Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế mở ra cho Hải Dương những cơ hội lớn để phát triển song cũng đi cùng với những thách thức không nhỏ.
Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về hội nhập kinh tế quốc tế, từ đó chủ động nắm bắt thời cơ, vượt qua những thách thức trong quá trình hội nhập, Hải Dương Online mở chuyên mục "Tìm hiểu về hội nhập".
Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (tiếng Anh: Association of Southeast Asian Nations, viết tắt là ASEAN) là một liên minh chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội của các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Tổ chức này được thành lập ngày 8-8-1967 với 5 thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, và Philippines với mục tiêu là công khai và hợp tác kinh tế, văn hoá- xã hội, nhưng thực chất là một tập hợp chính trị nhằm đối phó với những biến động ở khu vực và quốc tế, để biểu hiện tinh thần đoàn kết giữa các nước trong cùng khu vực với nhau, đồng thời hợp tác chống tình trạng bạo động và bất ổn tại những nước thành viên. Sau Hội nghị Bali năm 1976, ASEAN xúc tiến chương trình cộng tác kinh tế, nhưng các nỗ lực đều đi đến bế tắc vào giữa thập niên 1980. Phải đợi đến năm 1991 khi Thái Lan đề xuất thành lập khu vực thương mại tự do thì khối mậu dịch ASEAN mới hình thành. Hằng năm, các nước thành viên đều luân phiên tổ chức các cuộc hội họp chính thức để tăng cường hợp tác. Tính đến năm 1999, ASEAN gồm có 10 quốc gia thành viên (chỉ còn Đông Timo chưa được kết nạp).
ASEAN có diện tích đất 4,46 triệu km2, chiếm 3% tổng diện tích đất của Trái đất, có dân số khoảng 600 triệu người, chiếm 8,8% dân số thế giới. Vùng biển của ASEAN rộng gấp ba lần diện tích đất. Trong năm 2013, kết hợp GDP danh nghĩa tại ASEAN đã đạt 1.800 tỷ USD. Nếu ASEAN là một thực thể duy nhất, quốc gia đó sẽ xếp hạng trong các nền kinh tế lớn thứ 10 trên thế giới, sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn độ, Đức, Nga, Pháp, Canada, Tây Ban Nha, Brazil, Anh và Ý.
Theo Hiến chương và mục tiêu xây dựng Cộng đồng, ASEAN đến năm 2015 vẫn là một tổ chức liên Chính phủ và bình đẳng chủ quyền giữa các nước thành viên, chứ không phải là một tổ chức siêu quốc gia như EU. Tính chất liên Chính phủ của ASEAN là nền tảng và nhân tố quyết định nhiều vấn đề cơ bản của hợp tác ASEAN. Đáng chú ý nhất là nguyên tắc ra quyết định trên cơ sở “đồng thuận”, theo đó, ASEAN luôn phải phấn đấu bảo đảm “sự thống nhất trong đa dạng” trên cơ sở gia tăng những lợi ích cơ bản chung.
(Nguồn: Trung tâm Tư vấn và đào tạo kinh tế thương mại, Viện Nghiên cứu thương mại)