốc hội Israel sẽ xem xét một số nội dung của gói đề xuất cải cách tư pháp, vốn đang bị dư luận xã hội tại Israel phản đối mạnh mẽ vì cho rằng tính độc lập của Tòa án Tối cao sẽ bị can thiệp. Cho rằng Tòa án Tối cao là “niềm tự hào của đất nước”, Tổng thống Herzog lưu ý: “Các tòa án và thẩm phán bảo vệ xã hội và đất nước Israel… Chúng ta là một nhà nước pháp quyền là nhờ vào sự chuyên nghiệp, trách nhiệm, độc lập và tự chủ của hệ thống tư pháp… hàng triệu công dân đang cho rằng cuộc cải cách là một nguy cơ thực sự đối với nền dân chủ Israel”.
Tổng thống Israel cho biết trong những tuần gần đây ông đã làm việc với lãnh đạo của cả hai phía ủng hộ và phản đối cải tổ tư pháp, và ông tin rằng vẫn có thể đạt được sự thỏa hiệp. Theo ông cần đề ra một kế hoạch 5 điểm làm cơ sở cho đàm phán, bao gồm ổn định hóa Luật Cơ bản (Hiến pháp), giảm gánh nặng cho các thẩm phán, nâng cao chất lượng bộ máy tư pháp để tạo niềm tin cho người dân, sắp xếp lại ủy ban bổ nhiệm thẩm phán, và tránh để “tính hợp lý” trong tư pháp bị lợi dụng.
Trong mấy tuần qua, ông Herzog đã nỗ lực dàn xếp các cuộc tham vấn giữa các bên liên quan và đề nghị chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tạm hoãn kế hoạch cải cách tư pháp trong 14 ngày để tìm kiếm sự đồng thuận. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Yariv Levin, tác giả của bản dự luật cải cách tư pháp đã tuyên bố "không lùi bước" và thúc đẩy việc đưa ra xem xét tại Quốc hội (Knesset) ngày 13.2.
Trước nguy cơ kế hoạch cải cách được thông qua, các nhóm tổ chức biểu tình tại Israel đã kêu gọi tổng đình công và biểu tình trên toàn quốc trong ngày 13.2, đặc biệt sẽ tập trung trước cổng tòa nhà quốc hội ở Jerusalem, động thái được cho là nhằm bảo vệ nền dân chủ và tư pháp độc lập.
Theo TTXVN